Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 03:12 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự thế kỷ XX

Biên phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên, người anh cả của QĐND Việt Nam đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy và tài năng quân sự thiên bẩm, ông đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

 5111a.gif

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã xuất hiện nhiều vị tướng tài ba lỗi lạc ghi dấu ấn hiển hách như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Và đến thế kỷ XX, xuất hiện nhà quân sự tài ba, lỗi lạc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là sự kết tinh tinh hoa quân sự của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chống Pháp và chống Mỹ. Ngay tướng Mỹ Oét-mo-len đã từng phải thốt lên rằng: "Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp".

Tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nét đặc sắc, nổi bật, phản ánh sự thống nhất, nhất quán trong tư duy và hành động, trên cơ sở có sự kế thừa giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Tư tưởng đó có thể khái quát ở một số đặc trưng cơ bản sau đây:

Một là, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh. Trong kháng chiến chống Pháp, chính ông đã khiến thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu - Đông 1947; tổ chức thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950, với mưu kế "đánh điểm, diệt viện" đã buộc tướng Na-va phải xé lẻ lực lượng để đối phó trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Sau đó, với nhãn quan của một thiên tài quân sự, phân tích sâu sắc tình hình địch - ta, ông đã thực hiện phương châm tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn nước ngoài muốn dùng chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", dù phải đổ bao nhiêu xương máu. Nhưng với khả năng thiên tài, phân tích sâu sắc tình hình, tư duy nhạy bén, linh hoạt, sau 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ, ông đã quyết định ngược lại là "đánh chắc, thắng chắc", mục đích là đảm bảo chắc thắng và ít tổn thất, thương vong cho chiến sĩ. Sau này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát biểu: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Đây là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Đại tướng, nếu như theo phương án ban đầu thì chúng ta sẽ bị tổn thất vô cùng to lớn, thậm chí còn thất bại thảm hại trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, nghệ thuật đánh điểm, diệt viện; biết chọn và chớp thời cơ nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Chiến thắng mùa Xuân 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa!" cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người có tài cầm quân, mà còn là một nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác giả hàng đầu sách về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận thể hiện về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, về chiến tranh nhân dân trong thời đại mới. Đặc biệt, chiến tranh nhân dân Việt Nam thực sự đã trở thành nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; đó là nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược; đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng lực lượng ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành thực tế các quân binh chủng, các binh đoàn chủ lực; đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng thời cơ, dự đoán đúng âm mưu và thời cơ của địch để đề ra phương án, cách đánh cho phù hợp, hiệu quả như: Đưa pháo binh chiếm lĩnh vị trí cao của địa hình, chế áp pháo địch; vây lấn, vận động tiến công, kết hợp với chốt, chặn đầu khóa đuôi để tiêu diệt địch theo dự kiến. Ngoài ra, Đại tướng còn viết nhiều công trình mang tính giá trị thời đại như: Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng; nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam.

Ba là, tin quần chúng và biết dựa vào nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng là một trong những người góp phần quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 15: "Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và ngụy quyền Sài Gòn". Nhờ vậy, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, góp phần to lớn vào một loạt thắng lợi sau này như: Đường 9 - Nam Lào, Xuân - Hè 1972, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Đại thắng mùa Xuân năm 1975...

Đại tướng là một vị tướng quán triệt sâu sắc nhất tư tưởng "lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc". Thực tiễn cho thấy, ông là một trong những kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Một nền chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng "cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc". Trong bối cảnh Việt Nam khác với các nước, luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn hẳn, chúng ta luôn trung thành với tư tưởng "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" của truyền thống dân tộc. Điều này, hoàn toàn đúng và phù hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bốn là, tư tưởng quân sự nhưng mang đậm chất nhân văn, nhân đạo và hòa bình. Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như "một cây đại thụ rợp bóng nhân văn". Thông thường, một vị tướng cầm quân khi ra trận, cái đích bao giờ cũng phải là "quyết đánh, quyết thắng". Thế nhưng, bên cạnh tư tưởng ấy, ở Võ Nguyên Giáp không phải là "thắng bằng mọi giá", mà là quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh, mất mát của bộ đội. Ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ khi xung trận. Khi xây dựng một kế hoạch tác chiến, trước mỗi trận đánh, ông cũng đau đáu làm sao để giảm đến mức thấp nhất tổn thất cho bộ đội. Không những thế, trong các trận đánh, ông không có tư tưởng "tiêu diệt sạch sành sanh, đánh đến tên giặc cuối cùng". Đó chính là tư tưởng quân sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong con người Đại tướng. Là người chỉ huy, nhưng ông còn như một người cha, người anh, người bác, người chú, người đồng nghiệp, luôn luôn gần gũi với bộ đội, với mọi người.

 7310a.gif
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 28/12/1972. Ảnh: Tư Liệu

Đối với bản thân mình, Đại tướng là người quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ "dĩ công vi thường", suốt đời phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Chúng ta biết rằng, trong cuộc đời của Đại tướng có những lúc, có những thử thách, nhưng ông đều vượt qua tất cả. Ở ông luôn thể hiện một phẩm chất vượt trội, đó là đức "nhẫn". "Nhẫn" ở đây không phải thụ động, chịu đựng, mà chữ "nhẫn" ở đây là biết nói ra lúc nào, nói như thế nào, làm lúc nào, quyết định cái gì, lúc nào, quyết định như thế nào. Cái gì cần nói ra, cái gì cần làm, tất cả đều vì lợi ích của dân tộc. Chữ "nhẫn" hiểu một cách sâu xa như thế đó.

Có thể khẳng định, tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự kế thừa truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết hợp với hệ thống lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh hoa quân sự Đông - Tây, đặc biệt, ông rất say mê nghiên cứu về Na-pô-lê-ông và cách mạng Pháp. Trên cơ sở đó, ông đã biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Qua đó, có sự bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp với thời đại mới. Những tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Nguyễn Huy Đại

Bình luận

ZALO