Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 08:41 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp “sắp đặt” trận địa xuyên Tết Ất Mão

Biên phòng - “Tôi được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi từ chiến trường về gấp Bộ Tổng hành dinh làm việc vào những ngày sát Tết Ất Mão, năm 1975. Máy bay trực thăng tiếp đất, tôi đến thẳng Bộ Tổng hành dinh gặp Đại tướng và được Đại tướng giao việc luôn: “Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm, nay giao anh chuẩn bị gấp phương án vận chuyển chi viện bảo đảm cho kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975”” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, kể với tôi khi ông còn sống.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (đứng bên phải) báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (đứng giữa) về công tác vận tải quân sự ở đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nêu công việc cụ thể với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên: “Mỹ - ngụy hiện có những mâu thuẫn sâu sắc, nội bộ rất lúng túng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm điểm chốt đột phá của chủ trương chiến lược mới. Kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã triển khai, theo báo cáo của anh Văn Tiến Dũng, là rất xuất sắc. Bây giờ nếu có lệnh, lực lượng xe của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn có cơ động một lúc cả quân đoàn vào chiến trường được không? Có cơ động được tên lửa không?”.

“Nghi binh” tướng xuất trận

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ đội Trường Sơn có 2 sư đoàn và 2 trung đoàn ô tô cơ động vận tải, biên chế trên 8.000 xe, đủ sức chở cả quân đoàn có trang bị vũ khí, khí tài hạng nặng. Tốc độ hành quân từ đường 9 (Quảng Trị) vào Tây Nguyên đi mất 5 ngày. Xe tăng, pháo 130 ly đã cơ động trên hai trục Đông và Tây Trường Sơn. Lần này, nếu có tên lửa vào, vẫn đi thoải mái.

“Tổng Tư lệnh nghe tôi báo cáo rất phấn khởi, anh chỉ đạo thêm Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn về vấn đề hiệp đồng binh chủng. Anh Nguyên ghé qua nhà thăm gia đình, rồi phải quay vào chiến trường ngay. Tôi đã quay lại sở chỉ huy đóng ở Quảng Trị, đúng vào ngày 29 Tết Ất Mão. Trong mấy ngày Tết, các đơn vị của Bộ đội Trường Sơn khẩn trương mở đường, vận chuyển vật tư quân sự vào tập kết ở các trung tâm hậu cần, theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tóm tắt câu chuyện.

Trước đó vài ngày, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam vào chiến trường (ngày 5-2-1975) với mật danh “Đoàn A.75”, trực tiếp chỉ huy tại mặt trận. Mọi biện pháp bảo mật, “nghi binh” tướng xuất trận được thực hiện để đánh lạc hướng tình báo của địch. Ra trận giữa lúc năm hết Tết đến đã góp phần tạo nên yếu tố bất ngờ. Hàng ngày, xe ô tô vẫn chạy đưa đón đồng chí Văn Tiến Dũng, từ nhà riêng đến trụ sở làm việc, buổi chiều tổ chức đánh bóng chuyền giống như nếp sinh hoạt hàng ngày của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng. Tình báo Mỹ - ngụy vẫn chưa thấy động tĩnh gì ở Hà Nội, đặc biệt, có xáo trộn với các tướng lĩnh chỉ huy cấp cao. Ngờ đâu, Đoàn A.75 đã vào tận chiến trường rồi.

Chưa đánh đã biết thắng

Điểm “hội quân” của Đoàn A.75 tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên báo cáo với Đại tướng Văn Tiến Dũng về thực hiện các chỉ lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã cho thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại Tây Nguyên. Đặc biệt, đảm bảo đầy đủ các vật tư quân sự ở các trung tâm dự trữ hậu cần lớn, mở các tuyến đường mới, nâng cấp những tuyến đường chiến lược, sẵn sàng cho quân chủ lực cơ động và vận chuyển vũ khí hạng nặng nhanh nhất.

Đêm ra trận là đêm không ngủ. Đêm hôm đó, cả hai vị tướng lẫy lừng trận mạc ngồi trò chuyện tại phòng khách rất lâu. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể tiếp: “Anh Dũng nói với tôi: Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên là “đột phá khẩu” cho chủ trương chiến lược mới, bởi đây là một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Bên nào chiếm được Tây Nguyên, bên đó sẽ chiếm được ưu thế tuyệt đối, khống chế được miền Trung, miền Đông Nam Bộ... Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cán bộ quân sự chúng ta mỗi lần giở bản đồ tác chiến là thấy “thèm” Tây Nguyên... Nay chúng ta đã hội đủ các yếu tố: Tương quan lực lượng trên chiến trường, ta trội hơn hẳn. Chủ lực miền Bắc, những “quả đấm” chiến lược đã sẵn sàng, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - Hồ Chí Minh đủ sức thỏa mãn yêu cầu đánh lớn”.

Sáng hôm sau, Đoàn A.75 lên đường vào Tây Nguyên, cũng có “nghi binh” nhỏ, xe chở Đại tướng Văn Tiến Dũng, thay biển số T.S-601 của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Dọc đường đi, bộ đội, thanh niên xung phong làm đường, thấy xe ký hiệu T.S-601 đi qua, cho rằng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đang đi kiểm tra các binh trạm, cứ dạt ra hai bên nhường đường ưu tiên. Không ai biết ở trên đó có vị tướng thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chỉ huy tối cao ở mặt trận.

“Anh Dũng vào đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đóng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, gọi điện cho tôi: “Đường ra trận như ngày hội lớn, người xe đi hối hả, sôi động vô cùng... Công tác hậu cần chuẩn bị đầy đủ, chưa đánh đã biết thắng. Đoàn A.75 đồng ý ăn Tết tại Sa Thầy và làm công tác chuẩn bị” - Trung tướng Nguyên hồi tưởng lại câu chuyện năm xưa.

Đại tướng Văn Tiến Dũng làm việc trực tiếp với Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về sử dụng lượng nghi binh lừa địch ở vùng Bắc Tây Nguyên, buộc địch phải điều động những đơn vị chủ lực lên đối phó. Mặt khác, ta đã điều những sư đoàn tinh nhuệ từ Bắc Tây Nguyên, cắt rừng cơ động về phía Nam Tây Nguyên chờ lệnh để nổ súng “khai hỏa”.

Ngày 25-5-1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng:

“1. Anh cân nhắc tình hình cụ thể để quyết định theo tinh thần đã trao đổi trước khi anh đi... Mạnh bạo giải quyết A2 (Buôn Ma Thuột) trước khi địch ở đây tương đối sơ hở, ta có điều kiện giành bất ngờ, tiêu diệt địch, tiếp đó, nhanh chóng phát triển thắng lợi.

2. Dù theo phương án nào cũng cần tranh thủ bất ngờ cao độ, đảm bảo trận đầu thắng giòn giã, có dự kiến, có kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời, diệt được thật nhiều sinh lực địch, đồng thời, giải phóng được địa bàn quan trọng.

3. Cho kiểm tra kế hoạch chi viện hậu cần, bảo đảm cho được chi viện đầy đủ cả trong trường hợp địch tăng cường đánh hành lang”.

Đúng 1 giờ, ngày 10-3-1975, quân ta bất ngờ nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Quân địch bị mất Buôn Ma Thuột, cả Tây Nguyên bị rối loạn, sau mấy ngày, quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Bất ngờ về hướng tiến công chiến lược

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định, địch đã bị nhiều đòn bất ngờ: “Bất ngờ vì không phá được Hiệp định Paris, mà còn bị ta kiên quyết đánh bại; bất ngờ về kế hoạch và quy mô tác chiến của ta; bất ngờ về hướng tiến công chiến lược; bất ngờ trước sự suy yếu nhanh chóng của chúng”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO