Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Kiến trúc sư” chính của tuyến đường Trường Sơn

Biên phòng - “Hầu như năm nào anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cũng một đôi lần làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (BĐTS), lần nào cũng giúp chúng tôi tháo gỡ, giải quyết những vấn đề có tính chiến lược. Để có được một mét đường xuyên Trường Sơn, phải hội tụ đủ trí lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với chúng tôi, anh Văn là “kiến trúc sư” chính của tuyến đường Trường Sơn” – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh BĐTS đã nói với tôi khi ông còn sống.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Cơ động “thần tốc” binh chủng hợp thành

Năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tuyến lửa Quảng Bình kiểm tra thực tế tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại: “Tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh BĐTS đặt tại nhà thờ họ Nguyễn (thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), tôi báo cáo với anh Văn toàn bộ chủ trương, kế hoạch rất chi tiết trên bản đồ.

Nghe tôi báo cáo xong, anh Văn nói: Những gì mà BĐTS đang làm là thể hiện tính chủ động, sáng tạo, dám chấp nhận thách thức, đón đầu thời cơ, dám làm việc lớn. Đồng thời là những căn cứ tốt giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoạch định khối lượng vật chất chi viện, bổ sung lực lượng, cơ động bộ binh và binh chủng kỹ thuật bằng cơ giới cho các chiến trường chuẩn bị thời cơ mới”.

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp phân tích về chủ trương, kế hoạch của Bộ Chính trị đối với chiến trường miền Nam, yêu cầu Bộ Tư lệnh BĐTS phải theo dõi sát sao mọi diễn biến tình hình địch – ta.

Đại tướng yêu cầu BĐTS thực hiện những nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, sớm hoàn thiện tuyến đường Đông Trường Sơn theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi. Thứ hai, đối với tuyến đường Tây Trường Sơn, ta đang sử dụng “đường kín” tổ chức vận tải cơ giới đội hình quy mô lớn, chạy ngày, bỏ được vận chuyển cung đường ngắn. Đây là một sáng tạo kỳ diệu cần phát huy có hiệu quả hơn. Nhưng khi điều kiện cho phép, cần sử dụng “đường hở” để vận chuyển ban ngày. Thứ ba, đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường ống xăng dầu và thông tin tải ba (PLC) xuyên Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Thứ tư, phát triển nhanh chuyển quân bằng cơ giới, chuẩn bị tốt để thời cơ đến có thể cơ động “thần tốc” được cả đội hình quân binh chủng hợp thành.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 2 từ trái sang) và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (thứ 3 từ trái sang, cạnh Đại tướng) thăm chiến trường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

“Thời gian làm việc với anh Văn không dài, nhưng với những gì lĩnh hội được tại sở chỉ huy là sự chỉ đạo tầm cao chiến lược của anh có ý nghĩa rất lớn đối với tuyến chi viện Trường Sơn. Khi Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, tính cơ động “thần tốc” được thể hiện toàn diện trên các mặt trận, làm cho quân địch bất ngờ, không kịp trở tay. Mới thấy tầm cao chiến lược của anh Văn chỉ đạo BĐTS từ nhiều năm trước” – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cảm nhận.

Thời gian là lực lượng, là sức mạnh

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát chiến trường Trường Sơn. “Theo yêu cầu của anh Văn, tôi đưa anh đến những trọng điểm không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất khu vực tỉnh Quảng Bình. Dừng lại ở đỉnh đèo Phu La Ních, Đại tướng chọn điểm cao và dùng ống nhòm quan sát toàn cảnh trọng điểm, tôi thấy anh lặng người khá lâu trước cảnh tượng chừng 100 cây số vuông vốn là rừng nguyên sinh, nay bị bom, chất độc khai quang của Mỹ đào quật, hủy diệt, còn lác đác mấy thân cây cháy trụi. Hố bom chồng chất hố bom. Xác xe cháy, hỏng nằm cong queo, ngổn ngang,...”.

Đến thăm các đơn vị đang làm nhiệm vụ tại đường Trường Sơn, mọi người vô cùng xúc động khi thấy Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp xuất hiện với bộ quân phục đỏ quạch bụi đường, một số nữ thanh niên xung phong xúc động rơi nước mắt. Đại tướng nói với cán bộ, chiến sĩ “chân đồng vai sắt”: “Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”. Mới nhìn thấy vài cung đường, tới vài trọng điểm, nhưng tôi thật sự không tưởng tượng nổi sức chịu đựng, sự sáng tạo và thành công của các binh chủng và thanh niên xung phong Trường Sơn lớn lao, vĩ đại đến như vậy... Đường Hồ Chí Minh thực sự là một kỳ công, một kỳ tích được tạo dựng bởi ý chí vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, các đồng chí xứng đáng là anh hùng. Không có các đồng chí, không có ngày hôm nay....”.

Về chiến lược lâu dài, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu BĐTS thực hiện những nhiệm to lớn hơn: “Muốn giành được đỉnh cao toàn thắng, chúng ta cần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo hơn nữa. Đường Trường Sơn không dừng lại ở mức độ này, đường phải được mở rộng, rải đá, xe ôtô đi được cả hai chiều, cả hai mùa mưa nắng”.

Năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm việc tại Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh BĐTS đặt tại nhà thờ họ Nguyễn, ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hải Luận

Mọi “đáp số” về cơ động hành quân của các sư đoàn, quân đoàn chủ lực của ta từ miền Bắc, miền Trung vào chiến trường miền Nam bằng cơ giới đã được BĐTS thể hiện xuất sắc trong tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể: “Ngày 6-4-1975, tôi nhận được bức điện của anh Văn với câu từ đầy sức mạnh: “... Yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Các đồng chí dùng mọi biện pháp tổ chức và đôn đốc các đơn vị hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp, hoàn thành xuất sắc chiến dịch chi viện thần tốc này”.

Thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, BĐTS đã tổ chức trên 2 trục chính, đường số 1 và đường Trường Sơn, bằng đôi chân vạn dặm và huy động mọi phương tiên có thể được, mở đường mà tiến. Cầu bị địch phá, công binh sửa chữa, dùng phà tự hành, kết hợp thuyền bè lớn nhỏ của dân,... BĐTS đã thực hiện “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, súng đạn, xăng dầu... cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Quân chủ lực của ta đã tiến đánh vào Quy Nhơn, Nha Trang,... anh Văn liên tục gọi điện, nhắc nhở, đốc thúc BĐTS phải đảm bảo các kho đạn, kho xăng dầu, kho lương thực, kho thuốc men... Mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh được truyền đạt, quán triệt đến từng kho hàng, binh trạm. Một khối lượng hậu cần khổng lồ khẩn trương chuyển vào chiến trường đúng kỳ hạn cho đến ngày toàn thắng” – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chia sẻ.

Hải Luận

Bình luận

ZALO