Biên phòng - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sinh ngày 1-1-1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, đã tham gia phong trào đấu tranh chống bọn cường hào ở địa phương, rồi tham gia phong trào bình dân. Đồng chí được kết nạp vào Đảng năm 1937, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ. Đến năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Đồng chí đã bị đế quốc Pháp bắt ba lần, bị giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và đã vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Suốt thời gian hoạt động cũng như những ngày bị giam cầm, đồng chí luôn tỏ rõ là một người cộng sản kiên cường, góp phần tổ chức, xây dựng cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên.
![]() |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt, đồng chí được Đảng giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy lãnh đạo quân và dân ta thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi ngày càng to lớn và cuối cùng đánh thắng thực dân Pháp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong những năm hòa bình lập lại, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng quân đội ta lớn mạnh, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cũng trong năm 1960, được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng, đồng chí đã góp nhiều công sức vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp, phát động phong trào thi đua rầm rộ với Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - lá cờ đầu trong phong trào thi đua quản lý hợp tác xã ở miền Bắc.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Trong bối cảnh đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động trở lại quân đội, vào chiến trường miền Nam trực tiếp cùng Trung ương Cục lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam. Trên cương vị này, đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn. Với tầm nhìn chiến lược và phương pháp tư duy khoa học, luôn bám sát thực tiễn, đồng chí là người phát hiện sớm việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ" và đã chủ động chuẩn bị đánh Mỹ kéo vào miền Nam. Phát kiến đó được Bộ Chính trị chấp nhận và đề ra quyết sách mới. Đồng chí là người sắc sảo trong đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng Mỹ. Đồng chí đã cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đi sâu, đi sát chỉ đạo, tổ chức, động viên quân dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công, đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu như: Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng, Nhà Đỏ, Bông Trang, Plây-me và thung lũng I-a-đrăng, cuộc hành quân A-ten-brô, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân tổng lực Gian-xơn Xi-ti và đánh bại các kế hoạch chiến lược chiến tranh của Mỹ, làm nức lòng quân dân cả nước, củng cố niềm tin quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc ta.
Trong thời gian trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường đi sâu, đi sát, xuống tận cơ sở gặp nhân dân, ra mặt trận gặp chiến sĩ để nắm tình hình. Từ thực tiễn đó, đồng chí rút ra những vấn đề lý luận, tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời trở thành khẩu hiệu chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam như: "Nắm thắt lưng địch mà đánh", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", "Căng địch ra mà đánh", "Vây địch lại mà đánh", "Luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh"... Năm 1967, đồng chí ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, đã góp phần rất quan trọng để Bộ Chính trị và Bác Hồ hạ quyết tâm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới, chuẩn bị tiến lên giành thắng lợi quyết định. Giữa lúc khẩn trương trở lại chiến trường miền Nam, trái tim Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngừng đập vào hồi 9 giờ sáng, ngày 6-7-1967 trong niềm tiếc thương vô hạn của Bác Hồ, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ một vị tướng tài năng, một nhà lãnh đạo và chỉ huy xuất sắc, đem hết tài năng và nghị lực vào việc xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời, đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, giản dị, khiêm tốn, vì Đảng, vì dân, kiên quyết chống quan điểm sai trái, chống chủ nghĩa cá nhân, hết lòng thương yêu đồng đội, đồng bào, đồng chí, thực hành tự phê bình và phê bình thẳng thắn, đồng chí đã góp phần cùng với Đảng ngăn ngừa khuynh hướng chính trị sai trái và những vi phạm về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, giữ gìn cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Đồng chí là hình ảnh cao đẹp về mẫu người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có viết: "Đồng chí đã để lại mãi mãi trong lòng các đồng chí, đồng đội và nhân dân tấm gương trong sáng của một người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và lý tưởng cộng sản".
Nói về phẩm chất cách mạng cao quý của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bác Hồ đã nói: "Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết", nhà thơ Tố Hữu cũng đã kết thúc bài thơ Một con người trong mấy câu cô đọng:
"Ôi sống như Anh sống trọn đời.
Sáng trong như ngọc một con người.
Thanh ơi, Anh mất rồi chăng đấy.
Cứ thấy như Anh nở miệng cười".
Với công lao to lớn và thành tích đóng góp đối với Đảng, Nhà nước và quân đội ta, đồng chí đã được tặng nhiều huân, huy chương cao quý và gần đây được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất và Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh, chúng ta cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và quân đội ta.