Biên phòng - Mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng. Đó là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Chiến thắng lịch sử
Sau khi hất cẳng thực dân Pháp, năm 1956, Mỹ nhảy vào xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, phá hoại sự nghiệp hòa bình thống nhất của dân tộc Việt Nam như đã được quy định tại Hiệp định Geneve (tháng 7/1954). Mỹ - Diệm đã đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân miền Nam.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ chính thức can dự, xâm lược miền Nam, với việc đổ quân và vũ khí, khí tài quân sự vào miền Nam Việt Nam thực hiện các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), Chiến tranh cục bộ (1965 - 1966) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 1973). Số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam có lúc cao nhất đã lên đến hơn nửa triệu người. Đế quốc Mỹ còn leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam khi thực hiện chiến dịch vô nhân tính sử dụng siêu “pháo đài bay” B-52 ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội và miền Bắc hòng đưa miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu để giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, buộc phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho ngụy quyền nhằm kéo dài chiến tranh ở Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, Hội nghị Bộ Chính trị khóa III (diễn ra từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/1974) đã hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 và nhấn mạnh: “thực hiện kế hoạch cơ bản năm 1975-1976, nhưng phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”. Thực hiện quyết tâm này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975, ta tiến công Buôn Ma Thuột và giành thắng lợi nhanh chóng. Đến ngày 3/4/1975, quân ta giải phóng toàn vùng Tây Nguyên. Phát triển thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Ngày 26/3/1975, quân ta giải phóng Huế và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi mệnh lệnh đến toàn quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta tiếp tục truy quét địch. Ngày 24/4/1975, ta phá tan phòng tuyến Xuân Lộc của địch, mở cánh cửa hướng Đông tiến vào Sài Gòn. Cùng ngày 24/4/1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 17 giờ, ngày 26/4/l975, Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu.
Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, thần tốc truy đuổi quân địch, Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta thống nhất, non sông nối liền một dải. Đồng chí Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp trong Quân đoàn 2, có mặt trên chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Ông Thận đã hạ lá cờ của chính quyền Dương Văn Minh xuống và viết tên mình vào một góc lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm lên nóc Dinh Độc Lập là 11 giờ 30 phút, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của bè lũ bán nước và xâm lược.
Còn mãi niềm tự hào
Cho đến nay, những chiến sĩ năm xưa tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ như in không khí khẩn trương của những ngày tiến về giải phóng Sài Gòn. Cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, mũi thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập chia sẻ rằng, ông luôn tự hào vì đã có mặt cùng đồng đội trực tiếp bắt sống và buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cùng toàn bộ nội các đầu hàng vô điều kiện.

“Khoảng 11 giờ, ngày 30/4/1975, chúng tôi tiến vào Dinh Độc Lập. Lúc đó, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ sẵn ở phòng họp. Căn phòng rộng rãi, trang bị nội thất hiện đại, nhưng bao trùm không khí ảm đạm. Sau khi hội ý, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó quyết định đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt. Khi sang tới Đài phát thanh thì nhân viên làm việc ở đài đã bỏ chạy hết. Tôi và đồng chí Nguyễn Huy Hoàng canh gác, không cho những người không có nhiệm vụ vào, còn một số đồng chí khác đi tìm chuyên viên của đài. Trong lúc đó, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ thống nhất nội dung, ý tứ thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Tổng thống Dương Văn Minh. Sau đó, Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Lúc này, đồng hồ chỉ 12 giờ 30 phút” - ông Bàng Nguyên Thất nhớ lại.
Tiếp đó, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố: “Tôi, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu kêu gọi đồng bào yên tâm, Quân giải phóng đã vào giải phóng Sài Gòn, không có đổ máu, không có tàn sát, mọi hoạt động trở lại bình thường”.
“Trong giờ phút lịch sử ấy, chúng tôi xúc động nghẹn ngào, đồng bào cả nước và nhân dân trên toàn thế giới được biết toàn thắng đã về ta, chính quyền ngụy Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ” - ông Thất chia sẻ.
Bích Nguyên