Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh to lớn

Biên phòng - Đoàn kết toàn dân tộc là di sản văn hóa quý báu của đất nước ta. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nguồn sức mạnh vô địch để nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dịp đầu Xuân mới, phóng viên Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

5a7275fd22f7c73321004a8a
Ông Nguyễn Hữu Dũng. Ảnh:  Nguyên Thanh

PV: Đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Bác Hồ nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Theo ông, vì sao Đảng và Bác Hồ lại đặc biệt coi trọng chủ trương này?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, sự đoàn kết, thống nhất của các dân tộc là quy luật tồn tại và phát triển của cộng đồng 54 dân tộc cùng sinh sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Thực hiện tư tưởng của Người, từ khi thành lập đến nay, Đảng đã thực hiện nhất quán chính sách dân tộc "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ", tạo mọi điều kiện cho các dân tộc phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng quốc gia dân tộc. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong hơn 30 năm qua là thành quả của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

PV: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một hoạt động thiết thực, bổ ích được tổ chức hằng năm tại các khu dân cư trong cả nước. Mục đích tổ chức ngày hội này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Xuất phát từ tính lịch sử và yêu cầu thực tiễn ở các khu dân cư, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày 1-8-2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chính thức ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp 18-11 hàng năm”. Đây thực sự là ngày hội đầy ý nghĩa, cũng là một hình thức hoạt động của Mặt trận hướng về khu dân cư nhằm biểu dương sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở hơn 110.000 khu dân cư trên địa bàn cả nước.

Thông qua tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Mặt trận các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hệ thống chính trị các cấp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong và ngoài nước hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam từ khi thành lập đến nay; tổng kết, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong việc hưởng ứng, tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Quỹ vì người nghèo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết sáng tạo...”.

PV: Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nạn tham nhũng, vi phạm dân chủ... làm ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ Việt Nam cần phải làm gì để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh này thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Lịch sử đã minh chứng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có nguyên nhân bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng chính là mục tiêu mà kẻ thù luôn tìm cách phá hoại. Âm mưu xuyên suốt của chúng là chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh, chia rẽ các dân tộc với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị dân tộc, làm suy yếu, đi đến thôn tính nền độc lập của nhân dân ta. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những hạn chế, yếu kém của chúng ta trong công tác cán bộ, trong công tác quản lý kinh tế. Gần đây, chúng lợi dụng một số vụ việc liên quan đến một số cán bộ của Đảng, Nhà nước suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống... nhằm chỉ trích sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện “diễn biến hòa bình”, phá vỡ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20-8-2015 “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc” nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các ủy viên Ủy ban Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở là người dân tộc thiểu số và gần 34.000 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc tại các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là các khu dân cư ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. 

2xcp_7b
Ông Nguyễn Hữu Dũng tặng quà cho đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyên Thanh

PV: Liên quan tới khu vực biên giới, biển đảo, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam có những định hướng hoạt động như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín, tiêu biểu các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 1.227 xã biên giới trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư. Tiếp theo sẽ tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của Mặt trận các cấp trong xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Thanh (thực hiện)      

Bình luận

ZALO