Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam

Biên phòng - Ngày 4-12, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II - năm 2020 với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Bình Minh

Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động...

Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, là dịp để nhìn lại quá trình phát triển, những thành tựu nổi bật của công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng DTTS và miền núi.

Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả nổi bật, nhất là ở địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn.

Đồng thời, đi đôi với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo; sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự nghiệp văn hóa, thông tin, truyền thông; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc; tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ công; góp phần nâng cao nhận thức, mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; chú trọng phát triển đảng viên là người DTTS, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội. Ảnh: Bình Minh

Đồng thời, tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nâng cao tiềm lực quốc phòng ở vùng DTTS và miền núi góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Lực lượng quân đội, nòng cốt là BĐBP thường xuyên “bám bản, nắm dân”; tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, giúp đỡ nhân dân về mọi mặt. Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, với các việc làm thiết thực “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Tết biên cương ấm lòng dân bản”… mãi mãi in đậm trong lòng đồng bào DTTS nơi biên giới, phên dậu của Tổ quốc. BĐBP đã cử gần 400 sĩ quan tăng cường cho bộ máy cấp ủy, chính quyền các địa phương; xây dựng được 29.000 tổ tự quản, gần 800.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên cột mốc; đã tham gia giải quyết hơn 1.800 vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới.

Phát huy truyền thống của cha anh, hàng vạn con em đồng bào các DTTS trên mọi miền đất nước tiếp tục nhập ngũ, bổ sung cho lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khoảng 40% quân số của BĐBP là con em đồng bào DTTS. Lực lượng dân quân vùng DTTS và miền núi, nhất là các xã biên giới thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc; tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp không để xảy ra điểm nóng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vùng DTTS và miền núi đã xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đi vào chiều sâu và tầm cao mới; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

10 qua, nhiều tập thể, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành khen thưởng. Thống kê chưa đầy đủ, có 39 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập các hạng; 320 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 3.200 tập thể, cá nhân được các Bộ và UBND tỉnh tặng Bằng khen; gần 11.000 người được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam”.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay). Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch…

Về giải pháp thực hiện các mục tiêu này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Không một thế lực nào, dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các dân tộc nguyện một lòng đoàn kết, đi theo Đảng, luôn tâm nguyện rằng còn Đảng là còn mình; chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào DTTS. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 14 triệu đồng bào DTTS nắm chặt tay nhau, quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng DTTS và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển, nhất là du lịch. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.

Chúng ta không chỉ một chiều nhìn thấy các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chúng ta cũng nhận thấy đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm Đổi mới đất nước.

So với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng dãn cách.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Bình Minh

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào DTTS, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào DTTS phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ kỳ vọng, gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các DTTS, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thủ tướng Chính phủ chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta ngày càng vững mạnh. Cơ đồ đất nước, vinh quang tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhất.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO