Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Dai dẳng vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Từ lâu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ (DTTS). Tình trạng đó đã để lại nhiều hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Trong đó, Hà Giang vẫn là tỉnh có số người vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Bé gái trong độ tuổi vị thành niên bị “bắt vợ”. Ảnh minh họa. Ảnh: CTV

Hủ tục đeo bám

Có dịp công tác tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi được nghe những câu chuyện về tình trạng tảo hôn của các chàng trai, cô gái dân tộc sinh sống trong địa bàn huyện. Qua chị Hoàng Thị Xuân, cán bộ Tư pháp xã Pải Lủng, chúng tôi đã có dịp chứng kiến một số gia cảnh người DTTS sớm vướng vào chuyện lấy vợ, lấy chồng khi còn trong độ tuổi thành niên đều xuất phát từ tục “bắt vợ”. Nhiều bé gái mới 13, 14 tuổi đã phải làm vợ, làm mẹ và con đường đến với con chữ của họ cũng đứt gánh từ đó...

Chúng tôi tìm đến nhà em Sùng Mí Cho, 17 tuổi, dân tộc Mông nằm dưới chân một thung lũng sâu của xã Pải Lủng. Ngôi nhà tuyềnh toàng, bên trong chẳng có vật dụng gì đáng giá. Lúc ấy, Sùng Mí Cho đang ngồi ôm con gái nhỏ mới vài tháng tuổi vào lòng, nhưng đứa trẻ cứ quẫy đạp, khóc thét không ngừng. Giống như nhiều trường hợp khác ở Mèo Vạc, Sùng Mí Cho lấy chồng từ khi còn là học sinh. Sùng Mí Cho tâm sự: “Khi em học lớp 7, mặc dù em chưa muốn lấy chồng nhưng do bị chồng bắt về làm vợ nên em đành chịu. Khi đang học dở lớp 8, em có bầu nên cũng bỏ học luôn”.

Cuộc sống hai vợ chồng trẻ vô cùng khó khăn khi không có công ăn việc làm. Từ khi đứa trẻ ra đời, gia cảnh càng thêm túng thiếu. Chồng của Sùng Mí Cho đã phải xuống dưới xuôi tìm việc làm. Nhà chỉ còn người mẹ trẻ và con thơ. Đến giờ Cho cũng không nhớ chồng hơn mình 2 hay 3 tuổi nữa.

Gặp Vàng Thị Mua (xã Pải Lủng) tôi bị ám ảnh bởi thân hình gầy gò, xanh xao của em. Vàng Thị Mua lấy chồng khi vẫn đang là học sinh, chưa đủ tuổi kết hôn. Khi chính quyền xã biết chuyện đã phối hợp với nhà trường, đến gia đình để vận động. Thấy vậy, cô bé liền nhảy xuống bể nước, nhất quyết không lên, mặc cho những người có trách nhiệm ở trên cố gắng thuyết phục. Sau đó, mấy anh công an xã đã phải lội xuống nước, khiêng nữ sinh này lên. Bố mẹ cô bé tỏ ý không đồng tình, bắt đền cán bộ vì sợ con mình sau này không lấy được chồng.

Chị Hoàng Thị Xuân cho biết: “Thường những trường hợp khi bắt vợ về chưa được nhà trai tổ chức cúng lễ, thì chính quyền địa phương sẽ dễ vận động, thuyết phục hơn. Nhưng nếu sau 3 ngày, gia đình nhà trai đã tổ chức cúng lễ cho cô gái làm “ma” nhà mình thì sẽ khó thuyết phục. Đặc biệt là, khi cô gái đã có bầu thì càng khó. Thậm chí, có trường hợp đã thuyết phục, đồng thuận xong, nhưng sau đó cô gái lại trốn về nhà bạn trai để chung sống, nhiều cặp còn lẩn trốn sang Trung Quốc để tránh chính quyền địa phương”.

Năm 2020 trên địa bàn huyện Mèo Vạc có khoảng 160 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn diễn ra chủ yếu vào sau dịp Tết Nguyên đán dưới hình thức kéo vợ, bắt vợ. Sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã cùng với các thầy cô giáo đến tận gia đình để tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn, tự chấm dứt hành vi. Nhiều trường hợp đã phải sử dụng đến biện pháp hành chính, hương ước, trục xuất ra khỏi nơi cư trú… Điển hình như tháng 11-2020, Công an huyện Mèo Vạc đã khởi tố vụ án hình sự hiếp dâm người dưới 16 tuổi ở xã Cán Su Phìn. Một nữ sinh đang học lớp 7, mới 12 tuổi, bị một đối tượng kéo về làm vợ. Sau khi phát hiện, mẹ của nữ sinh đã lên công an trình báo sự việc.

“Kéo vợ” là truyền thống lâu đời của dân tộc Mông. Tuy nhiên, hiện nay, nét đẹp đó đang bị mai một, biến tướng trở thành những hình ảnh xấu - “bắt vợ”, gây kinh hoàng cho không ít em gái. Nếu nét đẹp truyền thống không được lưu giữ, bảo tồn đúng cách thì sẽ dễ bị biến tướng, lạm dụng, dần trở thành hủ tục xấu cần lên án, loại bỏ.

“Bài toán khó” của Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, DTTS chiếm 87,67%. Trong đó có những dân tộc rất ít người (dưới 10 ngàn người) như dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Hầu hết đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình chia cắt và thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Thời gian gần đây, mặc dù đời sống người dân từng bước được nâng cao nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần…

Trò chuyện về nạn tảo hôn ở Hà Giang, Thượng úy Lê Xuân Lâm, nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang kể cho chúng tôi nghe câu chuyện anh từng gặp. Tháng 3-2021, Thượng úy Lâm đã cùng hai nhân viên Trạm y tế xã Lũng Cú thực hiện đỡ đẻ cho sản phụ Thò Thị Giả (sinh năm 2006, tại xã Lũng Cú). Sau quá trình vật lộn đau đẻ hơn 3 giờ, Thò Thị Giả cũng sinh được một bé trai. Tuy nhiên, sau sinh sức khỏe của Giả rất yếu. Trong quá trình sinh con, Giả đã phải vật lộn với những cơn đau mà đáng ra ở lứa tuổi 15 của em chưa phải chịu đựng. Đứa con mà Giả sinh ra cũng yếu ớt hơn những đứa trẻ khác.

Về hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi được biết đến anh Vừ A Chứ ở thôn Lủng Cẩu, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì là một trường hợp điển hình khi lấy vợ là người trong dòng họ, cận huyết thống. Hệ lụy là hai con của anh đã mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Tảo hôn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Ảnh: CTV

Có thể thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản cao. Trẻ em sinh ra có thể mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng gây ra nhiều hệ lụy với đời sống của người dân. Khi trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành, thiếu hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống để nuôi con, nên khó làm tròn trách nhiệm làm cha, mẹ, khó xây dựng được gia đình hạnh phúc bền vững. Khi kéo vợ, bắt vợ hai bên cũng chưa có thời gian tìm hiểu nhau, chưa hiểu rõ về nhau. Lúc về sống cùng nhau thường xảy ra nhiều chuyện, thậm chí dẫn đến những bi kịch gia đình mà phía nhận lãnh không ai khác là phụ nữ. Nhiều cô gái về làm dâu chưa lâu đã bỏ đi vì không phù hợp, nảy sinh nhiều bất đồng, khiến nhà trai phải huy động người đi bắt trở lại. Trong lịch sử dân tộc Mông có rất nhiều trường hợp làm dâu chưa lâu đã tìm đến cách giải thoát bằng lá ngón…

Những câu chuyện về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn luôn là “bài toán khó” của Hà Giang. Kể cả cho đến bây giờ, sau nhiều năm chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng các hình thức xử phạt, nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn cứ dai dẳng.

Theo bà Bế Thị Kim Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, để giảm thiểu tình trạng này, không phải chuyện một sớm một chiều, cũng không thể chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà còn phải tạo sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, giáo dục giới tính, nhất là với trẻ vị thành niên. Điều này, đòi hỏi sự nỗ lực, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với nhiều giải pháp đồng bộ; thậm chí áp dụng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt hành vi tảo hôn, đặc biệt là hủ tục bắt vợ của một bộ phận đồng bào DTTS.

Cũng theo bà Bế Thị Kim Hưng, Hà Giang đang tiếp tục triển khai Quyết định số 498/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống”. Thời gian tới, sẽ triển khai nhiều hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới tính, độ tuổi, riêng từng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ những hủ tục, tăng cường vận động thanh, thiếu niên, gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, qua đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, từng bước đẩy lùi tình trạng này, nâng cao chất lượng dân số.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO