Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Đại biểu Quốc hội “hiến kế” thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế

Biên phòng - Ngày 9-11, tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu tiếp tục đánh giá cao Chính phủ, Quốc hội đã kịp thời, linh hoạt triển khai những giải pháp phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội; đồng thời, đề xuất các giải pháp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thảo luận đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tiến Linh

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất, cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị tấn công (người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, bảo vệ cơ sở y tế, các viện dưỡng lão...) để không trở thành các ổ dịch. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số, vì sau khi tiêm mũi 1 đã có khả năng giảm tỷ lệ tử vong rất cao.

Mặt khác, đại biểu tỉnh Bình Định đề nghị, cần chú ý triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ nào chủ trì lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các ứng dụng cũng cần có các chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết của ngành y tế, Công an, Quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” của những phần mềm mang tiếng là app quốc gia trước đây. “Rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý Nhà nước chưa thống nhất các quy định, quy trình chưa tường minh, dẫn đến hiệu quả còn quá kém, khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin.” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Về việc mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc này cần thực hiện theo nguyên tắc “mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng”, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ “Zero Covid-19” (cố gắng đưa số ca mắc Covid-19 về 0), không cách ly đại trà diện rộng các F1, F2, F3. Vì khi cá nhân là F1 đã âm tính rồi thì không còn F2, F3 nữa.

“Chúng ta quay trở lại sống bình thường tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch bệnh. Không sợ Covid-19 nhưng cũng không chủ quan để dịch bùng phát diện rộng. Bộ Y tế đã chuẩn bị những nguyên tắc, nguyên lý rất cụ thể, chỉ cần các tỉnh lắng nghe và tin tưởng thực hiện.” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường. Phải đưa các mục tiêu cụ thể vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, đến nay, mới có 77,9% số xã được đầu tư nâng cấp; 48,8% trạm y tế xã được thực hiện tỷ lệ danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động phân cấp quản lý còn nhiều bất cập.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, ngân sách chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia để có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn; nhất là vùng khó khăn.” - đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tiến Linh

Nhằm thực hiện căn cơ hơn công tác phòng, chống dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể, công tác phòng, chống dịch phải được chuẩn bị đủ nguồn lực kể cả về con người và vật chất, nhất là khâu điều trị. Tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các giải pháp, khuyến cáo ngành chức năng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa đảm bảo đời sống, sản xuất cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo trước tình hình diễn biến dịch phức tạp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do, vì ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng, chống dịch. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này.

Đặc biệt, có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài như tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em, trẻ vị thành niên. Quan tâm hỗ trợ trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh được phát triển toàn diện. Tích cực trong nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, huy động y tế tư nhân tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Viết Hà

Bình luận

ZALO