Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Đặc sắc Mo Mường

Biên phòng - Mo Mường là một hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Dưới những con mắt hiếu kỳ của người chưa tìm hiểu cặn kẽ, Mo Mường đã từng bị thêu dệt thành tục lệ huyền bí, ma tà gắn với tiếng tăm về bùa ngải xứ Mường. Để đánh giá đúng về Mo Mường, hỗ trợ hành trình đưa Mo Mường trở thành di sản văn hóa thế giới, đồng bào Mường đến từ Hòa Bình đã tái hiện lễ Mát nhà tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Những phụ nữ Mường đến từ tỉnh Hòa Bình chuẩn bị cho lễ Mát nhà truyền thống. Ảnh: TTH

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân sự kiện Tuần lễ “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 18 đến 23-11, làng đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã tái hiện nghi lễ Mát nhà, một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Đây cũng là một trong chuỗi nghi lễ vòng đời của người Mường, thể hiện rất rõ tầm quan trọng của Mo Mường trong đời sống tinh thần của họ. Nghi lễ diễn ra nghiêm trang, chậm rãi, người tham gia mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường.

Trong điều kiện vừa tổ chức hoạt động văn hóa, vừa phải tuân thủ nguyên tắc chống dịch, hạn chế người tham gia nghi lễ, phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhất định, chỉ là một buổi tái hiện và vấp phải các yếu tố khách quan này, nghi lễ Mát nhà bớt đi phần nào tính huyền ảo, thăng hoa. Sự nhập cuộc của thầy mo bị hạn chế, chỉ đủ hình dung những nét cơ bản của một buổi lễ trọng của người Mường.

Bản thân lễ Mát nhà được hiểu một cách nôm na là một lễ cúng cầu an. Hoạt động này được gọi là Mo, thầy cúng thực hiện nghi lễ gọi là thầy mo, lời hát cúng cổ truyền gọi là lời mo. Về cơ bản, Mo Mường là lễ cúng của người Mường, giống với các nghi lễ tín ngưỡng cúng bái của các dân tộc khác, cũng gồm có nhiều phần phải có như chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên, cúng thần linh, cúng trời. Các nghi lễ diễn ra tuần tự do thầy mo đảm nhiệm. Sau khi đã tống đạt lời mo tế thần, thành hoàng, tổ tiên, các thầy mo ban phước lành cho gia chủ. Sau cùng gia chủ tổ chức tiệc liên hoan mời dòng tộc, láng giềng, coi như cùng nhau tiễn điều xui xẻo, đón rước phúc lành.

Lễ Mát nhà là nghi lễ cầu an cho những người sống trong ngôi nhà đó, như một cách “làm phép”, hóa giải điều xấu, xua đuổi tà ma ra khỏi nhà, gọi điềm lành tới, xin thành hoàng thổ địa chở che cho gia chủ. Nghi lễ mát nhà do chủ nhà đứng chủ lễ, thầy mo là linh hồn của lễ cúng. Trong quan niệm của người Mường, thầy mo là bậc âm công cao quý, có thể hô mưa gọi gió, hóa giải hung cát. Lễ Mát nhà được tổ chức bất cứ thời điểm nào trong năm, khi các gia đình thu hoạch xong vụ mùa, hoặc khi gia chủ gặp điềm xấu, gặp hạn liên tiếp cần giải hạn và hay gặp nhất là lễ Mát nhà được làm vào thời điểm đầu năm để cầu an suốt năm đó.

Thầy mo có riêng những sách cổ, bài khấn, nhạc khí... để dùng trong lễ cúng. Ông làm cầu nối để gia chủ trình bày ý nguyện với tổ tiên, thần linh. Nếu căn nhà có ma ám (theo quan niệm của cộng đồng người Mường đó) thì thể theo ý nguyện của gia chủ, ông sẽ làm lễ giải trừ điềm xấu, xua tà ma, cầu sức khỏe cho người, gia súc trong nhà. Mâm lễ vật được chuẩn bị theo hướng dẫn của thầy mo, có lễ hướng ra ngoài cửa chính, cửa sổ để đuổi tà ma.

Người Mường thường nói làm lễ Mát nhà xong thì mùa màng bội thu, người ngủ ngon giấc, ít đau ốm, của cải vật chất làm ra nhiều hơn, từ đó tinh thần được phấn chấn lên một bậc, càng sùng tín các thầy mo hơn. Trên thực tế, các thầy mo đã làm một việc là giải tỏa tâm lý cho gia chủ cùng dòng tộc, giúp họ có niềm tin, chỗ dựa vào cộng đồng và tin vào sự che chở của thần linh, thổ địa, một cách làm phép cởi bỏ những lo lắng băn khoăn về tâm lý giúp đời sống được an cư, lạc nghiệp.

Vì vậy, thầy mo có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Trước đây có những cộng đồng dân tộc Mường, thầy mo quyền lực hơn cả các trưởng thôn, chức sắc trong làng. Mo Mường bị gán cho nhiều câu chuyện mê tín dị đoan, bị cộng đồng các dân tộc khác hiểu sai đi và dần bị thất truyền đáng kể. Thầy mo cũng ít được hành nghề, nghề cũng không được truyền dạy lại. Khi thầy mo già yếu thì lớp trẻ không kịp thời kế tục nên bản sắc văn hóa của người Mường cũng rơi rớt đi.

Tuy nhiên, nếu nôn nóng để truyền dạy và phục dựng lại thì có thể Mo Mường cũng bị biến dạng đi theo một cách hiểu không còn nguyên gốc. Dân tộc Mường vốn cư trú ở các làng bản xa xôi, heo hút, dựa vào tự nhiên. Họ thờ các vị thần tự nhiên như thần nước, thần gió, thần mưa... và đời sống tinh thần luôn chìm trong khói lam huyền ảo của rừng xanh núi thẳm. Những lời hát mo cổ truyền của người Mường được truyền lại đến ngày nay còn thể hiện kho tàng văn nghệ dân gian uyên bác của người xưa, mang tính sử thi, trường ca, đậm đà đặc tính văn hóa riêng của họ. Những lời hát mo có thể lý giải nhiều hiện tượng tự nhiên, sự biến thiên của đời sống, nhân sinh quan theo cách nhìn riêng của họ.

Lễ cúng Mát nhà của người Mường. Ảnh: TTH

Vì vậy, không thể nói Mo Mường mê tín dị đoan, cũng không thể phát triển Mo Mường đơn thuần như một loại hình văn nghệ dân gian khác. Khi mở các cuộc trình diễn sân khấu hóa, Mo Mường không còn hồn khí nữa, thầy mo chỉ diễn mà không nhập, như vậy không hẳn là một buổi lễ theo tín ngưỡng dân gian.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể buộc phải để di sản sống trong không gian văn hóa. Những điều chưa được nghiên cứu cụ thể, theo chiều kích của không gian, thời gian, theo sự phát triển của cộng đồng người Mường thì chưa thể kết luận tùy tiện. Mo Mường được hiểu theo cách tích cực là một yếu tố giúp phát triển bền vững đời sống tín ngưỡng văn hóa dân gian, giúp người Mường giữ gìn bản sắc, phát huy kho tàng văn hóa của dân tộc mình để tự hào, phát triển.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO