Biên phòng - Người Khmer Nam bộ có 2 dịp tổ chức lễ hội thể thao dân gian trong năm đều gắn với tín ngưỡng Phật giáo Nam tông, đó là Lễ hội đua ghe ở vùng cửa biển Trà Vinh, Sóc Trăng và Lễ hội đua bò kéo bừa ở vùng núi Thất Sơn, An Giang. Năm 2018, Lễ hội đua bò lần thứ 25 diễn ra vào ngày 8-10-2018, kéo dài 3 ngày tại sân đua bò xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên, An Giang.

Có một điều đặc biệt là các lễ hội mang tính cộng đồng cao như đua ghe, đua bò đều tổ chức nhân dịp các lễ trọng như lễ Ók Om Bok hoặc Đolta của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Những nghi lễ này được tính theo lịch mặt trăng và do các ngôi chùa lớn trong vùng đứng ra tổ chức. Đồng bào dân tộc Khmer coi ngôi chùa Phật giáo Nam tông là ngôi nhà lớn của họ - nơi mà khi họ còn sống thì có trách nhiệm cúng dường, dâng gạo, lương thực, dâng y cà sa, nuôi dưỡng các sư sãi. Sau khi chết, linh hồn của họ được trú ngụ trong chùa. Vì vậy, ngôi chùa cũng là nơi người Khmer tỏ lòng thành kính, sinh hoạt tín ngưỡng và là nơi tụ hội tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian và giải trí.
Lễ hội đua bò kéo bừa xuất phát từ tinh thần yêu lao động, tính phóng khoáng rộng mở của người Khmer Nam bộ. Theo các sư cả trụ trì, nguyên do trước đây nhiều thanh niên trai tráng trong vùng khi mang bò đi cày cho các thửa ruộng rộng lớn của nhà chùa, họ nghĩ ra cách đua bò để tạo không khí vui vẻ, đua ganh, lao động thêm hiệu quả. Sau này, các sư cả có treo giải bằng lục lạc bạc và các dây vải đẹp mắt cho bò nên các nài bò đua càng phấn khích. Về sau, lễ hội đua bò đã trở thành món ăn tinh thần của người dân trong vùng và là dịp đáng chờ đợi nhất trong năm ở vùng Thất Sơn.
Việc nuôi dưỡng bò đua và huấn luyện bò đua ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Tương tự như các lễ hội chọi trâu ở miền Bắc, lễ hội đua bò mang tính đại diện cho tinh thần và khí chất của người Nam bộ gắn với văn minh lúa nước. Nếu lễ hội được tận dụng cho những mục đích quảng cáo rùm beng hoặc trở nên chuyên nghiệp quá mức, hoặc biến tướng thành công cụ cá độ, sát phạt nhau thì lễ hội càng dần mất đi nét mộc mạc, giản dị vốn đã trở thành thuộc tính của người miền Tây. Ý thức rõ điều đó, chính quyền địa phương phối hợp với trụ trì các ngôi chùa quyết tâm đưa lễ hội trở lại đặc tính dân gian. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu văn hóa đã tham gia tổ chức góp phần điều chỉnh và giảm bớt những yếu tố khoa trương không cần thiết, để lễ hội đua bò ở vùng Thất Sơn trở lại nguyên sơ và giàu bản sắc dân gian, tính giải trí cao, bảo đảm tinh thần thượng võ cao cả và nhân văn.
Các đôi bò đua là giống bò địa phương ở vùng Tây Nam bộ, có con nặng gần 1 tấn và quen việc cày bừa trên đồng. Người dân tuyển chọn và có chế độ chăm sóc đặc biệt, nhất là trong khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc đua. Sau khi bốc thăm chọn cặp đấu, đôi bò thi đấu kéo theo bừa và nài đứng trên, nài bò sẽ dùng roi và kích để thúc cặp bò chạy 2 vòng đua về đích. Sự khôn khéo của nài bò điều khiển sao cho vòng thứ nhất cặp bò làm quen với vòng đua, vòng thứ 2 cặp bò chạy nước rút nhanh chóng về đích. Sự ăn thua trong thi đấu chỉ mang tính tương đối, mục tiêu cao nhất của các nài bò là mang tới không khí náo nhiệt trên đường đua, khoe vẻ đẹp, sức mạnh của cặp bò mà mình đã tốn công chăm sóc huấn luyện, đồng thời giao lưu với các chủ bò khác.
Nhằm giữ gìn và phát huy các trò chơi dân gian để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh An Giang tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi tranh cúp truyền hình An Giang lần thứ 25 năm 2018, quy tụ 64 cặp bò đến từ 5 huyện của tỉnh An Giang là Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và 2 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng tham gia cuộc đua.
Trên đường đua, các cặp bò kéo theo bừa dũng mãnh xé nước lao đi là một trong những hình ảnh hấp dẫn nhất của văn hóa Tây Nam bộ. Tất cả niềm khao khát chiến thắng thiên nhiên, chinh phục đất đai khai hoang phục hóa, yêu lao động, làm giàu bằng sức người và ý chí thể hiện cả ở đó. Không những thế, những người đi xem cổ vũ đua bò cũng lấm lem bùn đất từ đường đua lên mặt mũi, quần áo, nhưng nụ cười luôn nở trên môi trong dịp lễ. Tất cả không khí đó là sự chờ đợi mỗi năm một lần vào dịp đua bò, sự mệt nhọc của cả một vụ nông được xả ra, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Vì những lẽ đó, lễ hội đua bò kéo bừa đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của miền Tây Nam bộ.
Thụy Văn