Biên phòng - Sáng 23-5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và tiến hành thảo luận về những quy định còn có ý kiến khác nhau.

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, đặc khu kinh tế phải là mô hình mang tính đột phá, tạo động lực trong chiến lược phát triển kinh tế với những ngành nghề ưu tiên, phù hợp với xu thế phát triển thế giới; tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), để thành công trong xây dựng 3 đặc khu kinh tế, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần làm rõ được những phương thức kinh doanh mới phù hợp, điểm khác biệt nào của kinh tế, hành chính đặc biệt, để đủ sức cạnh tranh với các đặc khu trên thế giới.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) khẳng định, yếu tố cạnh tranh quốc tế cần đặt lên hàng đầu, bởi đây là vấn đề then chốt cho sự thành công. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên gắn với quy hoạch địa giới hành chính ở mỗi đặc khu, bảo đảm sức mạnh, điều kiện cần thiết nếu muốn cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư.
Đối với quy định tại khoản 1, Điều 32 về quản lý, sử dụng đất tại đặc khu được quy định, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND Đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) băn khoăn về thời hạn 99 năm quá dài, nếu dự án thất bại việc thu hồi đất phức tạp, đặc biệt 3 Đặc khu kinh tế nằm ở những vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Đồng tình với đại biểu Lê Thu Hà, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bỏ điều khoản thời hạn giao đất 99 năm, vì không có vòng đời dự án đầu tư nào cần đến thời hạn như vậy, đây thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), vấn đề này cần thận trọng, đặc khu kinh tế Việt Nam đang thử nghiệm, có thể thành công và không loại trừ thất bại nên “không thể phiêu lưu”. Nếu làm không khéo, các đặc khu sẽ trở thành nơi di dân, ảnh hưởng đến văn hóa – xã hội, quốc phòng - an ninh.
Viết Hà