Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:54 GMT+7

Đa dạng hóa các chuỗi cung ứng

Biên phòng - Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên top 15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu.

Bộ Công Thương đánh giá, kết quả trên đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng, nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của các FTA thế hệ mới.

Thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, trong đó có tới 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu và định hướng về chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.

Thành tựu ấn tượng trên càng đáng được ghi nhận trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; chuỗi cung ứng, lao động đứt gãy cục bộ, giá năng lượng ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao...

Dù xuất khẩu đã đạt được những kết quả tích cực, song Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái và chính sách “zero Covid” ở một số nơi sẽ tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam theo hướng kém thuận lợi hơn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Đơn cử như các doanh nghiệp trong ngành gỗ hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, chi phí cho người lao động. 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Tương tự, các ngành dệt may, da giày dù sản xuất của nhiều doanh nghiệp khả quan, đơn hàng đã được ký đến hết quý III/2022, song nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu bị gián đoạn do phụ thuộc lớn từ thị trường nước ngoài, khiến nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất.

Rõ ràng, hiện nay, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn... Việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, trên 200%.

Bối cảnh này đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống 61 thương vụ và chi nhánh phụ trách 176 thị trường nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất, để các ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể cập nhật nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, chính sách mới của các nước. Qua đó, xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Sự tích cực, chủ động của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng các cơ hội từ các FTA, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng các chuỗi cung ứng thích ứng với tình hình hiện nay.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO