Biên phòng - Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, cùng với triển khai hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, BĐBP Nghệ An đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.

Thiếu tá Trần Thanh Hải, Trợ lý điều tra Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Nghệ An là cá nhân đạt giải Nhất tuần thứ 26 và 27 liên tiếp về nội dung kiểm tra bổ trợ kiến thức dành cho cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh. Đây là mô hình tuyên truyền, PBGDPL do Phòng Chính trị, BĐBP Nghệ An tham mưu xây dựng và triển khai cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện trên nền tảng Google Form, nội dung thi được thực hiện vào tối thứ 5 hàng tuần. Các câu hỏi được lựa chọn sát với thực tiễn tình hình, góp phần nâng cao kiến thức cho bộ đội. Cuộc thi thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên 2 tuyến tham gia bởi cách thi đơn giản, dễ thao tác và thực hiện được trên điện thoại thông minh.
Thiếu tá Trần Thanh Hải chia sẻ: Để đảm bảo trả lời được các câu hỏi của cuộc thi hàng tuần, tất cả các chủ đề đã được Ban tổ chức lựa chọn và thông báo rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ, từ đó, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu có liên quan để phục vụ cho việc tham gia thi. Những câu hỏi trong phần thi được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm, giúp cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu, nâng cao nhận thức qua mỗi tuần thi.
Được biết, trong thời gian qua, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về tuyên truyền, PBGDPL, chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tổ chức giáo dục pháp luật theo kế hoạch; kết hợp lồng ghép giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị; kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng; tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trên các hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị, bản tin, pa nô, tờ rơi, tờ gấp, đồng thời sáng tạo các mô hình phù hợp để tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ, chiến sĩ…
Cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động xây dựng “Tủ sách pháp luật” cũng được BĐBP Nghệ An thực hiện đồng bộ từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở. Hiện nay, trên 2 tuyến biên giới của tỉnh, các đơn vị đồn Biên phòng, Hải đội và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đều có “Tủ sách pháp luật”. Để đa dạng và phong phú các đầu sách, hàng năm, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức hoạt động luân chuyển sách từ 8-10 đơn vị, với hàng trăm đầu sách.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Đơn vị đóng quân ở địa bàn xa dân cư, hàng ngày, ngoài giờ huấn luyện, học tập, lao động, tìm hiểu thông tin qua sách, báo không chỉ giúp bộ đội nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và các kiến thức xã hội khác. Do đó, việc luân chuyển sách thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự phong phú và đa dạng về đầu sách để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ.
BĐBP Nghệ An quản lý địa bàn rộng, có nhiều thành phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các đơn vị cơ sở thuộc BĐBP Nghệ An đã vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp tuyên truyền, PBGDPL để bà con trên địa bàn đóng quân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật từ các phương tiện khác nhau. Trong đó, mô hình “Tờ rơi tiếng dân tộc” của Đồn Biên phòng Nhôn Mai là một ví dụ. Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã thành lập hẳn một Ban biên tập, bao gồm những cán bộ, chiến sĩ đọc thông, viết thạo ngôn ngữ bản địa, biên dịch lại nội dung tờ rơi quy ước, phát cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn để bà con dễ tiếp cận.

Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đơn vị chúng tôi đã chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hình thức như: Biên soạn các nội dung tuyên truyền đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu bằng tiếng của đồng bào, kể cả tờ rơi hay bản tin đọc hàng ngày trên loa truyền thanh của các xã, bản.
Cụ thể là bằng tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khơ Mú, vì thực tế trong địa bàn, một số đồng bào chưa biết tiếng phổ thông, nhất là đối với phụ nữ và người già. Cùng với đó, chúng tôi soạn lời cho các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, trong đó có nội dung tuyên truyền, PBGDPL, sau đó tiến hành biểu diễn cho đồng bào xem, vì đồng bào rất yêu các làn điệu dân ca quê nhà. Trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi lại phát các làn điệu dân ca này trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; hoặc là phát trên các trang Zalo, Facebook của xã.
Có thể nói, với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, nhận thức về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân khu vực biên giới ngày càng được nâng cao. Người dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn biên giới quốc gia, bảo vệ đường biên, cột mốc; qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển vùng biên, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. Các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội giảm đáng kể, an ninh chính trị ổn định; góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Hải Thượng