Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 06:26 GMT+7

Đa dạng hình thức tuyên truyền để người dân nắm chắc pháp luật

Biên phòng - Đồn BP Chiu Riu, BĐBP Bình Phước được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới gần 22km, thuộc 2 xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Hơn 3 năm thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo", Đồn BP Chiu Riu đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, từng bước nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.

0t29_7a
Cán bộ Đồn BP Chiu Riu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng. Ảnh: Viết Hà

Trung tá Nguyễn Duy Thanh, Chính trị viên Đồn BP Chiu Riu cho biết, đặc điểm địa bàn đơn vị quản lý rộng, dân cư sống thưa thớt, chỉ một số ít đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) S’tiêng đã sinh sống ổn định từ lâu đời, còn đại đa số nhân dân từ mọi miền của đất nước đến định cư hoặc làm thuê theo thời vụ, nên dân số có sự biến động lớn theo từng năm.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, Đồn BP Chiu Riu đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp từng đối tượng để thực hiện hiệu quả đề án. Trong đó, tập trung chú trọng vào những thôn có đông đồng bào dân DTTS sinh sống, linh hoạt trong tiếp cận tuyên truyền cho các đối tượng là nhân dân các địa phương đến tạm cư thuê đất canh tác hoặc làm thuê...

“Thực tế cho thấy, nhóm đối tượng này không có điều kiện tiếp cận các văn bản pháp luật, ít quan tâm và không nắm vững pháp luật, dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo mua chuộc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như vượt biên trái phép, tiếp tay cho buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, vi phạm quy chế biên giới...” - Trung tá Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.

Với vai trò chủ công trong thực hiện đề án, Đồn BP Chiu Riu đã biên soạn 60 cuốn tài liệu, đề cương tuyên truyền pháp luật phù hợp từng đối tượng và tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo. Trong đó, lồng ghép nhiều biện pháp tuyên truyền trực quan, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động văn hóa của địa phương đơn vị kết hợp tuyên truyền pháp luật. Đồn còn phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; phối hợp với Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức đưa lực lượng tỏa đến các thôn, làng giúp dân lao động, sản xuất... để tuyên truyền PBGĐPL đến từng người dân.

Đối với đồng bào DTTS, thay vì đọc các văn bản pháp luật bà con khó hiểu, khó tiếp thu, đơn vị tổ chức cho bà con xem hình ảnh hay kể những câu chuyện, dẫn chứng sát thực, phù hợp với nội dung từng văn bản luật. Mặt khác, đồn thường xuyên bổ sung, cập nhật văn bản pháp luật mới để tuyên truyền giúp đồng bào có điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật, từ đó bà con thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình trước pháp luật.

Vì vậy, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên, tình trạng vi phạm quy chế biên giới đã giảm hẳn, quân - dân đoàn kết quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Qua hơn 3 năm thực hiện đề án, Đồn BP Chiu Riu tổ chức tuyên truyền trên 100 buổi cho 6.780 lượt người nghe; tuyên truyền trên loa được 436 giờ. Ngoài ra, đơn vị còn duy trì “Ngày pháp luật” vào thứ Bảy hằng tuần, đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa bàn.

Từ việc tăng cường PBGDPL trên địa bàn biên giới 2 xã Lộc Thạnh và Lộc Tấn đã xuất hiện nhiều tấm gương nhân dân tự nguyện nhận bảo vệ đường biên, mốc giới và chủ động nắm các thông tin về tình hình địa bàn cung cấp cho Đồn BP Chiu Riu phá được nhiều vụ án lớn về buôn lậu... Tiêu biểu là ông Lê Văn Quá, xã Lộc Thạnh, nay đã ở tuổi 70, nhưng vẫn tự nguyện nhận bảo vệ, phát quang mốc 803.

Ông Quá tâm sự: “Từ khi được nghe cán bộ Biên phòng tuyên truyền các văn bản pháp luật, những câu chuyện về tầm quan trọng của đường biên, cột mốc, tôi mới cảm nhận được sự thiệng liêng của những tấc đất biên giới mà cha ông ta phải đổ biết bao xương máu để bảo vệ. Vì vậy, tuy tuổi đã cao, tôi vẫn quyết tâm nhận bảo vệ, chăm sóc mốc 803, góp chút công sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới”.

Từ việc nắm, hiểu rõ phong tục, tập quán vùng đồng bào DTTS, ông Lê Văn Quá còn tích cực cùng với cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền PBGDPL giúp bà con hiểu về Luật Biên giới quốc gia, Quy chế biên giới, để người dân tự giác chấp hành và kịp thời phát hiện, tố giác các phần tử có những hành vi làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới. Thời gian qua, ông và người dân sống trên địa bàn đã cung cấp cho Đồn BP Chiu Riu hơn 100 tin quan trọng, liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm để đơn vị kịp thời xử lý các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy BĐBP Bình Phước, Phó Ban chỉ đạo thực hiện đề án cho biết: Đồn BP Chiu Riu đã có nhiều sáng kiến trong việc tuyên truyền PBGDPL, để nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn biên giới. Từ đó, mỗi người dân trên biên giới trở thành “cột mốc sống” bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Viết Hà

Bình luận

ZALO