Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Cứu nạn nơi biển xa

Biên phòng - Đứng chân ở địa bàn ven biển, chứng kiến những hiểm họa thiên nhiên khi thời tiết diễn biến bất thường cũng như sự cố tai nạn, rủi ro đến với người dân trong khi làm ăn trên biển, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Phú Yên luôn chủ động làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.

1j0h_9
Các Tổ tàu thuyền an toàn của ngư dân Phú Yên vươn khơi theo đội, nhóm để cùng làm ăn và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Phương Oanh

Nhiều tàu cá được ứng cứu

Gần một năm sau sự cố tàu cá bị chìm trên biển được BĐBP Phú Yên phối hợp với tàu Hải quân cứu nạn, anh Trình Thạnh, Thuyền trưởng tàu cá PY95139TS, trú tại khu phố 6, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa vẫn còn ám ảnh mãi thời khắc cận kề cái chết. Anh Thành kể, lúc ấy là 17 giờ, ngày 11-7-2018, tàu cá của anh đang đánh bắt trên biển ở khu vực cách Mũi Vũng Tàu khoảng 243 hải lý về phía Đông Nam thì thân tàu bị thủng, nước tràn nhanh vào trong khoang tàu. Anh và các thuyền viên ráng sức bơm, tát nước và lấy vải cũ nút lại chỗ thân tàu bị thủng, nhưng nước vẫn tràn vào, có lúc như muốn nhấn chìm con tàu. Trước tình cảnh nguy cấp, thuyền trưởng Thạnh lập tức mở Icom liên lạc về Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng xin được ứng cứu.

Tiếp nhận tin ngư dân, Trung tá Lê Thế Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tuy Hòa lập tức báo cáo lên Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên xin phương án cứu giúp tàu bị nạn. Rất khẩn trương, đề nghị cứu ngư dân bị nạn của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên đã được Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực IV phát thông báo cho các lực lượng. Ngay sau đó, qua máy Icom, cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng báo cho anh Thạnh biết, có một tàu Hải quân sẽ đến vị trí tàu cá bị nạn của anh ứng cứu.

Đến 20 giờ cùng ngày, tàu HQ744 của Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân đã cặp mạn tàu cá bị nạn. Các chiến sĩ Hải quân đã đưa toàn bộ số anh em lao động trên tàu bị nạn qua tàu cứu hộ, đồng thời, tiến hành cột các đầu dây nối để lai dắt tàu bị nạn. Đến 23 giờ, con tàu cứu nạn bắt đầu di chuyển về hướng Nhà giàn 112. Tuy nhiên, do thời tiết sóng to, gió lớn nên sau 1 giờ di chuyển, dây kéo bị đứt, tàu cá bị nạn chìm hoàn toàn tại tọa độ 7 độ 22 phút vĩ Bắc – 109 độ 57 phút kinh Đông. Một ngày sau đó, 7 thuyền viên trên tàu cá bị nạn được tàu HQ744 đưa vào bờ và bàn giao cho BĐBP.

Kể chuyện cũ, anh Thạnh tâm sự, nhìn con tàu bị từng đợt sóng lớn tung lên rồi bổ xuống nhấn chìm giữa biển đêm mênh mông, anh em trên tàu đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, tâm trạng hoang mang, có người định bỏ tàu, ôm can nhảy xuống biển. Nhưng qua máy Icom, nghe giọng nói, những lời trấn an mạnh mẽ của anh em Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, mọi người bớt rối lòng. “Trong  tiếng sóng, tiếng gió ầm ào, tụi tui nghe tiếng gào thét của Thiếu tá Dũng, tàu Hải quân đã đến rất gần, anh em cố gắng bơm nước và chờ tàu. Nếu rời tàu, lực lượng cứu nạn rất khó tìm thấy người giữa trong đêm. Thật tình, nếu không giữ được liên lạc với tàu cứu nạn, tụi tui mất hết bình tĩnh, khó giữ mạng sống cho tới lúc được ứng cứu” - Anh Thạnh nhớ lại. 

Cũng gặp sự cố giữa biển như anh Thạnh, song, trường hợp tàu cá PY96236TS của anh Nguyễn Tuấn Kiệt thì may mắn hơn bởi có tàu ở gần nên cả người và phương tiện đều được ứng cứu kịp thời. Nhờ vậy, anh Kiệt đã sớm khôi phục lại phương tiện để tiếp tục ra khơi làm ăn. Nhớ chuyện một năm trước, anh Kiệt kể, chiều 15-6-2018, tàu cá của anh với 5 lao động đang đánh bắt tại khu vực cách đảo Tiên Lữ 58 hải lý về hướng Đông Nam thì bị hỏng máy, không hoạt động, buộc phải thả trôi.

Ngay khi anh báo tin về bờ, Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng đã mở máy đàm thoại, tích cực phát thông báo ra biển tìm kiếm tàu cá hoạt động gần khu vực tàu bị nạn. Đến 12 giờ 30 phút, Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng đã liên lạc được với tàu cá PY96392TS của Thuyền trưởng Nguyễn Đức Trạng đến hỗ trợ lai dắt. Và sau 10 ngày lênh đênh trên biển kể từ lúc gặp sự cố, tàu cá PY96236TS đã được lai dắt về đến cảng cá Đông Tác an toàn trong niềm vui của mọi người sau bao ngày chờ đợi, thấp thỏm.

Đó chỉ là 2 trong 56 vụ tàu cá gặp nạn trên biển trong 3 năm qua mà BĐBP Phú Yên đã sử dụng hệ thống đàm thoại để thông tin, thông báo cho các lực lượng hiệp đồng, cũng như vận động tàu cá ngư dân trên biển kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn thành công. Trong đó, vận động được 38 tàu cá ngư dân, kết nối, hiệp đồng với 1 tàu Kiểm ngư, 2 tàu Hải quân nhờ cứu nạn, lai dắt thành công 48 tàu cá bị hỏng máy, phá nước với 336 lao động về bờ an toàn. Ngoài ra, qua đàm thoại, BĐBP Phú Yên còn hướng dẫn cấp cứu cho 35 trường hợp bị bệnh, tai nạn lao động trên biển, đồng thời kết nối, đưa người bệnh, người bị nạn vào các đảo gần nhất để được hỗ trợ y tế.

Phao cứu sinh trên biển

Mới đây, tại Hội thảo về ứng phó với thiên tai và cứu trợ thảm họa trong Chương trình đối tác Thái Bình Dương năm 2019, tổ chức tại Phú Yên, phần tham luận những kinh nghiệm của BĐBP Phú Yên trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đã được các nước bạn tham dự chương trình đánh giá cao bởi tính hiệu quả của các mô hình hỗ trợ cho công tác cứu nạn. 

Trung tá Bùi Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên chia sẻ, tuyến biển Phú Yên hiện có trên 7.000 tàu thuyền với gần 33.000 lao động tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong số này, đã có gần 700 phương tiện hoạt động xa bờ. Tình hình thời tiết mỗi ngày cũng rất thất thường, thiên tai, bão lũ thường xuyên đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân. Cùng với đó, có một thực tế là đa phần phương tiện tàu thuyền của ngư dân Phú Yên gần như sử dụng máy móc cũ được đại tu, nhiều thân vỏ tàu qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn nên khó tránh xảy ra sự cố khi đang hoạt động trên biển, nhất là mùa mưa bão.

Tuy nhiên, câu chuyện những con tàu đánh bắt xa bờ bị sự cố, bị nạn, chìm dưới biển, người mất tích hàng loạt của nhiều năm về trước đã lui vào quá khứ. Hơn 10 năm qua, dù có sự cố xảy ra nhưng không trường hợp nào bị thiệt hại về người. “Chúng tôi xác định, tàu thuyền gặp nạn nếu được tổ chức ứng cứu kịp thời thì sẽ tránh được thảm họa thiệt hại tính mạng. Và vấn đề mấu chốt là phải kết nối thông tin liên lạc” - Trung tá Hải bộc bạch.

Hơn 10 năm qua, BĐBP Phú Yên đã xây dựng hệ thống đài canh tại các đồn, trạm Biên phòng và cơ quan Bộ Chỉ huy, đảm bảo hoạt động liên tục 24 giờ. Các đồn cũng vận động ngư dân luôn giữ liên lạc, kịp thời trao đổi mọi tình hình trên biển. Giờ đây, khi ra biển, ngư dân đều mở đàm thoại gọi về, hàng ngày trao đổi thông tin với cán bộ các đồn, trạm Biên phòng.

Cùng với thiết lập hệ thống thông tin để hỗ trợ cho hoạt của tàu thuyền xa bờ, 113 Tổ tàu thuyền an toàn, Tổ tàu thuyền đoàn kết do các đơn vị BĐBP Phú Yên xây dựng từ năm 2004 đến nay đã trở thành trung tâm đoàn kết của ngư dân. Đây cũng là cơ sở để việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn tốt nhất. “Khi xuất bến ra biển, các tàu đi theo đội nhóm, cùng chia sẻ thông tin ngư trường để đánh bắt hiệu quả. Nếu tàu thuyền hỏng máy thì bà con hỗ trợ nhau sửa chữa. Trong trường hợp tàu phá nước, bị chìm thì tổ chức cứu vớt người, lai dắt tàu. Hơn nữa, với tinh thần đồng đội đoàn kết làm ăn, cùng vượt nạn, bà con biết luôn có đồng đội sát cánh nên vững tin vươn khơi, bám biển, nhờ đó mà đánh bắt hiệu quả hơn” - Trung tá Hải khẳng định.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO