Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 02:38 GMT+7

Cựu “lâm tặc” trở thành người bảo vệ rừng

Biên phòng - Đều đặn mỗi ngày, ông Lê Văn Hòe (bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lại cơm đùm cơm nắm vào rừng làm nhiệm vụ “gác” gần 250ha rừng được chính quyền giao khoán. Không chỉ vậy, ông Hòe còn là trưởng bản luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương. Nhìn ông cần mẫn với công việc, ít ai biết rằng, người đàn ông này một thời cũng là “lâm tặc”.

sbi3_7a
Trưởng bản Phú Lâm Lê Văn Hòe bên khu vực rừng do ông nhận chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: Khánh Chi

Con đường hoàn lương của một lâm tặc

Chẳng cần vào trong bản, mà dừng chân ngay trung tâm xã Phú Gia, hỏi ông Nai Hòe, Trưởng bản Phú Lâm, người dân ai cũng quen tên ông. Nhiều năm nay, gia đình ông Hòe luôn là tấm gương điển hình trong xã về phong trào xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn. Nhà Trưởng bản Phú Lâm nằm gần cuối bản. Từ UBND xã, đi theo huyện lộ 6, phải mất gần 30 phút, chúng tôi mới đến được nhà của Trưởng bản Hòe. Con đường không xa nhưng vô số ổ voi, ổ gà nên rất khó đi lại.

Đã hẹn trước nên hôm nay, ông Hòe đi vào rừng muộn hơn để nán lại trò chuyện cùng chúng tôi. Mỗi ngày, cứ gần 6 giờ sáng, ông đã lên đường đi gác rừng. Khu vực rừng ông Hòe được giao khoán thuộc rừng phòng hộ sông Tiêm, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hương Khê. Mỗi ngày, ông đều đi bộ từ tờ mờ sáng đến buổi trưa mới về nghỉ. Chiều, ông lại tiếp tục công việc của mình. “Cứ cách 1 ngày, tôi lại nói bà nhà tôi chuẩn bị cơm và thức ăn để tôi đi gác rừng nguyên ngày. Mưa cũng như nắng, mà mưa càng phải đi vì thời tiết xấu, lâm tặc càng dễ hoạt động. Mình chủ quan là mất cây như chơi”, ông Hòe khẳng định đầy kinh nghiệm. 

Ông cũng cho chúng tôi xem vết sẹo trong một lần đi gác rừng vào ngày trời mưa tầm tã. Nhớ lại chuyến đi ấy, ông kể: “Hôm đó, tôi cũng đi gác rừng cả ngày. Đi được đến gần trưa thì trời bắt đầu đổ mưa lớn. Càng đi, đất càng lầy và trơn trượt. Khi trèo lên một con dốc, không may tôi bị trượt ngã, cơm đưa theo bị hất văng. Một tay tôi bị đá rạch thành đường dài, máu chảy rất nhiều. Tôi phải tìm lá thuốc đắp vào để tránh vắt, sên ngửi mùi máu tìm đến”.

Mỗi ngày, con đường gác rừng của ông Hòe đều phải đi qua 7 con suối với quãng đường bộ 15km. Mỗi gốc cây đều được ông đánh dấu, kiểm tra cẩn thận hàng ngày. “Gốc nhỏ thì không thể nhớ hết, nhưng gốc tầm 10 - 20 năm trở lên tôi đều thuộc lòng hết trong này rồi”, nói rồi ông chỉ tay vào đầu, cười rạng rỡ.

Nhờ sự tỉ mẩn và trách nhiệm trong công việc mà hơn 5 năm nhận nhiệm vụ bảo vệ 250ha rừng, khu vực của ông chưa một lần xảy ra tình trạng bị chặt phá cây đưa ra khỏi rừng. “Có một lần, trên đường đi tuần tra, tôi nghe thấy tiếng cưa máy, đi theo hướng có tiếng phát ra, tôi thấy có 3 thanh niên đang cưa cây. Tôi lại gần và yêu cầu dừng lại. Do chỉ có một mình, nên tôi phải mềm mỏng thuyết phục, tránh dùng vũ lực để họ bình tĩnh. Sau đó, họ cũng xin lỗi và bỏ đi. Rất may, 3 thanh niên cũng chỉ vừa đặt cưa, chưa gây tổn thất gì đáng kể”, ông nhớ lại. 

Hết lòng với công việc của mình, nhưng ít ai ngờ rằng, người gác rừng này cũng từng một thời là “lâm tặc”. Cách đây khoảng 20 năm, ông là một “lâm tặc” có tiếng thạo đường, dẫn lối tại bản Phú Lâm. Bởi từ ngày nhỏ, ông vẫn thường theo bố băng rừng, vượt suối về thăm ông bà, người thân ở Lào. Bao nhiêu đường tắt lối lại, ông dần thuộc làu. 

Biết Nai Hòe thạo đường, nhiều đầu nậu gỗ tìm đến, thuê ông dẫn đường hoặc chặt cây tuồn ra khỏi rừng. Mỗi khối gỗ lúc ấy, các đầu nậu trả cho ông Hòe bằng cả yến gạo. Thấy món lợi lớn trước mắt, ông dành dụm tiền mua trâu bò để kéo số gỗ ông chặt được trong rừng về bán lại cho các đầu nậu. “Ngày đó, rừng nhiều loại lắm, có de, táu, sến, lim, dỗi... Mình đi 2 ngày cũng được m3, so với thu nhập của người dân tộc, đó là khoản vô cùng lớn”, ông Hòe kể lại. 

Tuy nhiên, chẳng có con đường phi pháp nào tồn tại mãi cả. Trong một lần truy quét lâm tặc của lực lượng chức năng, ông bị bắt. Lúc này, Nai Hòe mới được cán bộ Kiểm lâm giải thích tầm quan trọng của rừng và việc làm của ông nguy hại như thế nào, Nai Hòe mới thấm dần. Ông về nhà bàn với vợ con bỏ hẳn con đường làm lâm tặc. Mỗi lần đi rừng, nhìn lại những cây lớn ông đã chặt, Nai Hòe thấy hối hận, xót xa vô cùng, ý nghĩ trồng rừng cũng nhen nhóm trong ông từ đó.

Người trưởng bản cần mẫn

Nghĩ là làm, sau khi tìm hiểu, Nai Hòe đăng ký xin khoán bảo vệ 250ha rừng theo Dự án bảo vệ rừng cấp cơ sở SiRAP/BDS (thuộc Chương trình UN REDD - Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng tại Việt Nam của Liên hợp quốc).

Do được bảo vệ tốt nên khu rừng ông nhận chăm sóc dần quay về với nguyên trạng là một khu rừng tái sinh khá đẹp. Không chỉ trồng rừng, ông còn là trưởng bản tại đây. Bản Phú Lâm có 106 hộ, trong đó, 61 hộ với hơn 300 khẩu là người dân tộc Lào sinh sống. Trước đây, đời sống người dân rất khó khăn, chủ yếu lên rừng chặt gỗ làm kế sinh nhai, không có vật nuôi, cây trồng chủ đạo. 

Đánh giá về Trưởng bản Phú Lâm, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia hào hứng: “Ông Nai Hòe là một người tận tụy và trách nhiệm với công việc của mình, kể cả trồng, bảo vệ rừng hay công tác phát triển kinh tế tại địa phương. Chính vì điều đó, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản nhiều năm liền”.

Chỉ sau gần 10 năm, cùng với nhà ông Nai Hòe, toàn bản đã xây dựng được 7 trang trại chăn nuôi, gần 20 mô hình cây ăn quả có diện tích lớn... Từ chính sách hỗ trợ của địa phương và Nhà nước, người dân được vay vốn để sản xuất, phát triển mô hình vườn rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; hệ thống đường giao thông được quan tâm xây dựng, cuộc sống dân bản Phú Lâm ngày càng đổi thay, nhà cửa khang trang.

Cơ ngơi của vợ chồng Nai Hòe hiện có một trang trại rộng 19ha. Trước đây, chủ yếu tập trung trồng keo tràm. Nhưng từ khi Nhà nước khuyến khích trồng cây ăn quả tăng thu nhập, vợ chồng ông trồng thêm 500 gốc cam, bưởi. Ngoài ra, trong trang trại còn nuôi thêm 20 con lợn rừng, 20 con bò, 7 con trâu và một đàn gà. Hằng năm, nguồn thu từ trồng rừng và làm trang trại đem lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Khánh Chi

Bình luận

ZALO