Biên phòng - Đóng quân ở khu vực biên giới, nơi thường xuyên hứng chịu các hình thái thiên tai (TT) nguy hiểm như bão, lũ, giông lốc, sạt lở đất, lũ quét, vì thế, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn xác định tâm thế sẵn sàng xử lý những tình huống nguy cấp. Với tinh thần hết lòng vì dân, trong suốt những năm qua, những người lính mang quân hàm xanh luôn có mặt đầu tiên, chấp nhận nguy hiểm, xả thân ứng cứu dân mỗi khi có tình huống xảy ra.

Sẵn sàng ứng cứu dân
Tối 30-11-2021, sau nhiều ngày mưa lớn, nước lũ thượng nguồn đổ về ào ào, đúng lúc triều cường nên nước biển dâng lên rất nhanh. Nước sông Ba bắt đầu tràn ngang mặt đường bờ kè Bạch Đằng, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và dâng cao rất nhanh. Chỉ trong vòng 2 giờ, nước đã dâng cao hơn 1m. Trong những con ngõ thấp của phường 6, thành phố Tuy Hòa, nhiều ngôi nhà đã chìm trong nước lũ.
Trước đó, các tổ công tác của Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên đã chủ động đưa người già, trẻ em ở những nơi trũng, thấp tới khu vực an toàn. Bộ đội tỏa đi các con hẻm, phụ giúp người dân di chuyển ti vi, tủ lạnh, các thiết bị điện tử lên nơi cao ráo. Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, Đồn Biên phòng Tuy Hòa ra bến giúp bà con chằng neo ghe thuyền, những công việc mà các anh đã thuần thục bởi đã giúp dân hàng trăm lần như thế.
Cũng trong đợt mưa lũ ấy, khi nghe người dân báo có 2 chiếc sà lan đứt neo đang trôi theo dòng nước từ thượng nguồn xuống, Thiếu tá Lê Vũ Tuấn, cán bộ Hải đội 2, BĐBP Phú Yên lập tức điện về báo cáo chỉ huy đơn vị và nhận lệnh lên đường ứng cứu. Trong màn mưa trắng trời và gió quật mạnh, chiếc ca nô Biên phòng gối sóng, chạy ngược dòng nước chảy, hướng về phía chiếc sà lan trôi dạt. Căng mắt quan sát, anh Tuấn phát hiện chiếc sà lan đang cách gầm cầu Đà Rằng không xa.
Trong tình huống này, nếu những người lính chậm trễ, trong khi nước đang dâng lên cao, sà lan có thể trôi đến va đập vào cầu Đà Rằng. Nguy hiểm không ai lường hết được khi chiếc cầu này bị sà lan đánh chìm, chưa kể lúc trôi tự do, chiếc sà lan có thể va chạm với các tàu thuyền khác đang neo đậu trên sông. Nhận thức được điều đó, anh Tuấn và đồng đội xác định, bằng mọi giá phải cứu kéo bằng được chiếc sà lan đó. Anh khéo léo điều kiển ca nô tiếp cận chiếc sà lan, vừa cố giữ khoảng cách để tránh va đập, sau đó, nhanh chóng buộc dây vào sà lan, lai dắt về nơi an toàn.
Một câu chuyện khác mà chúng tôi nghe được là vào ngày giữa tháng 4-2021, Thượng úy Phạm Đức Hiếu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Hoàng Châu, Đồn Biên phòng Cát Hải, BĐBP thành phố Hải Phòng nhận được đề nghị ứng cứu khẩn cấp của anh Trần Văn Thức, trú tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Anh Thức đang điều khiển tàu NĐ2172, trọng tải 250 tấn, trên hành trình đến khu vực cửa sông Nam Triệu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, thì bị sóng đánh trôi dạt gây chìm tàu.
Tình huống vô cùng gấp gáp, Thượng úy Hiếu nhanh chóng báo cáo chỉ huy đơn vị và triển khai tổ công tác nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tổ chức cứu nạn. Anh kể: “Với tinh thần tính mạng người dân là trên hết, chúng tôi đã vật lộn với sóng biển, tiếp cận tàu bị nạn. Lúc này, tàu NĐ2172 đã chìm, chỉ còn hở phần nóc ca bin, 2 thuyền viên đang ngồi trên nóc ca bin chờ cứu nạn trong tình trạng hoảng loạn, nếu không được cứu nạn thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. 2 nạn nhân sau đó được đưa vào bờ an toàn.
Tôi đã từng nghe và chứng kiến rất nhiều tình huống cứu dân trong thế cận kề nguy hiểm của BĐBP. Quả thực, nếu không có tinh thần trách nhiệm, vì dân thì những người lính sẽ không đủ dũng khí vượt sóng gió, nguy hiểm để thực hiện những nhiệm vụ cứu hộ như thế.
Chủ động bổ sung các phương án phòng, chống thiên tai
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) BĐBP, từ tháng 1-2021 đến tháng 3-2022, ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo của cả nước đã xảy ra 1.237 vụ/3.216 người/882 phương tiện gặp sự cố, TT, tai nạn, hỏa hoạn.

Trước diễn biến phức tạp, cực đoạn của khí hậu, thời tiết và tình hình dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch và triển khai các biện pháp ứng phó với các sự cố, TT và TKCN đảm bảo sát với tình hình thực tế ở từng vùng miền, nhất là ở những địa bàn xung yếu, thường xuyên xảy ra TT, tai nạn...
Đồng thời, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, TT và TKCN, cấp ủy, chính quyền các địa phương và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ tích cực tham gia ứng phó có hiệu quả với các sự cố, TT và TKCN, kịp thời khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do TT, dịch bệnh gây ra.
Với tinh thần chủ động ứng phó với TT, trong năm 2021, các đơn vị BĐBP đã điều động 8.931 lượt cán bộ, chiến sĩ/340 lượt phương tiện, huy động 283 phương tiện/587 người dân tham gia ứng cứu, TKCN được 484 vụ/586 người/76 phương tiện; kịp thời di dời 2.784 hộ/9.779 người dân đến nơi an toàn; thu gom trên 3 tấn dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển. Lực lượng BĐBP đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho 492.671 lượt phương tiện/2.376.482 lượt người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Được biết, để triển khai hiệu quả công tác PCTT, TKCN năm 2022, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời với các sự cố, TT. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết; duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; chủ động làm tốt công tác chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt theo phương châm 4 tại chỗ.
Đồng thời, tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia PCTT, TKCN. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, các tổ tự quản an ninh, trật tự ở khu vực neo đậu nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và giúp đỡ nhau trong PCTT, TKCN.
An Nhiên