Biên phòng - Ông Đào Văn Ái (thôn Liên Sơn, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - một người lính trở về sau khói lửa chiến tranh ác liệt với hai bàn tay trắng, bằng sức lao động của mình đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ông Đào Văn Ái sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1971, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khói lửa ác liệt một thời. Sau khi phục viên trở về địa phương, ông kết duyên cùng cô gái từng tham gia Thanh niên xung phong và hai người đã có 3 người con. Nhưng thật không may mắn, cuộc sống thử thách hai vợ chồng ông khi đứa con gái út mắc bệnh máu trắng, phải đi khắp nơi chạy chữa, tốn không biết bao nhiêu tiền của. Ai làm cha mẹ cũng từng hiểu nuôi con vất vả nhường nào, mà vợ chồng ông còn nuôi đứa con mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Đã có những lúc sức cùng, lực kiệt, trong nhà không còn một thứ gì đáng giá, nhưng ông không nản lòng. Ông nghĩ: “Mình phải cố gắng, mình phải sống vì con, con cần tiền để chữa bệnh”. Ông Đào Văn Ái lại sinh sống tại vùng đất Thanh Liên “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đói nghèo bủa vây quanh năm suốt bao đời nay.
Tưởng chừng với hoàn cảnh éo le đó, ông Đào Văn Ái phải bó tay, chấp nhận số phận. Nhưng với tinh thần không chịu đầu hàng, không chịu khuất phục của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Ái trăn trở hàng đêm, suy nghĩ, mày mò tìm cách đưa gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông chia sẻ: “Tại địa phương nơi tôi sinh sống có nhiều gia đình đã phát triển trồng cây keo và chăn nuôi gia cầm, gia súc mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng để làm được điều đó, ngoài sự cần cù, chịu thương chịu khó, còn cần vốn đầu tư ban đầu”.
Quanh năm xoay sở, “giật gấu vá vai”, gia đình ông không dành dụm được bao nhiêu, nhưng may mắn khi ông được vay vốn xóa đói giảm nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương. Với số tiền 30 triệu đồng năm 2012, ông Đào Văn Ái đầu tư mua lợn nái để chăn nuôi. Trong vòng 3-4 năm, ông Đào Văn Ái lấy số tiền lãi dư ra từ chăn nuôi lợn, tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò. Không dừng lại ở đó, vợ chồng ông Đào Văn Ái cùng nhau trăn trở suy nghĩ để tìm ra sinh kế mới.
Tiết kiệm số tiền lãi từ chăn nuôi bò, vợ chồng ông Đào Văn Ái mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và thử nghiệm những mô hình mới. Tự mày mò, nghiên cứu, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế của các xã, huyện lân cận, ông Đào Văn Ái quyết định thử nghiệm mô hình đào ao để nuôi cá và khoanh vùng cạnh ao để chăn nuôi vịt, gà. Bên cạnh đó, ông Ái còn trồng ngô để làm thức ăn cho gia cầm, gia súc và dùng phân của vật nuôi bón cho cây trồng. Nhờ chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, ông Ái mạnh dạn mượn rừng của Nhà nước và đầu tư trồng cây keo. Với tầm nhìn xa đó, đến nay rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.
Ông chia sẻ: “Ban đầu, với quy mô sản xuất còn rất nhỏ, gia đình tôi chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày và lo cho các con ăn học. Giờ đây, khi đã trải qua 5-6 năm lăn lộn, tìm hiểu, thử nghiệm và làm nhiều mô hình chăn nuôi, kinh tế của gia đình tôi đã khấm khá hơn rất nhiều”. Nhờ chăm chỉ làm ăn và thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hiện tại, gia đình ông Ái sở hữu một trang trại gồm: 3ha trồng cây keo; 750m2 ao nuôi cá với các loại như cá trắm, trôi, chép; 150 con vịt, gà; 1 đàn lợn... Mỗi năm ông Ái thu về khoảng 100 triệu đồng tiền lời. Đây là số tiền chưa phải lớn đối với nhiều người, nhưng với gia đình ông Ái là cả một nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ đôi bàn tay trắng, vượt lên hoàn cảnh éo le, ông Đào Văn Ái đã gây dựng nên cả một cơ nghiệp. Vùng quê Thanh Liên ngày càng xanh ngát cũng là nhờ những đôi bàn tay tần tảo, lam lũ như vợ chồng ông Đào Văn Ái.
Gần 70 tuổi đời, ông Đào Văn Ái vinh dự được biểu dương trong Hội nghị “Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020”, tại Hà Nội vừa qua. Đó là sự ghi nhận và nguồn động viên lớn không chỉ riêng ông Đào Văn Ái, mà còn với tất cả những con người đang vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên khuôn mặt dãi dầu nắng gió, từng nếp nhăn xô lại, ông Ái nở nụ cười hồn hậu, chất phác và ông chia sẻ: “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Đó là điều tâm niệm trong lòng và cũng là quyết tâm thoát nghèo của người lính Cụ Hồ Đào Văn Ái.
Thùy Trang