Biên phòng - Bằng tâm huyết, trí tuệ của một sĩ quan - giảng viên quân hàm xanh, từ năm 2004 đến nay, cựu chiến binh Biên phòng Phan Chí Nhượng ở xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) âm thầm mở nhiều lớp học miễn phí cho học sinh nghèo. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được ông đón về nhà nuôi dạy. Từ lớp học của thầy giáo về hưu, có nhiều em đã trở thành cán bộ công an, quân đội, kỹ sư xây dựng... Con số này đang tăng dần theo thời gian.

Chuyện cổ tích có thật
Nhà của ông Phan Chí Nhượng nằm sau rặng tre xanh, giữa vùng quê miền núi thanh bình. Ngay sát cổng, dưới tán cây cối xanh mát, một bé gái có đôi mắt giống đức mẹ Maria đang ngồi đọc sách chăm chú. Em là Nguyễn Diệu Linh, học sinh lớp 6A, trường Trung học cơ sở Quang Thọ, là con của một gia đình giáo dân trong xã. Diệu Linh cùng anh trai Nguyễn Anh Tuấn, lớp 12B, trường Trung học phổ thông (THPT) Vũ Quang được ông giáo Nhượng nhận về nhà nuôi ăn học được 4 năm nay. Hoàn cảnh gia đình của hai em gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ chủ yếu ở dài ngày trên nương rẫy trong rừng sâu. Trước đây, cũng có thời gian, họ tính cho các con mình nghỉ học, nhưng rồi trong một lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Hiền (mẹ của Diệu Linh và Anh Tuấn) tình cờ nghe được câu chuyện về thầy giáo Nhượng nhận các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nuôi ăn học miễn phí. Ban đầu, chị không tin vào câu chuyện như cổ tích ấy, nhưng rồi thương con nên đã quyết tâm đến tận nơi tìm hiểu. Nghe chị Hiền kể về hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là ước mơ của con trẻ, thầy giáo Nhượng đã nhận cả 2 con của chị về nuôi ăn học tại gia đình. Nhờ được sự chăm sóc chu đáo, Tuấn Anh và Diệu Linh đều cao lớn hơn, có lực học khá, giỏi trong lớp.
Câu chuyện của chúng tôi với cô học trò Nguyễn Diệu Linh bị gián đoạn khi một ông lão với khuôn mặt quắc thước, nước da hồng hào, mái tóc bạc trắng đi ra từ ngôi nhà gỗ, giọng nói sang sảng: “Ai hỏi gì già này đấy?”. Đó là thầy giáo Phan Chí Nhượng, cựu binh Biên phòng. Ngày 3-3-1959, ông nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (lực lượng BĐBP ngày nay). Trải qua huấn luyện, rồi chiến đấu ở các chiến trường khác nhau, khi đất nước hòa bình, ông được đào tạo trở thành giảng viên, lên hàm Đại tá, giữ chức vụ Trưởng khoa Biên phòng, trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 1995, ông được về nghỉ hưu theo chế độ và chọn xã miền núi Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh là mảnh đất để gắn bó những ngày còn lại của cuộc đời.
Thời gian mới về nghỉ hưu, hằng ngày, ông cùng vợ lo việc đồng áng, đêm đến sáng đèn chỉ dạy cho con và các cháu quanh xóm học bài. Ông hiểu rằng, chỉ có con đường học mới có thể giúp những đứa trẻ vùng sơn cước thoát được nghèo khó. Bao đêm dài ông trăn trở muốn xây dựng một lớp học tại nhà miễn phí cho những đứa trẻ quê nghèo. Nhưng thực tế, cuộc sống gia đình lúc ấy chưa cho phép ông thực hiện được tâm niệm. Mãi đến năm 2003, ông mới cải tạo được căn nhà gỗ, có chỗ để mở lớp học cho các em nghèo không có điều kiện đến trường và duy trì đều đặn cho đến bây giờ.
Cứ vào 2 giờ chiều hằng ngày, căn nhà của ông Nhượng nhộn nhịp hẳn lên. Những em học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 8... đến để học bài theo chương trình riêng mà ông giáo đề ra. Chỉ trong ít phút, tất cả đều trật tự ngồi vào những vị trí vốn đã quen thuộc. Trong lớp học, cháu Tuấn đang học lớp 5B, trường Tiểu học Hương Thọ, con em của một gia đình theo đạo Thiên chúa là học sinh nhỏ tuổi nhất. Từ một học sinh cá biệt, hiện Tuấn đã là học sinh đứng tốp 3 của lớp. Được ông nuôi học, dạy dỗ, trưởng thành còn có Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu cần, Sư đoàn Không quân 370; Trần Tuấn, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội)... Hiện tại, lớp học của cựu binh Biên phòng thường xuyên có 18 cháu với trình độ từ lớp 5 đến 12, trong đó có 4 cháu được ông nuôi ăn học miễn phí trong nhà.
Rèn đức luyện tài
Ở tuổi 80, ông Phan Chí Nhượng vẫn duy trì giờ giấc, tác phong sinh hoạt của một quân nhân, lấy đó làm gương để rèn luyện, giáo dục học trò. Đúng 5 giờ, căn nhà ông giáo Nhượng đã sáng đèn, tất cả 4 cô, cậu học trò từ bé đến lớn, nhanh chóng thức dậy ra khỏi giường, ngồi vào bàn ôn bài buổi sáng. Còn ông cùng vợ đã ra khỏi nhà sớm hơn khi chăn, màn đã xếp gọn gàng ở đầu giường để “kiểm tra xem cu Tuấn đã dậy ôn bài chưa?”. “Mọi người theo lớp học, dù ở nhà với bố mẹ cũng phải tuân thủ đúng giờ giấc mà ông đã quy định. Buổi tối, học sinh THPT học bài đến 22 giờ 30 phút, các em Trung học cơ sở là 21 giờ 30 phút, nhưng mỗi buổi sáng đều phải dậy đúng 5 giờ để ôn bài, tập thể dục” - Cậu học trò Nguyễn Quang Sang giải thích.
Hiện tại, Sang đang học lớp 12A là học sinh giỏi toàn diện của trường THPT Vũ Quang, em vừa đạt giải Nhì môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sang được ông giáo Nhượng nhận về nuôi từ khi học lớp 5 cho đến bây giờ. Còn nhớ thời gian trước khi về ở với ông bà Nhượng, Sang vốn là cậu bé nhút nhát, đen nhẻm, thường xuyên ốm đau. Nhưng dưới bàn tay chăm sóc từ chén cơm, giấc ngủ của đôi vợ chồng già, giờ đây, cậu học trò lớp 12 đã cao lớn, chững chạc hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Theo ước mơ của cậu và định hướng của ông giáo Nhượng, dự kiến năm nay, Sang sẽ thi vào Học viện Quân y. Em đang là niềm hi vọng rất lớn của ông Nhượng.
Đến 6 giờ sáng, khi những cô cậu học trò đã gấp sách vở, ra khoảnh sân trước nhà để kéo xà đơn, nhảy dây thì ông Nhượng cùng người bạn đời đã về đến nhà. Đôi vợ chồng già mang về một chiếc làn nhựa chứa đầy thịt lợn. “Trong lúc ông ấy đi thể dục, kiểm tra việc ôn bài của các cháu quanh xóm, tôi sang nhà người quen lấy thịt lợn sạch về cất tủ lạnh cho các cháu ăn dần” – Bà Thái Thị Nhuần (vợ thầy giáo Nhượng) cho biết. Nhìn người bạn đời với ánh mắt trìu mến, cựu binh Biên phòng chia sẻ rằng, đời ông may mắn nhất khi cưới được người vợ chịu thương, chịu khó, biết thông cảm, sẻ chia. Những năm tháng còn trẻ, ông công tác xa nhà biền biệt, một mình bà tần tảo ruộng vườn lo cho 5 người con ăn học thành tài. Rồi chuyện ông về hưu mở lớp, đón các cháu về nhà nuôi ăn học, giáo dưỡng, bà rất ủng hộ. Nhiều học trò của ông trưởng thành cũng nhờ vào sự hi sinh thầm lặng của bà.
Trong câu chuyện vui, khi được hỏi về chồng, bà Nhuần khuôn mặt rạng rỡ nói: “Tôi tự hào vì có người chồng thông minh, rộng lượng, yêu thương mọi người. Nhớ ngày mới về hưu, khi hai vợ chồng vẫn còn phải làm thêm ruộng đồng lo cho các con ăn học vất vả lắm. Nhưng đêm đến, ông vẫn sáng đèn để dạy cho con, cháu quanh xóm học bài. Thời gian sau, ông còn mở lớp, nhận các cháu về nuôi. Nhiều đêm, ông thức trắng vì gặp phải những bài toán hóc búa của học trò. Ban đầu xót chồng, tôi có khuyên can, dỗi hờn nhưng rồi thương ông, thương các cháu nên lại vui vẻ thức khuya, dậy sớm cùng người bạn đời, góp tay lo cơm nước, chỉ dạy các cháu điều hay lẽ phải. Đến bây giờ vẫn vậy!”.
Câu chuyện về người cựu binh Biên phòng mở lớp học miễn phí, đón con em các gia đình khó khăn trên địa bàn về nuôi dạy ăn học nhiều năm cũng được chính quyền địa phương ghi nhận. Họ cũng thường xuyên đến động viên, chia sẻ. “Với một địa phương miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Hương Thọ, thì việc làm của ông giáo Nhượng có ý nghĩa rất lớn trong công tác khuyến học, khuyến tài. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên bác và các cháu học sinh khó khăn. Hi vọng rằng sẽ có nhiều em tiếp tục trưởng thành từ sự chỉ dạy, chăm sóc của ông bà” - Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết.
Viết Lam