Biên phòng - Cựu chiến binh Đinh Xuân Hàm, sinh năm 1944, nhập ngũ ngày 2-6-1966, là chiến sĩ An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Ngày ấy, ông có một cuốn sổ nhỏ luôn mang bên mình, trong đó, có phác họa hình huy hiệu của Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Cuốn sổ này được ghi chép cẩn thận những năm tháng ông làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên trên vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình, phác họa cuộc sống của những người lính trẻ diễn ra trong rừng sâu, núi thẳm.

Rầm rập dưới rừng
Năm 1966, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên nằm trong một khu rừng sâu và trong cuốn nhật ký được người lính trẻ Đinh Xuân Hàm miêu tả lại, đó là một nơi rừng cao vút, cây cổ thụ vài người ôm mới xuể, nằm cạnh một khe suối, xung quanh hoa nở rực rỡ. Ông Hàm nhớ lại, lúc đó, 2 đại đội An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy và chia làm 2 vòng. Đại đội 1 bảo vệ trung tâm, Đại đội 2 bảo vệ vòng ngoài, bán kính khoảng 3km và người ra, vào Tỉnh ủy đều phải qua 2 trạm gác này. Lính gác ngày đêm phải luôn cảnh giác với máy bay OV 10 Pronco trinh sát, tiếng kêu ù ù trên đầu, trực thăng cán gáo đánh hơi, bổ nhào để nã đạn. Hết giờ trực gác, người lính trẻ tuổi đôi mươi lại cặm cụi ghi chép.
“Loa phóng thanh bắc ngay cửa trạm, đoàn Điện ảnh câu lạc bộ C 600, các đoàn viên tuyên truyền văn hóa, thanh niên xung kích chờ ngay ở cửa khẩu, đoàn xe hùng dũng một hàng dài chờ lệnh xuất phát, các tài xế ôm vô lăng nghe tiếng nữ diễn viên Thu Ngà thể hiện bài “Đường giao liên dài theo đất nước” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối mà nghe náo nức, không sợ gian khổ...”. Đó là một trong những đoạn được miêu tả sống động về không khí tại khu vực Tỉnh ủy. Trên đầu, máy bay địch rà soát, nhưng ẩn dưới cánh rừng là một đoàn quân với những âm thanh ồn ào, náo nhiệt, tiếng hát hò trong trẻo của những cô gái thanh niên xung phong.
Món ăn cho đoàn quân rầm rập dưới cánh rừng thường được người lính trẻ kể lại, đó là môn thục, rau dớn, củ chuối muối chua... Mỗi người được ăn tiêu chuẩn nửa lon gạo/ngày. Nếu lính được cử đi đào hầm chữ A và địa đạo cho lãnh đạo Tỉnh ủy thì ngày đó khẩu phần ăn được tăng lên 1 lon gạo/ngày. Giữa lúc thèm cơm, khát muối, nhưng dòng chữ của chàng lính trẻ vẫn trong trẻo kể lại không khí nhộn nhịp: “Đoàn văn công, người đưa kẹo, rót nước, người đưa thuốc lá, tiếng mời lẫn tiếng cười, nói và tiếng nổ của xe nghe xao xuyến, vui tươi...”.
Bóng người thương
Hàng ngày, chỉ huy Đại đội 1 An ninh vũ trang phân công anh em chiến sĩ vào vị trí trực gác, chốt lối đi chính vào Tỉnh ủy, có mặt trước địa đạo, nơi Bí thư Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy làm việc; sau đó, bám theo tổ điện đài ở vị trí xa trung tâm Tỉnh ủy để nhận và gửi các bức điện bí mật ra Trung ương và về miền xuôi. Chàng lính trẻ Đinh Xuân Hàm ôm súng gác, ngắm suối tóc chảy trên vai các cô gái cặm cụi làm việc. Lần nào cũng vậy, tâm hồn anh thăng hoa để tối về lại cặm cụi dưới hầm chữ A viết một bài thơ. Những bài thơ thấp thoáng bóng hồng, miêu tả mái tóc, ánh mắt, nụ cười, tên họ, tính cách của những cô gái đang tuổi đôi mươi. Tổ điện đài là bộ phận thường thu hút sự chú ý của máy bay trinh sát. Có lần, chàng lính trẻ đề nghị chị em di chuyển sang vị trí mới, nơi có hầm trú ẩn tốt hơn trong thời gian gửi điện. Nơi mà họ vừa rời đi đã hứng trọn 2 quả bom. Đó cũng là câu chuyện được viết lại trong cuốn sổ tay quý giá.

Nhật ký của chàng lính trẻ Đinh Xuân Hàm không phải là một câu chuyện với tâm trạng đều đều, mà luôn có những cung bậc của nỗi nhớ nhung, trách móc một người con gái nào đó đã không giữ lời thề nguyện, theo người yêu đi lấy chồng. Dòng thương trách đó rồi cũng nhanh chóng phôi pha, vì hình ảnh những cô văn công xinh đẹp, những người con gái trong tổ thanh niên xung phong, tổ điện đài đã mau chóng làm ấm lòng người lính trẻ. “Ước mơ, khát vọng vậy thôi, lúc đó, quy định nghiêm lắm, không được yêu đương gì cả, tất cả cho tiền tuyến”, ông Hàm nhớ lại những khoảnh khắc thời trai trẻ và tâm sự.
Trong cuốn sổ nhật ký, thỉnh thoảng lại xuất hiện dòng chữ của một người con gái. Cô gái thanh niên xung phong tên là Hoàng Thị P viết dòng chữ giới thiệu nơi công tác là đội công tác, Ban kinh tế khu Trị Thiên Huế. Trước khi chuyển công tác, chị P đã viết: “Anh ơi, em muốn sống và công tác gần anh em cho trọn tình, nhưng đâu có thể được thế. Em kính chúc anh ở lại mạnh khỏe, em mừng. Anh thông cảm, vì tay run quá, chữ xấu”.
Thơ... ước mơ
Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đóng quân ở nơi cánh rừng xa xôi và hiểm trở, vì vậy, trong suốt thời gian canh gác, chàng lính trẻ và đồng đội rất ít khi phải quần nhau với lính biệt kích. Nhưng thỉnh thoảng, Tỉnh ủy vẫn bị lộ địa điểm vì máy bay OV 10 Pronco bắt được sóng điện đài, gọi máy bay B52 ném bom rải thảm. Chàng lính trẻ nhiều lần bị thương, nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời, cùng đồng đội ngồi kể chuyện vui, chia sẻ niềm ước mơ cho nhau nghe. Có những cậu lính trẻ thốt lên: “Bây giờ, chỉ ước mơ được nấu một lon gạo và ăn cơm với nắm muối trắng”. Nhiều cậu lính trẻ khác thì ước mơ được nắm tay con gái dù chỉ 1 lần.
Ước mơ của những người lính trẻ đó được Đinh Xuân Hàm đưa vào trang nhật ký và sáng tác thơ. Tháng 5-1970, sau giờ phút chia tay đoàn Văn công hỏa tuyến và chị em thanh niên xung phong, chàng lính trẻ đã viết bài thơ đầy ắp tâm trạng: “Các bạn ơi xin chào tạm biệt/ Hẹn gặp lại những buổi chiều đẹp nhất/ Ở quê hương hay nẻo đường Tổ quốc/ Ta khoác vai tình tứ ngắm trăng ngàn”. Đêm trong rừng, sau ca gác là lúc người lính trẻ hay viết nhật ký và làm thơ. Vào một đêm mưa nặng hạt, nằm trên chiếc võng trong căn hầm chữ A, dòng suy tư tràn về, người lính trẻ lại cầm bút viết bài thơ “Đêm”: “Ở đâu thấy những vòm trăng?/ Ở đây thấy núi, thấy rừng, thấy đêm/ Ở đâu vai khoác vai nhau?/ Ở đây bom đạn, tháng ngày vùi sương”.
Giờ đây, cuốn nhật ký của cựu chiến binh Đinh Xuân Hàm được đồng đội chuyền tay nhau đọc. Sau hơn 50 năm, những trang giấy úa màu, nhưng từng con chữ trong cuốn sổ đó đều luôn tươi mới trong lòng những con người từng một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Cựu chiến binh Đinh Xuân Hàm là chiến sĩ An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên năm 1966. Sau năm 1975, ông làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình. Hiện nay, ông sống tại xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Do nhiều năm ở vùng cao, ông đã sưu tầm và học được nhiều bài thuốc Nam quý giá của đồng bào dân tộc, trong đó, có cả những bài thuốc bí truyền của dân tộc Chứt để chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Lê Văn Chương