Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Cuộc sống no ấm nơi miền núi xứ Thanh

Biên phòng - Nhiều chính sách dân tộc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của Nhà nước đã phát huy hiệu quả và mang tới sức sống mới cho đồng bào dân tộc Dao tại nhiều huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo. Những chính sách đó không chỉ mang tới cho đồng bào Dao sự giúp đỡ, hỗ trợ mà quan trọng hơn là khơi dậy ý thức tự vươn lên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn của chính họ.

7pqe_4a
Người Dao ở xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập. Ảnh: Xuân Anh

Chúng tôi đến thôn Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày đầu hè nắng oi ả. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch sẽ, ngắm nhìn nương ngô xanh biếc hứa hẹn mùa vụ bội thu, ông Phùng Quang Du, Bí thư Chi bộ Hạ Sơn không giấu được niềm phấn khởi: “Ngày xưa, người Dao ở Hạ Sơn vất vả lắm, bốn mùa ăn cháo ngô bung, làm nương, làm rẫy, khai phá đất dốc, học tập người Mường làm ruộng. Trải qua bao đời, từ vài hộ gia đình đến nay đã có 231 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Nhờ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm về mọi mặt, đến nay, người dân thôn Hạ Sơn được tiếp cận với thông tin nghe nhìn, hưởng thụ ánh sáng văn hóa của Đảng, đời sống ngày càng mở mang, dân trí được nâng lên rõ rệt. Thôn không có người mù chữ, trẻ em khi đến tuổi được huy động đến lớp. Người ốm đau được đưa đi viện cứu chữa, điều trị, nhiều tập tục lạc hậu được bớt bỏ; tệ nạn cờ bạc, nghiện hút đã được xóa bỏ...”.

Chuyển biến rõ nét nhất ở Hạ Sơn đó là người dân ý thức được việc học nghề để lập nghiệp. Khi xã có chủ trương mở lớp học nghề, ở Hạ Sơn đã có 175 lao động tham gia học nghề. Khi có sẵn nghề trong tay, Nhà máy may Vietpan Pacific tuyển dụng, 175 lao động đã nộp hồ sơ và làm việc tại nhà máy với mức lương dao động từ 3,8 đến gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Nói về sự thay đổi của thôn Hạ Sơn, ông Bùi Văn Tùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc cho biết: Đổi thay lớn nhất ở Hạ Sơn đó là nhận thức của người dân, không còn việc ỷ lại Nhà nước, người dân đã nỗ lực vượt khó vươn lên, biết tạo việc làm nâng cao thu nhập. Trước kia, đồng bào Dao ở Hạ Sơn chỉ biết phát nương trồng ngô thì giờ đây, người dân đã biết trồng rừng, trồng lúa, học nghề, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Nếu như trước kia, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8-9 triệu đồng/năm thì nay đã nâng lên mức 34 triệu đồng/năm.

Rời Hạ Sơn, chúng tôi đến với những cánh rừng xanh ngát, những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, xa xa là những nếp nhà khang trang... Đó là cảnh sắc đẹp đẽ của thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có 120 hộ với gần 600 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều công trình dân sinh được xây dựng phục vụ đời sống của nhân dân trong thôn. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lao động tăng lên rõ nét. 

Nếu trước kia, người Dao chỉ biết trồng ngô năng suất thấp trên đất lâm nghiệp, thì nay bà con đã biết trồng cây lâm nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là gia đình anh Triệu Văn Trung, hằng năm thu nhập trên 120 triệu đồng nhờ trồng keo và các cây trồng khác. Đến nay, thu nhập bình quân của thôn đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,6%; 82,5% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và Phú Sơn cũng đạt danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện.

Khi đời sống người dân được nâng lên, bà con trong thôn Phú Sơn đã biết đầu tư cho con cái học cái chữ. Đến nay, trong thôn có 100 học sinh theo học ở tất cả các cấp học. Số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, trong đó, xuất hiện nhiều gia đình có con học hành thành đạt. Điển hình là gia đình anh Triệu Văn Biên có 3 người con đã tốt nghiệp đại học, trong đó 2 người tốt nghiệp Học viện Quân sự và Học viện An ninh. 

Ông Phạm Hải Lăng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Châu cho biết, vài năm trở lại đây, thôn Phú Sơn có nhiều đổi thay đáng phấn khởi. Hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa thôn với Công an huyện được đẩy mạnh, qua đó, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo ổn định. Chi hội Phụ nữ thôn Phú Sơn kết nghĩa với Chi hội Phụ nữ các thôn bạn, thông qua các hoạt động đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con và nhất là ý thức tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều phấn khởi nhất là đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi. Đây là cơ sở quan trọng để Phú Sơn cùng các thôn khác thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa xã Cẩm Châu “về đích” nông thôn mới.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao ở Thanh Hóa có khoảng 6.000 người, sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền tới các già làng, người già có uy tín vận động cộng đồng giữ gìn bản sắc dân tộc. Người Dao ở Thanh Hóa đã từng bước củng cố và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, trở thành một trong những vùng văn hóa Dao tiêu biểu của tỉnh. Qua đó, chung tay phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm nên “bức tranh” miền Tây Thanh Hóa ngày càng khởi sắc.

Xuân Anh

Bình luận

ZALO