Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 11:53 GMT+7

Cuộc sống mới trong những mái nhà tái định cư

Biên phòng - Sau nhiều năm lưu lạc qua các “miền đất hứa”, xuân này, nhiều đồng bào Mông ở tỉnh Điện Biên đã tìm được “tổ ấm” đích thực. Những ngày áp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chúng tôi tìm đến những bản tái định cư trên biên giới huyện Mường Nhé để chứng kiến cuộc sống mới của hàng trăm hộ dân một thời lầm lỡ. Lâu lắm rồi, nụ cười mới tràn ngập trong những mái nhà của người dân tái định cư.

u8bs_11
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Nhé hướng dẫn đoàn viên, thanh niên điểm bản tái định cư tại xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) trồng và bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Long

“An cư lạc nghiệp”

Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở bản tái định cư Tân Phong, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) năm nay có một ý nghĩa thật đặc biệt. Bởi hầu hết các gia đình mới về định cư vốn là cư dân “xóm liều” Tá Phì Chà, cách trung tâm xã Chung Chải gần 30km.

Trong dòng người náo nức trẩy hội đầu xuân, tôi bắt gặp Thào A Nhìa, một trong những hộ đầu tiên đăng ký và tự nguyện tháo dỡ, di chuyển nhà đến nơi ở mới theo quy định. Anh xúc động cho biết: “Sau 10 năm, gia đình tôi mới có một cái Tết đầm ấm thực sự, không còn thấp thỏm lo bị xử lý vì lấn chiếm trái phép đất rừng phòng hộ”. Ảo tưởng về “miền đất hứa” đã khiến gia đình anh Nhìa từ huyện Tủa Chùa di cư tự do lên huyện Mường Nhé gần chục năm qua.

Sau nhiều năm không tìm được chỗ dung thân, anh và các hộ di cư đã liều lĩnh xâm nhập lõi rừng phòng hộ Tá Phì Chà, tự ý dựng lán, phá rừng làm nương. 78 hộ với 387 nhân khẩu tại điểm dân cư tự phát chấp nhận điều kiện sống tạm bợ: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt, không được chăm sóc y tế, con em không được đến trường... Theo “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” (Đề án 79), toàn bộ người dân phải di dời ra khỏi khu vực lấn chiếm, trả lại đất rừng cho địa phương, để về các bản tái định cư theo quy hoạch của huyện Mường Nhé.

 “Thế nhung, không phải ai cũng nhận thức được vi phạm của mình và thấy cơ hội để thoát nghèo, ổn định cuộc sống, được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước khi tái định cư theo Ðề án 79” – Anh Nhìa bức xúc cho biết: Trong khi nhiều hộ mong từng ngày về bản tái định cư, thì những kẻ xấu do Lầu A Vàng, Trưởng nhóm đạo tại Tá Phì Chà cầm đầu đã tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương của Nhà nước, xúi giục người dân không di dời khỏi nơi ở tạm, khiến công tác tái định cư chậm tiến độ đề ra. Âm mưu của kẻ xấu chỉ bị lật tẩy khi cán bộ xã Chung Chải và Đồn Biên phòng Leng Su Sìn trực tiếp đưa các chủ hộ xuống khu tái định cư tại 2 bản Nậm Là 2 và Tân Phong để tận mắt chứng kiến nơi ở mới được Nhà nước đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng.

Trên con đường bê tông dẫn vào bản Tân Phong, những ngôi nhà mái tôn mới dựng được bố trí gọn gàng theo ô bàn cờ. Công trình nước sạch, hệ thống điện lưới quốc gia cung cấp đến từng gia đình. Trong bản, ngoài điểm trường học, điểm bưu điện văn hóa, còn có nhà văn hóa bản và cơ sở y tế của xã. Ấn tượng hơn cả là các khu đất sản xuất, đất trồng cây lâu năm được quy hoạch gần nguồn nước thuận lợi cho bà con canh tác.

Khoe ngôi nhà gỗ mới được chính quyền hỗ trợ di dời, dựng lại tại bản Tân Phong, anh Cứ A Lử cho biết: “Về nơi ở mới, mỗi hộ được Nhà nước cấp 400m2 đất ở và 2ha đất sản xuất với hệ thống tưới tiêu khép kín. Bà con giờ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, không còn lo áp lực sinh kế để lấn chiếm trái phép đất rừng như trước đây nữa. Mừng nhất là con em được đi học ngay gần nhà; người ốm đau đã có trạm y tế chăm sóc, điều trị...”.

Đến thời điểm này, 100% các hộ dân trong lõi rừng đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Ðể tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tái định cư, UBND huyện Mường Nhé đã huy động hơn 400 dân quân, đoàn viên, thanh niên giúp các gia đình tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển toàn bộ tài sản đến nơi tập kết. Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đối với các gia đình trở về quê cũ, UBND huyện đã liên hệ, thống nhất với địa phương nơi đón tiếp, tạo mọi điều kiện tiếp nhận, đồng thời, hỗ trợ hoàn toàn phương tiện vận chuyển người và tài sản cho nhân dân về đến tận nơi. Thời gian tới, các phòng chuyên môn của huyện sẽ đến các điểm tái định cư hỗ trợ dịch vụ, kỹ thuật để nhân dân sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”.

Theo đó, bà con được cán bộ khuyến nông trong xã tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng ngô, lúa, trồng cỏ voi phục vụ phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, xã vận động bà con xây dựng chuồng trại tách riêng khu nhà ở và miễn phí tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc. Đối với những hộ nghèo, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp bà con vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất.

Vậy là, sau nhiều năm sống lay lắt, nghèo khổ trong lõi rừng phòng hộ, cuộc sống của người dân Tá Phì Chà đã bước sang trang mới.

Làm giàu trên quê mới

Chào xuân 2018, niềm vui khôn tả về một cuộc sống mới ổn định trong 694 gia đình với 3.955 nhân khẩu di cư tại 23 điểm sắp xếp dân cư trong huyện Mường Nhé. Con số trên khẳng định nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các lực lượng tỉnh Điện Biên trong thực hiện Đề án 79, bởi theo thống kê, có tới 870 hộ với 4.947 khẩu di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé trong thời gian qua.

Nằm cách Quốc lộ 4H chưa đầy 1km, con đường đất đi vào bản Nậm Pố 3,  Nậm Pố 4 (xã Mường Nhé) được mở rộng thuận lợi cho việc đi lại giao thương của đồng bào. 186 ngôi nhà “3 cứng” (mái, tường, nền kiên cố) tươi mới, vườn cây xanh tốt đang xóa dần sự hoang vu của vùng đất vốn là đồi núi khô cằn. Các gia đình tái định cư được cấp sổ hộ khẩu theo quy định. Nhiều người xác định đây là quê mới của dòng họ, gia đình mình, để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Sau 3 năm ổn định dân cư, đồng bào đã biết khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước. Hàng loạt mô hình khởi nghiệp được Nhà nước hỗ trợ vốn và công nghệ đã ra đời và phát huy hiệu quả kinh tế trên vùng biên này. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi tổng hợp phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng địa phương đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Anh Vừ Chông Phùa, một chủ hộ chăn nuôi giỏi ở bản Nậm Pố 4 cho biết: Bà con được cán bộ xã trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt chất lượng cao. Riêng gia đình anh, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 40 con lợn thịt, trừ chi phí thu về trên 40 triệu đồng. Kết hợp nuôi lợn, gia đình anh Phùa còn nuôi hàng trăm con vịt, gà và trồng chuối cho thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, gia đình anh Phùa không chỉ thoát nghèo, có điều kiện lo cho con ăn học, mà còn mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ đời sống.

Những điểm sáng về sắp xếp, ổn định dân cư như bản Nậm Pố 3, 4 không chỉ giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và di cư tự do tại nhiều địa bàn vốn là điểm nóng về an ninh nông thôn, mà còn góp phần giữ vững, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện Mường Nhé. Những công trình giao thông, hệ thống nước sạch, lưới điện dân sinh, cùng hệ thống thủy nông, kênh mương nội đồng và những ngôi trường, trạm y tế khang trang... thực sự là luồng sinh khí mới cho các điểm tái định cư, thực sự giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.

Lòng tin của đồng bào các dân tộc với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được củng cố vững chắc. Thể hiện rõ nhất qua việc nhân dân tại tất cả 118 điểm bản, cụm dân cư trong huyện Mường Nhé ký cam kết không di cư tự do, không phá rừng trái phép. 345 hộ, 1.793 nhân khẩu di cư đến huyện Mường Nhé sau ngày 30-4-2011 đã nhận ra hành vi sai trái, hợp tác cùng chính quyền và các cơ quan chức năng tự nguyện quay trở về nơi ở cũ để sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống.

Long Ngũ

Bình luận

ZALO