Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Cuộc sống mới trên cung đường huyền thoại

Biên phòng - Từ năm 1959 đến năm 1975, hàng ngàn bộ đội, du kích, dân công hỏa tuyến là đồng bào dân tộc thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chiến đấu anh dũng, phục vụ công tác mở đường Hồ Chí Minh, góp công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và A Lưới được biết đến là địa danh gắn với “rốn da cam” khi quân Mỹ đã thả hàng triệu tấn bom đạn cùng chất độc đi-ô-xin xuống vùng núi này. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đảng ủy và chính quyền các cấp, nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy… đã từng bước vượt qua khó khăn để làm chủ cuộc sống.

7fh2_12a
Ông Cu Ro kể lại những ngày tháng tham gia dân công hỏa tuyến mở đường mòn Hồ Chí Minh phục vụ cách mạng. Ảnh: Trúc Hà

Ngày mới ở A Lưới

Chúng tôi đến A Lưới vào những ngày tháng 5, trong không khí kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Đi giữa tuyến đường Hồ Chí Minh qua A Lưới là những căn nhà được xây dựng khang trang, kiên cố sát hai bên đường với cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Những dấu tích về con đường huyền thoại gắn liền với những trận đánh chống Mỹ - ngụy năm xưa vẫn còn đó, như: Hệ thống địa đạo A Đon (xã Hồng Quảng); A Nor, A Púc (xã Hồng Kim); Còng A Bó (xã Hương Lâm); A Ting (xã A Roàng).

Ngoài các di tích kể trên, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện còn có sân bay A Lưới, A So, A Co và các di tích quan trọng khác như đồi A Biah, xã Hồng Bắc; Km0 đường B45A - Hồng Vân nối đường Hồ Chí Minh từ Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn; Dốc Mèo - Hồng Vân cách đường Hồ Chí Minh 1km - một trong những trọng điểm chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh... Ngày nay, những di tích lịch sử cách mạng kể trên đang thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng không giấu được niềm vui khi quê hương miền núi nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và vận động, hiện, người dân ở A Lưới đã mở rộng diện tích sản xuất lúa nước lên đến 1.100ha, 650ha ngô, 1.434ha sắn, 1.235 cây cao su, 387ha chuối và trồng mới 703ha keo tràm. Bên cạnh đó, bà con dân bản còn tận dụng địa hình đồi núi để phát triển đàn gia súc với hơn 27.000 con.

Đến cuối tháng 3-2019, tổng thu ngân sách toàn huyện A Lưới đạt hơn 40 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 490 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công cách mạng, hộ gia đình nghèo để đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, gần 1 thập niên về trước, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới được mở rộng, xây mới hoàn thiện đã tạo điều kiện kết nối giao thông A Lưới với thành phố Huế và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, giúp việc giao thương kinh tế của huyện phát triển vượt bậc.

Nằm cách thị trấn A Lưới không xa, hàng trăm người dân ở các thôn, bản thuộc xã Phú Vinh (huyện A Lưới) ngày xưa từng tham gia góp sức, góp công mở đường Trường Sơn, hôm nay tiếp tục ra sức lao động, sản xuất để biến những ngọn đồi hoang hóa thành những cánh rừng xanh mướt. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh phấn khởi chia sẻ, tính đến đầu năm 2019, toàn xã có 373 hộ dân (gần 1.200 khẩu) có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Nhờ nỗ lực phấn đấu của bà con dân bản nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,3% và xã đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí từ hơn 2 năm trước.

“Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên những năm gần đây, Phú Vinh không có con em bỏ học giữa chừng, nhiều em tốt nghiệp trung học phổ thông thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Các tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở địa phương cũng được xóa bỏ để thay vào đó là lối sống văn minh, tuân thủ quy định pháp luật. Và có thể khẳng định rằng, đời sống của người dân sinh sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh hiện nay đang thay da đổi thịt từng ngày”, ông Quang nói.

Lính Biên phòng trong sắc xanh biên giới

Điều đặc biệt là huyện A Lưới “ôm gọn” 84km đường biên giới chạy qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với 2 tỉnh Sa La Van và Sê Kông, Lào. Ngay sau giải phóng, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã thiết lập Đồn Công an nhân dân vũ trang 633 và 629 (đến năm 1995, thành lập tiếp Đồn Biên phòng Hồng Vân và năm 2003, thành lập Đồn Biên phòng Hương Nguyên). Kể từ khi thành lập cho đến nay, các đồn Biên phòng luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. 

Những năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn khác nhau, Bộ Chỉ huy, các đồn Biên phòng đã tổ chức xây nhiều nhà Tình nghĩa, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho các gia đình khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân tặng hàng ngàn suất quà cho người dân các xã của huyện A Lưới vào mỗi dịp lễ, Tết. Lực lượng quân y đồn, các phòng khám quân dân y kết hợp đã tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn người dân, qua đó, giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Với việc thực hiện tốt phong trào “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), những người lính Biên phòng đã bám nắm cơ sở để tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đem lại sự bình yên cho địa bàn. Không những vậy, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng Nhâm còn làm tốt công tác đối ngoại biên phòng bằng những việc giúp đỡ nhân dân các cụm bản A Róc - A Bả, bản Ka Lô làm nhà, hỗ trợ lương thực, bao tiêu sản phẩm giúp bà con phát triển kinh tế. Những việc làm đó góp phần tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

y64b_12b
Những căn nhà khang trang, kiên cố của bà con dân bản sống dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh qua A Lưới. Ảnh: Trúc Hà

Ông Cu Ro và vợ (thôn Đớt, xã A Đớt) đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Họ quen nhau khi còn thanh niên, tham gia mở đường rồi làm dân công vận chuyển cho bộ đội trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và nên duyên vợ chồng. Hòa bình lập lại, đôi vợ chồng về thôn A Đớt làm ăn sinh sống. Thời gian cứ thế trôi đi, vì tuổi đã cao, sức yếu và không có con nên năm 2001, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã xây tặng ông bà căn nhà Tình nghĩa để lấy nơi che mưa, che nắng. Quân y đơn vị vẫn thường xuyên thăm khám, chữa bệnh cho ông bà lúc ốm đau.

Khi triển khai “Mỗi tập thể, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã trực tiếp nhận hỗ trợ ông bà hàng tháng bằng tiền và gạo. Ông Cu Ro bảo, sự quan tâm, giúp đỡ của những người lính Biên phòng là “sự đền đáp” mà ông bà cảm thấy hài lòng nhất. Đại úy Nguyễn Quang Mạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt chia sẻ: Đó không chỉ là trách nhiệm của người lính Biên phòng trước những khó khăn của người dân trên địa bàn, mà còn là sự tri ân với những người đã cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước.

Trúc Hà - Phong Sơn

Bình luận

ZALO