Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:33 GMT+7

Cuộc sống của đồng bào Khmer ở Trà Vinh có nhiều khởi sắc

Biên phòng - Nhiều năm nay, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh được thụ hưởng các chương trình, dự án, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao; phum sóc có nhiều đổi thay, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

zuhy_12a
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, bà con dân tộc Khmer ấp Thốt Nốt, xã Tân Sơn chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng chuyên canh cây ớt cho thu nhập ổn định và nhiều hộ Khmer đã thoát nghèo từ mô hình này. Ảnh: Phương Nghi

Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, năm 2017, tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 41 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại 24 xã và 52 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo Chương trình 135. Thực hiện Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo trong xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh đang triển khai nguồn vốn hơn 13,7 tỉ đồng để hỗ trợ 10.541 hộ, chủ yếu là đồng bào Khmer nghèo. Bên cạnh đó, Trà Vinh đang giải ngân nguồn vốn hơn 36 tỉ đồng để hỗ trợ đất ở cho 1.474 hộ dân tộc thiểu số nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Kiên Banh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, từ năm 2014 - 2016, Trà Vinh có 2.010 hộ Khmer không có đất ở được hỗ trợ hơn 728.000m2 đất với tổng số tiền hơn 65,2 tỉ đồng. Trung ương phân bổ hơn 137 tỉ đồng để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng gần 300 công trình hạ tầng vùng nông thôn sâu và hỗ trợ hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Hỗ trợ kéo điện vào nhà cho hàng chục nghìn hộ dân Khmer và 5.385 hộ nghèo chủ yếu là đồng bào Khmer tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Cầu Kè có nước hợp vệ sinh sử dụng với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng... “Hiện, Trà Vinh còn gần 30.000 hộ nghèo (giảm trên 2% so với năm 2016); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm 2,66%, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện đạt 33,4 triệu đồng/người/năm...” - Ông Kiên Banh nói.

Chúng tôi về Tân Sơn (Trà Cú), xã có 81% đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều gia đình đã bắt tay vào việc sơn phết, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón xuân. Đi dọc về các ấp Thốt Nốt, Bến Thế, Đôn Chụm, Đồn Điền, Đồn Điền A, hay ấp Chợ... những tuyến đường bê tông, nhựa đã đến các ấp vùng sâu, đã làm cho ước mơ của bao thế hệ người dân Tân Sơn nay trở thành sự thực. Điểm dễ nhận thấy nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tân Sơn là sự đồng tình, tự nguyện của nhân dân. Việc hiến đất làm đường đã là một nghĩa cử đẹp.

Ông Lý Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, Tân Sơn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 6 năm qua, Tân Sơn đã huy động được 140,8 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đó, dân đóng góp 23,9 tỉ đồng và hiến đất, cây trái, hoa màu, ngày công... để xây dựng giao thông nông thôn, còn lại là các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của tỉnh, của Trung ương, vốn lồng ghép từ các doanh nghiệp. “Từ đó, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm rõ rệt từ 29,3% năm 2011 (với 529 hộ) xuống còn 5,14% (97 hộ), là xã đầu tiên của huyện Trà Cú đạt chuẩn xã nông thôn mới” – Ông Trung cho hay.

Ông Kim Sầm Nang, Bí thư Chi bộ ấp Đôn Chụm (xã Tân Sơn) cho biết: “Trước đây, muốn đi từ ấp này sang ấp khác rất khó khăn. Khi chính quyền có chủ trương làm đường bê tông, chúng tôi vận động người dân góp công, góp của để thực hiện. Nhờ đó, việc đi lại của người dân nay đã dễ dàng hơn, sản xuất, giao thương cũng thuận lợi”. Còn nông dân Kim Lẹ ở ấp Đôn Chụm thì cho rằng, hồi nào tới giờ chưa có ai lo cho dân như Đảng và Nhà nước mình, nào giúp nhà ở cho hộ nghèo, đất sản xuất, đầu tư bò cho người nghèo, làm đường nhựa khang trang, việc giao thương đi lại của người dân thuận lợi, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy lội như trước. Nông thôn mới thế này mới là đáng sống.

Diện mạo phum, sóc đang khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer được nâng lên rõ rệt. Sự đổi đời từ mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi bò sinh sản, nuôi heo và nuôi gà bằng điệm lót sinh học, mô hình trồng bông lài trên đất giồng cát..., những mái nhà khang trang, đầm ấm... đã củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng của bà con Khmer xã nông thôn mới Kim Hòa.

Anh Sơn Cuông, ở ấp Kim Câu (xã Kim Hòa), không giấu được niềm vui, vì Kim Câu đã trở thành ấp văn hóa, trường học, đường nông thôn, điện thắp sáng... đều được Nhà nước đầu tư đến phum, sóc. Còn hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi nên ai cũng yên tâm lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh Sơn Cuông chia sẻ: “Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình, thăm hỏi bà con phum sóc động viên nhau trong sản xuất. Chúng tôi cũng chuẩn bị đón Tết rộn ràng lắm. Ngoài dồn sức lo cho vụ tôm thẻ, chúng tôi còn trồng thêm bắp cải, dưa hấu để bán trong dịp Tết, trang trí nhà cửa, sắm sửa đồ ăn, thức uống...” - Anh Cuông nói.

Tại ấp Giữa (xã Kim Hòa), nhiều gia đình đã bắt tay vào dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Từ lâu nay, gói bánh tét đã trở thành việc làm truyền thống của gia đình chị Thạch Mỹ Lan. Chị Mỹ Lan chia sẻ: Vào khoảng 28 tháng Chạp hằng năm, các thành viên trong gia đình đều tề tựu để chuẩn bị làm bánh. Ngoài việc gói bánh tét, gia đình còn làm bánh gừng - món ăn quen thuộc của đồng bào Khmer. Trước là để dâng lên bàn thờ tổ tiên, sau là để làm quà biếu bà con lối xóm. Không chỉ có thế, việc làm bánh còn có ý nghĩa giáo dục cho con cháu biết yêu quý, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống ngày Tết của dân tộc. “Những đòn bánh tét, cái bánh gừng thể hiện ý nghĩa chung vui, giao thoa văn hóa của người Kinh và Khmer. Và đây còn là những món quà xuân đậm đà tình nghĩa để tặng xóm giềng”. - Chị Lan nói.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO