Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela: Cuộc chiến cân não

Biên phòng - Cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội với quy mô lớn tại Venezuela không chỉ kéo dài từ vài tháng qua, mà còn tiếp tục xoay chuyển theo chiều hướng xấu. Sau chuyến đi thăm một số nước Mỹ Latinh bất chấp lệnh cấm đi lại của Tòa án tối cao, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido - người phản đối tư cách hợp hiến của Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và tự xưng là Tổng thống lâm thời Venezuela - đã trở về đất nước một cách bình yên vô sự. Căng thẳng tại quốc gia Nam Mỹ này lại trở về nguyên trạng. Để thoát khỏi tình trạng “hai vua”, Venezuela đang đứng trước rất nhiều kịch bản khác nhau, thậm chí người ta còn nghĩ đến cả một cuộc nội chiến.

lak1_25a
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát biểu trong một cuộc vận động sự ủng hộ của công chúng tại thành phố Caracas, Venezuela, ngày 23-1. Ảnh: HP

Âm mưu và phiền muộn

Ông Juan Guaido trở về nước có sự tháp tùng của các Đại sứ Pháp, Đức, Rumani, Hà Lan, Argentina và Brazil. Đây là lý do ông đã không bị bắt như chính quyền Venezuela tuyên bố trước đó. Một lý do khác là những đe dọa từ phía Mỹ, cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh John Bolton đã nói, sẽ có “những biện pháp kiên quyết” với Chính phủ Venezuela nếu ông Juan Guaido không được hồi hương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì cảnh báo, Mỹ sẽ có “phản ứng tức thì” để đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào đối với ông Juan Guaido.

Giới báo chí chứng kiến 4 người đàn ông trong bộ đồ màu xanh bước đi lặng lẽ trên đường phố, vẫy tay chào mọi người xung quanh. Họ dường như là những người đào ngũ, xuất hiện trong một đoạn video trên mạng truyền thông xã hội hôm 26-2 vừa qua, tại thị trấn Heran (Colombia). Tính đến ngày 27-2, có tất cả 567 người đào ngũ. Đây là dấu hiệu thay đổi đáng chú ý nhất kể từ khi thế giới bị rúng động bởi các vụ đụng độ hồi tuần trước, khi những người Venezuela thuộc phe đối lập cố gắng đưa hàng cứu trợ vượt qua biên giới, các trạm gác của cảnh sát chống bạo động và các nhóm thân với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để vào Venezuela. Việc cây cầu quốc tế Simon Bolivar bị đóng cửa không chỉ làm tăng căng thẳng giữa lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Venezuela - lực lượng nắm quyền kiểm soát cây cầu này - và Cảnh sát Colombia, mà còn cướp đi kế sinh nhai của nhiều người dân Venezuela ở phía bên kia biên giới.

Hàng nghìn người Venezuela hằng ngày đến Colombia để làm việc hoặc mua thức ăn. Ngã tư này là tuyến đường giao thông huyết mạch. Thế nhưng, hiện nay, nó đã bị đóng cửa, trong khi bầu không khí giận dữ ở phần còn lại của biên giới giữa Venezuela và Colombia đang "tăng nhiệt". Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Về mặt ngoại giao, con đường phía trước là có thể đoán được. Sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không kiên định. Mặc dù các nhà phân tích hoài nghi về việc Moskva mong muốn cung cấp tài chính và hỗ trợ cho cái mà nhiều người gọi là chế độ tham nhũng và hỗn loạn (ở Venezuela), nhưng hiện nay, các lá phiếu phủ quyết của Nga tại Liên hợp quốc sẽ ngăn cản được các nghị quyết có thể dồn Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro vào chân tường, khiến cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela càng nghiêm trọng.

Các quốc gia châu Âu và hầu hết các nước láng giềng của Venezuela có xu hướng phản đối ông Nicolas Maduro, ủng hộ Tổng thống lâm thời tự phong và nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Tuy nhiên, những nước này lại tỏ ra lưỡng lự trước việc áp đặt các lệnh cấm vận hà khắc hơn, hoặc coi sự can thiệp quân sự như một lựa chọn. Mỹ dường như đang muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt mới để đẩy ông Nicolas Maduro vào chân tường và không loại trừ khả năng can thiệp quân sự. Các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và đặc phái viên Mỹ Elliot Abrams, đã có những chuyến đi thị sát biên giới Venezuela - Colombia để ủng hộ ông Juan Guaido.

Cơn giận mang thông điệp

Trong cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm Lima vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đại diện cho chủ nghĩa bá quyền của Mỹ tại Tây bán cầu theo đường lối của Lầu Năm Góc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quở trách thậm tệ Tổng thống tạm quyền tự phong của Venezuela Juan Guaido như thể ông chủ với một nhân viên của mình. Nguyên nhân cơn giận dữ của ông Mike Pence là thất bại của Guaido trong việc lôi kéo binh sĩ Venezuela đào ngũ hàng loạt như đã hứa và điều này khiến cánh diều hâu trong chính quyền Mỹ, điển hình là Phó Tổng thống Mike Pence, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo lo sợ phe đối lập Venezuela sẽ sụp đổ khi không có những “bước tiến cụ thể” trong việc đối đầu với Tổng thống Nicolas Maduro.

Trước đó, âm mưu đưa “viện trợ nhân đạo” vào Venezuela, hoạt động vốn được cho là sẽ đánh dấu “sự mở đầu cho hồi kết” của “chế độ Maduro”, cũng thất bại và gây tác dụng ngược khi còn mở rộng tính hợp hiến của Chính phủ theo đường lối Boliva và làm suy yếu quan điểm của các đồng minh của Washington tại Nam Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.

Sự thất vọng của ông Mike Pence còn lên đến đỉnh điểm khi chính các nguyên thủ đồng minh của họ trong nhóm Lima phản đối một cuộc can thiệp quân sự vào Venezuela, trong đó, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao đã trình bày quan điểm hoàn toàn trái ngược với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng của các thế lực diều hâu này cũng cho thấy các nhà triệu phú Venezuela sống ở nước ngoài cũng không đóng góp nhiều tài lực như từng được kỳ vọng vào thời khắc quyết định chống lại Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Các kịch bản

Bầu cử trước thời hạn quả thật có thể trở thành lối thoát tốt nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Về lý thuyết, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro không phản đối bầu cử, dù cho rằng ông có thể tại vị đến năm 2025. Trong trường hợp này, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn nắm ưu thế vì Ủy ban bầu cử quốc gia lại thuộc quyền kiểm soát của ông.

Ông Nicolas Maduro ra đi và chuyển giao chính quyền: Nhiều người phản đối ông Nicolas Maduro cho rằng việc ông ra đi tự nguyện cũng là lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp đó, Phó Tổng thống Delma Rodriges có thể trở thành quyền Tổng thống. Bà có kinh nghiệm đàm phán với phe đối lập và có khả năng trở thành nhân vật được cả hai bên chấp nhận. Tuy nhiên, chính quyền hiện tại vẫn được quân đội ủng hộ. Sự ủng hộ này không chỉ dành cho cá nhân Tổng thống Nicolas Maduro mà cho cả chế độ chính trị của Venezuela.

5fgn_25b
Người dân Venezuela xếp hàng sang biên giới Colombia. Ảnh: France 24

Đảo chính quân sự: Nguy cơ đảo chính quân sự tại Venezuela vẫn luôn tồn tại vì quân đội đóng vai trò chính trị quan trọng ở đất nước này. Năm 2002, quân đội đã từng tổ chức đảo chính để lật đổ cố Tổng thống Hugo Chavez. Tuy nhiên, ông Hugo Chavez đã lật ngược thế cờ cũng nhờ vào sự ủng hộ của một số quân nhân chống lại phe đảo chính. Hiện, tương quan lực lượng trong quân đội vẫn nghiêng về Tổng thống Nicolas Maduro.

Trong bối cảnh bất ổn này, hai kịch bản khó có khả năng xảy ra nhất là một cuộc nội chiến ở Venezuela hoặc một sự can thiệp của quân đội Mỹ. Kịch bản đầu tiên là không thể, bởi phe đối lập hết sức suy yếu và chia rẽ kể từ cuộc bầu cử ngày 30-7-2017, và sự thẳng tay đàn áp của chính quyền đã triệt tiêu các hành vi phạm tội và các hoạt động biểu tình chống chế độ. Mặt khác, sự di cư ồ ạt đã làm "chảy máu nguồn lực" của những lực lượng "hăng máu" nhất ở Venezuela và do vậy làm suy yếu khả năng kháng cự trong nước. Kịch bản thứ hai cũng ít khả thực thi, bởi Mỹ không muốn tiếp tục phải trả "giá đắt" do các hoạt động can thiệp quân sự vào Mỹ Latinh mà Mỹ đã từng thực hiện trong quá khứ. Hơn nữa, chính phe đối lập Venezuela cũng không chấp nhận sự can thiệp này.

Như vậy, cuộc chiến cân não giữa các phe phái tại Venezuela sẽ vẫn còn kéo dài.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO