Biên phòng - Tại Cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam và Campuchia, hai bên khẳng định quyết tâm tìm giải pháp công bằng, hợp lý để phân giới cắm mốc đối với 16% đường biên giới còn lại.
- Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia
- Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo vệ biên giới Việt Nam - Campuchia
- Hội đàm giữa Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia

Từ ngày 13-17/6, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam.
Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam-Campuchia làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu Campuchia do ông Var Kim Hong, Bộ trưởng cao cấp phụ trách vấn đề biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Campuchia-Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Tham dự cuộc họp còn có đại diện các bộ, ngành liên quan của hai nước. Cuộc họp diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và hiểu biết lẫn nhau.
Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm sự ổn định của đường biên, mốc giới nhằm góp phần củng cố và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa hai nước như: kế hoạch xử lý các cột mốc cũ còn tồn tại trên thực địa tại các khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc (bao gồm việc dỡ bỏ và giữ lại một số cột mốc để làm chứng tích lịch sử và tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới); xử lý, khắc phục một số mốc biên giới bị hư hỏng, sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; khảo sát thực địa, cắm thêm một số cọc đánh dấu điểm đặc trưng làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa tại một số khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc nhưng vẫn có khó khăn trong việc nhận biết.
Hai bên khẳng định quyết tâm và nỗ lực tìm giải pháp công bằng, hợp lý mà hai bên cùng chấp nhận được để phân giới cắm mốc đối với 16% đường biên giới còn lại; đồng thời, nhất trí về sự cần thiết xây dựng Hiệp định về quy chế biên giới mới để thay thế cho Hiệp định về quy chế biên giới ký năm 1983 nhằm tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý biên giới chung.
Theo TTXVN