Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Cuộc hội ngộ muôn sắc lụa tại Hội An

Biên phòng - Du lịch phát triển đã làm sống lại nghề thủ công ươm tơ dệt lụa, thêu trên vải và may đo trang phục ở Hội An. Khách du lịch quốc tế biết tới Hội An như một vùng đất “may đo thời trang cho cả thế giới” khiến ai cũng muốn đến và cắt may trang phục cho mình ở đô thị cảng cổ đậm màu lễ hội này. Tổ chức một Festival tơ lụa quốc tế tại Hội An không chỉ tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa trong nước, mà còn là cơ hội để ngành dệt may thế giới khám phá mô hình đặc sắc “Hội An - thời trang du lịch”.

43w1_9a
Trình diễn ươm tơ tằm của nghệ nhân Thái Lan. Ảnh: TTH 

Từ ngày 7 đến 9-8, Festival văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam và thế giới lần thứ 5 được tổ chức tại Hội An, Quảng Nam. Gần như đã trở thành một thương hiệu mạnh sau 5 lần tổ chức, các liên hoan sau đều có quy mô rộng hơn, ấn tượng hơn và hấp dẫn hơn, cơ hội nhiều hơn cho các đối tác tham gia. Ngoài sự góp mặt của các làng lụa trong nước như Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu, Mỹ Đức, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận..., còn có nghề dệt vải truyền thống của Italy, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia.

3 hạng mục chính của Festival là sự trình diễn nghề truyền thống của các nghệ nhân, mặt hàng vải lụa và thành phẩm từ lụa, trình diễn thời trang và các hội thảo ứng dụng công nghệ trong sản xuất vải lụa, các xu hướng mỹ thuật công nghiệp mới trong xã hội hiện đại. Một dịp may hiếm có để khách du lịch có thể tận mắt chứng kiến kỹ thuật dệt và nhuộm vải truyền thống của các nền văn minh đại diện sở hữu và bảo tồn được bí quyết may mặc lâu đời. 

Trên thực tế, kho tàng ngành nghề truyền thống Việt Nam tự hào gìn giữ được khá nhiều nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ liên quan đến may mặc như trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm, thêu ren, nhuộm vải, may đo... Một số kỹ thuật riêng có như trồng cây lanh dệt thổ cẩm, vải từ tơ sen, vải tơ tằm, kỹ thuật thêu, rút vải trang trí... cho đến nay vẫn bảo tồn được nguyên vẹn. Vùng dư địa chí làng nghề thủ công tơ lụa trải rộng khắp đất nước và Việt Nam tự hào là quốc gia có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số giữ cho riêng mình kỹ thuật dệt nhuộm vải đặc sắc như người Mông, Cơ Tu, Dao, Chăm, Thái, Jrai. Mặt khác, sử dụng vốn văn hóa đặc sắc liên quan đến may mặc để làm du lịch cũng là mô hình quen thuộc và từng đạt nhiều thành tựu. 

Xu hướng chủ đạo hỗ trợ của sự hồi sinh mạnh mẽ của các làng nghề thủ công dệt may là việc con người càng ngày càng đề cao quan điểm thuận tự nhiên, sử dụng nguyên liệu dệt và nhuộm vải có nguồn gốc thiên nhiên, không ô nhiễm môi trường và hủy hoại, xung đột hoặc kéo lùi sự phát triển của các ngành nghề khác. Mặt khác, con người hiện đại đề cao cá tính trong trang phục, thích sản phẩm độc bản riêng và ấm áp dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Sử dụng tơ tằm, vỏ cây lanh, tơ sen là các ví dụ điển hình đáp ứng hoàn hảo. 

Vì mục tiêu “sống xanh” này, rất nhiều các tổ chức phi Chính phủ dưới danh nghĩa hỗ trợ phụ nữ lập nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch, vùng nguyên liệu bền vững đã trợ giúp bằng cách kết nối tạo thị trường đầu ra sản phẩm, lo thiết kế kiểu dáng thời trang và hiện đại hóa, làm sang trọng hơn các sản phẩm thủ công truyền thống, giúp các làng nghề tồn tại và tái sinh ngoạn mục. 

Riêng ở kỹ thuật nhuộm vải, Việt Nam là quốc gia tự hào vì đời sống gần gũi với thiên nhiên sinh ra sự sáng tạo từ chính thiên nhiên bằng cách nhuộm vải bằng lá cây chàm, quả mặc nưa, bồ hòn... phù hợp với xu hướng bắt đầu lan ra trên thế giới văn minh hạn chế hóa mỹ phẩm độc hại thải ra môi trường bằng việc nhuộm và xử lý vải từ các quốc gia trên thế giới. 

Không khó để các làng nghề trưng diễn bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và các sản phẩm tráng lệ của mình với khách du lịch và bạn bè quốc tế. Các kỳ Festival tơ lụa đã qua thường thu được kết quả đáng kể từ việc xúc tiến du lịch, tạo ra thị trường mới và học hỏi kỹ thuật, kiểu dáng mỹ thuật công nghiệp và cập nhật xu hướng hiện đại cho các sản phẩm tơ lụa thủ công thường có đặc tính đơn điệu, thô vụng. 

Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới lần thứ 5, năm 2019 diễn ra tại Hội An (Quảng Nam), là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam, quảng bá, giới thiệu dệt lụa, thổ cẩm truyền thống của Việt Nam.

Đến từ các thành phố thời trang nổi tiếng thế giới như Kyoto (Nhật Bản), Lyon (Pháp), Como (Italy), các chuyên gia về thời trang khẳng định, họ hứng thú với Hội An và cách làm du lịch đặc sắc này. Tham quan một số hiệu may có từ hàng trăm năm tại Hội An với các thợ may được truyền nghề trong gia đình dòng họ và trong làng xã, các chuyên gia quan tâm tìm hiểu cặn kẽ giá trị của một nghề lâu đời tồn tại cùng với thành phố bên bờ biển.

Họ ngạc nhiên về sự chuyên nghiệp của một đô thị cổ trước sức ép mạnh mẽ và phát triển của ngành dệt may mà vẫn giữ được truyền thống, kinh doanh một cách có hiệu quả nghề thủ công may mặc và không làm biến màu văn hóa. 

Một số nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc đã đứng chung trong hàng ngũ những di sản giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn. Tuy nhiên, di sản phải được tiếp tục vận động phát triển và làm phong phú đời sống, làm giàu cho các cộng đồng mới là mục tiêu ưu tiên. 

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện nhiều đề án liên quan đến việc hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số gìn giữ phát triển nghề dệt thủ công dưới dạng duy trì các tổ sản xuất, hợp tác xã, liên kết sản xuất sản phẩm, hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy và bảo lưu kỹ thuật dệt, may và nhuộm vải. Tổ chức một Festival chuyên đề tơ lụa cũng cùng mục tiêu này. 

Thụy Văn

Bình luận

ZALO