Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 08:36 GMT+7

Cuộc hội ngộ của những chủ nhân biên giới

Biên phòng - Những năm gần đây, mỗi khi mùa Xuân về, các chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Lễ hội bánh chưng xanh” và phong trào chăm lo Tết cho người nghèo... được triển khai khắp các tuyến biên giới, mang đến cho chủ nhân nơi đây những nụ cười hạnh phúc. Ở địa bàn biên giới của tỉnh Gia Lai, năm nay có một cuộc hội ngộ mùa Xuân đầy ý nghĩa...

ujst_35c
Trung tá Vũ Văn Hoằng (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Thái Kim Nga

Niềm vui trong “mái nhà chung”

Sau một năm gắn bó, đồng hành với người lính Biên phòng trong công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn, các già làng, trưởng thôn vùng biên giới Gia Lai và cán bộ Biên phòng tăng cường xã có dịp hội ngộ bên nhau trong “mái nhà chung” BĐBP tỉnh.

Mục đích của cuộc gặp gỡ đầu năm này là để lãnh đạo địa phương và chỉ huy BĐBP tỉnh tri ân những đóng góp của các già làng, trưởng thôn, cán bộ Biên phòng tăng cường xã trong năm qua và động viên họ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm của mình cho nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Trước khi tề tựu về “mái nhà chung” dự bữa cơm thân mật đầu năm mới các già làng, trưởng thôn, cán bộ tăng cường xã tới dâng hương, làm lễ báo công với Bác Hồ, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Gia Lai - Kon Tum). Sau đó, mọi người được lãnh đạo tỉnh Gia Lai tiếp đón, nói chuyện, tặng quà tại hội trường 2/9. Những nhân vật chính của cuộc gặp mặt tiếp tục được BĐBP tỉnh tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc, gặp gỡ tri ân và tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh...

Nữ già làng Ksor H,Blâm là một trong hai người phụ nữ trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai đang đảm nhận vai trò già làng. Bà nguyên là cán bộ Quân đội nghỉ hưu và khi tuổi đã cao, sức đã yếu, bà vẫn là một “chiến binh” trên trận tuyến xóa đói giảm nghèo. Câu chuyện của bà là cuộc hành trình trải dài hơn hai thập kỷ, với biết bao kỷ niệm sống động cùng người lính Biên phòng. Từ chuyện “con bò giống” trao tay các gia đình đến chuyện “giăng ngàn mắt lưới” trong thế trận biên phòng toàn dân, ngăn chặn vượt biên, bảo vệ sự bình yên nơi thôn làng... đều có sự đóng góp rất tích cực của già.

35d
Nữ già làng Ksor H’Blâm và Thượng úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ là hai cá nhân điển hình trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Ảnh: Thái Kim Nga

Nếu nói nữ già làng Ksor H,Blâm là “chiến binh” trên trận tuyến chống đói nghèo, thì già làng Rơ Châm Tích, ở làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ đã thực sự là “chiến sĩ” trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa mới. Uy tín của già có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng, khi già nuôi dạy con cháu trong gia đình ăn học đến nơi đến chốn, sống có ích cho xã hội.

Từ nền tảng vững chắc này, già cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cho con em tới trường, dành sự ưu tiên đặc biệt đối với công tác giáo dục. Vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, xóa bỏ tệ nạn xã hội tại địa phương cũng là mối bận tâm hàng đầu của già làng Rơ Châm Tích.

Đối với số thanh thiếu niên hư hỏng trong cộng đồng, già cùng với Đội công tác địa bàn của đồn Biên phòng xuống tận gia đình, gặp gỡ từng người một để giáo dục, răn đe. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, làng Mook Đen 1 luôn được đánh giá là một trong những khu dân cư an toàn, văn minh, lành mạnh nhất của xã Ia Dom.

Trung tá Vũ Văn Hoằng cho biết: “Trách nhiệm của CBTC là phải bám sát địa bàn, gần gũi với nhân dân. Như thế mình mới nắm bắt được tình hình, những tâm tư nguyện vọng của bà con để kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đồn Biên phòng đề ra những biện pháp giải quyết. Riêng 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tôi được Đảng ủy đồn Biên phòng phân công phụ trách, tôi đang tập trung nắm bắt cái gì bà con đang thiếu để hỗ trợ giúp đỡ, làm thế nào đó cùng nắm tay với bà con vượt khó vươn lên...”.

Cán bộ tăng cường “3 trong 1”

Trong cuộc gặp mặt các “bô lão” vùng biên giới đầu năm, có một “cánh quân” gọn mà tinh, vừa đóng vai trò là nhịp cầu nối quân - dân - chính - Đảng, vừa trực tiếp “lăn lộn” ở địa bàn, đảm nhận rất nhiều công việc, đó là đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường xã (CBTC).

Hiện ở 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai có 7 CBTC, trong đó có 6 người đang đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và 50 đồng chí CBTC “cấp thôn”, được triển khai theo tinh thần Quyết định 345-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Quy định tạm thời về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn, làng biên giới”. Mới đây, thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP về phân công đảng viên đồn Biên phòng giúp đỡ các gia đình ở khu vực biên giới, những người lính mang quân hàm xanh sắp được tăng “dày” hơn, có điều kiện bám sát cơ sở để chia sẻ, giúp đỡ nhân dân địa phương.

Chỉ một ngày trải nghiệm địa bàn cùng Trung tá Vũ Văn Hoằng, CBTC xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, song tôi vẫn không thể đếm hết các đầu công việc mà người cán bộ “3 trong 1” này đã làm. Từ khảo sát, thống kê các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo để chuẩn bị giúp đỡ dịp Tết Nguyên đán, kiểm tra việc thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến thăm hỏi, đánh giá thực trạng đời sống 10 gia đình ở làng Mook Trang có hoàn cảnh khó khăn mà anh vừa được Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phân công phụ trách...

Nữ già làng Ksor H’Blâm, ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông chia sẻ với chúng tôi: “Sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo tỉnh và chỉ huy BĐBP tỉnh là nguồn động viên cho các già làng, trưởng thôn nói riêng, đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn nói chung tiếp tục nỗ lực vượt khó, chung tay xây dựng quê hương biên giới ngày càng ổn định và phát triển. Năm 2019, chắc chắn xã Ia Mơ sẽ có những bước phát triển mới nhờ vào nguồn nội lực dồi dào, đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ của BĐBP trong xây dựng nông thôn mới...”.  

Công việc nối tiếp công việc, vậy mà khi mặt trời chưa kịp “xuống núi”, người CBTC này phải vội vàng trở về Đội công tác địa bàn để họp Chi bộ thôn Mook Trang vào buổi tối. Lửa nhiệt huyết dường như luôn bùng cháy trong trái tim, nhịp thở của người lính Biên phòng, nên với Vũ Văn Hoằng, ngày nào chưa được xuống dân là thấy thiêu thiếu như thể mình vẫn chưa làm được việc gì cả.

Tôi chợt nghĩ, nếu tất cả những cán bộ cơ sở đều vận động như Vũ Văn Hoằng thì chắc chắn sẽ có một khối lượng công việc rất lớn được giải quyết trong ngày và hiệu quả sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của già làng, trưởng thôn và những CBTC “3 trong 1” như Vũ Văn Hoằng, chắc chắn niềm vui lại đến với các chủ nhân vùng biên giới.

Cẩm Xuyên

Bình luận

ZALO