Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Cuộc “giải cứu” người nhập cảnh trái phép không thể nào quên

Biên phòng - Từ nguồn tin báo, cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác số 8, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, BĐBP Cao Bằng dừng việc chuẩn bị bữa cơm tất niên, nhanh chóng cơ động và ngăn chặn được 14 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc trở về. Các công dân này cho biết, còn một người phụ nữ khác bị nạn, trượt chân rơi xuống vách đá trên dãy núi đá vôi chênh vênh. Ngay lập tức, các phương án tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn khẩn trương triển khai.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn dìu nạn nhân xuống núi. Ảnh: Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn cung cấp

Câu chuyện trên được Trung tá Vũ Văn Giảng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn kể lại cho chúng tôi nghe trong những ngày đầu năm mới. Theo đó, vào sáng ngày 29-1, khi cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 8, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đang chuẩn bị bữa cơm tất niên thì nhận được nguồn tin có nhóm người nhập cảnh trái phép. Thượng úy Nguyễn Văn Hưng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, Tổ trưởng tổ công tác cùng đồng đội khẩn trương, cơ động thực hiện nhiệm vụ. Chỉ một thời gian ngắn sau, nhóm 14 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc trở về đã bị tạm giữ theo quy định. Qua lấy lời khai, các công dân nhập cảnh trái phép cho biết, vẫn còn một người phụ nữ tên Dương, quê ở Hải Phòng, bị trượt chân rơi xuống vách đá, đang mắc kẹt đâu đó trên núi.

Sau khi xác minh thêm thông tin, Thượng úy Hưng báo cáo chỉ huy đơn vị xin ý kiến chỉ đạo. “Khi nhận được điện thoại của đồng chí Hưng, tôi đang trên đường kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ ở các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị nên đã chỉ đạo anh em Tổ công tác số 8 vận động người dân trên địa bàn hỗ trợ, khẩn trương tìm kiếm bằng được người bị nạn và nhanh chóng cơ động về đơn vị tổ chức lực lượng đến hiện trường chi viện” - Trung tá Vũ Văn Giảng cho biết.

Sau khi nhận chỉ đạo từ đồng chí Đồn trưởng, Thượng úy Hưng dẫn theo cán bộ, chiến sĩ khác trong tổ, cùng một số người dân mang đèn pin, dây thừng, bánh ngọt, nước, sữa, ngược theo núi đá vôi tìm người bị nạn. Khi tổ công tác đầu tiên xuất phát khoảng nửa giờ đồng hồ, Trung tá Giảng dẫn theo 1 tổ công tác gồm quân y, cán bộ, chiến sĩ và người dân trong vùng giỏi đi rừng lên đường tiếp ứng.

Hai tổ tìm kiếm không thể xác định vị trí cụ thể nơi người phụ nữ gặp nạn, chỉ có thể phán đoán dựa trên mô tả của nhóm người nhập cảnh trái phép, rồi lần theo dấu chân họ đi ngược lại. Nhưng ở đoạn biên giới do đơn vị quản lý, địa hình chủ yếu núi đá vôi xen lẫn đồi núi thấp, nhiều vách đá thẳng đứng, ngăn trở cuộc cứu nạn. Khi gặp vỉa đá cao chừng 20m, tổ công tác do Thượng úy Hưng phụ trách đành chia nhỏ bánh ngọt, sữa, nước nhét vào túi áo, quần quân phục để leo lên.

“Trong điều kiện mưa, nhiệt độ xuống thấp, chúng tôi hiểu rằng, nếu không được phát hiện kịp thời, nạn nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, anh em đều động viên nhau, quyết tâm vượt qua thử thách của thiên nhiên, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm” - Thượng úy Hưng chia sẻ.

Sau gần 3 giờ đồng hồ mò mẫm trong rừng với nhiều lần leo lên, tụt xuống vách núi đá vôi, kết hợp kêu gọi, tổ công tác của Thượng úy Hưng đã tiếp cận được vị trí người phụ nữ bị nạn. Nạn nhân bị mắc kẹt tại một vách đá cheo leo, cổ chân sưng vù, quần áo ướt sũng, làn da tím tái, gần như ngất lịm. Rất may ở đây vẫn có sóng điện thoại liên lạc. Sau đó, tổ công tác do Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã có mặt để chi viện. Chị Dương dần hồi phục sau nửa giờ đồng hồ được cán bộ quân y sơ cứu, chườm nước nóng, tiếp nước, bánh ngọt.

Những dốc đá thẳng đứng lại một lần nữa thử thách lòng người trên đường trở về. Những người dân cầm rựa đi trước phát cỏ, chằng dây, bộ đội thay nhau cõng, dìu nạn nhân, chậm rãi từng bước xuống núi. Trên đường đi xuống, nạn nhân hai lần bất tỉnh vì kiệt sức. Rất may sau đó, với sự chi viện kịp thời của hai tổ dân quân xã Lý Vạn, người bị nạn đã được đưa xuống chân núi sau hơn 4 giờ đồng hồ cắt rừng, với chỉ khoảng 3km đường. Ai nấy ngồi bệt xuống vệ đường, thở không ra hơi, đôi chân trắng bợt trong đôi giày vải bố đã ướt sũng.

Chị Dương sau đó được đưa đi chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng và sức khỏe dần ổn định. Những ngày đầu năm mới, từ khu cách ly, chị Dương chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại: “Tôi như được cán bộ Biên phòng sinh ra lần thứ 2, ân nghĩa này tôi không bao giờ quên được”. Qua câu chuyện, được biết, người phụ nữ này vượt biên sang Trung Quốc hồi tháng 9-2021 theo lời hứa hẹn của người em họ, rồi xin làm kiểm hàng cho một công ty đồ chơi. Nhưng do nhớ người thân, chị đã chi khoảng 18 triệu đồng cho một nhóm môi giới để tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Do không quen đường rừng núi, chị trượt xuống vách đá, bị trật khớp chân và tụt lại phía sau đoàn người. Chỉ đến khi nghe tiếng người gọi dồn dập và xưng là cán bộ BĐBP đang tìm người, chị Dương mới dám lên tiếng hồi đáp, tin là mình còn sống. Qua điện thoại, người phụ nữ cũng nói rằng, chờ hoàn thành cách ly sẽ trở về Hải Phòng với gia đình và không bao giờ tham gia xuất, nhập cảnh trái phép nữa. Chị cũng khuyên mọi người không nên nghe theo lời rủ rê xuất, nhập cảnh trái phép vì vi phạm pháp luật và có khi phải trả giá bằng cả tính mạng.

Nói về quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Vũ Văn Giảng chia sẻ: “Người nhập cảnh trái phép qua địa bàn đơn vị quản lý phần lớn là lao động tự do. Do không quen địa hình biên giới, một số người gặp tai nạn, thậm chí, có thai phụ chuyển dạ, anh em phải cõng, cáng đi cấp cứu. Biết rằng họ vi phạm pháp luật và sẽ phải xử lý, nhưng trong hoàn cảnh đó, trước hết, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho bà con trước đã”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO