Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 07:58 GMT+7

Cuộc giải cứu nghẹt thở 500 người dân nơi rốn lũ (bài 2)

Biên phòng - Phá Hạc Khải rộng hàng ngàn héc ta, nằm giáp 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chiều ngày 18-10, đầm phá này hiện ra trước mũi ca nô của Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình giống như một biển nước mênh mông.

Bài 1: Ca nô vào "vùng tử thần"

Bài 2: “Không có BĐBP thì chúng tôi đã chết”

“Không có BĐBP thì chúng tôi đã chết; BĐBP là ân nhân của cả gia đình tôi; BĐBP đã cứu tôi và cả đứa con trong bụng…”- đi vào các thôn Vinh Quang, Ngô Xá, Lại Xá, Ngô Bắc, Mỹ Hòa của xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, phóng viên báo Biên phòng nhận được lời cảm ơn chân thành của những người dân đối với BĐBP như vậy.

Tiếng ca nô Biên phòng

Ngôi nhà của bà Dương Thị Doát nằm ở đầu thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy lọt thỏm giữa cánh đồng đang ngập nước dẫn về phá Hạc Khải rộng hàng ngàn héc ta. Trong chiều ngày 18-10, cả gia đình bà gồm 6 người rơi vào cảnh tuyệt vọng. Bà Doát chỉ xuống cột nhà và cho biết: “Chừ vẫn thấy sợ, cả nhà leo lên sát mái nhà, nhưng căn nhà nó đung đưa, không biết bao giờ thì sập, còn nước thì cứ dâng lên cao nữa”.

Ngôi nhà của bà Doát nằm ở vị trí mà địa phương xem như điểm chết, có nghĩa là không có thuyền bè nào dám tiến ra để cứu người. Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, đúng là lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất thì có BĐBP tới cứu. Trong cơn mưa như trút và gió thổi ầm ầm, ca nô của Đồn biên phòng Ngư Thủy đi vòng phía sau nhà bà Doát, sau đó, tiến vào phía trước cửa để tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

Hình ảnh video của một phóng viên quay lại cho thấy, những người trong ngôi nhà của bà Doát tuyệt vọng đến tận cùng. Bởi vì ngôi nhà của bà và người con gái là chị Trần Thị Thắng nằm tách biệt hẳn khỏi khu dân cư. Dãy tre trồng quanh nhà của bà để chắn lũ cũng tan tành và dính đầy cỏ rác. Khi những cánh tay đầu tiên của anh em Biên phòng thò đến chiếc giường được gắn trên nửa cột nhà, lập tức nhiều bàn tay giơ ra bám chặt.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Đồn Biên phòng Ngư Thủy vào rốn lũ giải cứu người dân. Ảnh: Văn Chương

2 ngày sau khi lũ rút, chúng tôi quay trở lại ngôi nhà này và chứng kiến cảnh tượng bi thương. Nền nhà bị thụt xuống một mảng rộng, 2 người chui lọt. Cột nhà ẩm ướt nước mưa và trở nên yếu ớt trước tường nhà ẩm ướt. Trên chiếc giường treo lơ lửng giữa 4 cột nhà vẫn còn vài túi đựng thức ăn khô, chăn, chiếu. Cảm giác về cơn lũ kinh hoàng còn ám ảnh, khiến bà Doát vẫn chưa dám tháo chiếc giường để hạ xuống đất.

“Không có BĐBP thì chúng tôi, cả 6 người đều chết, chết cả 2 nhà chứ làm sao mà sống cho nổi, vì nước ngập tới nóc, mà nóc nhà hồi nớ không có chỗ mà chui lên” – Bà Doát nắm tay Đại úy Võ Văn Trọng, cán bộ Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình và nói với giọng xúc động.

Cứu người trên ngọn cây

Trong số hình ảnh video tư liệu mà đội tìm kiếm cứu nạn của Đồn Biên phòng Ngư Thủy còn lưu giữ, hình ảnh kỳ lạ nhất, đó là một người phụ nữ được đưa xuống ca nô từ một ngọn cây ở sát hiên nhà. Ngôi nhà này khá cao ráo, vị trí tránh bão là 2 cánh cửa được kèo chặt trên 4 cây cột cách mặt đất 2 mét. Vậy nhưng tại sao người phụ nữ này lại rơi vào thảm cảnh kỳ lạ như vậy? Tôi quyết định tìm đến hiện trường vào ngày nước rút để nghe lại câu chuyện.

Người phụ nữ trèo lên ngọn cây là chị Trần Thị Thắng, 31 tuổi, ở thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy. Ngôi nhà của chị nằm khá biệt lập ở cạnh cánh đồng nước mênh mông. Ngày thường, đây là vị trí đắc địa để những người nông dân có thể mưu sinh bằng nghề sông nước. Tuy nhiên, trong cơn đại hồng thủy vừa qua, căn nhà nằm cạnh biển nước này lập tức bị sóng đánh sập tường từ tối hôm trước. Sóng tiếp tục ùa vào đánh sập cửa, hất tung nhà dưới, làm sập nhà bếp. Chị Thắng và chồng sử dụng thanh sắt phi 10 để chèn cửa, nhưng sóng lớn cao trên 1 mét ập vào phá vỡ cửa, bẻ cong cả thanh sắt to, kéo toàn bộ đồ đạc ra ngoài sông.

Chị Thắng khóc hết nước mắt và kêu gào, gọi điện thoại cầu cứu nhưng nhà chị ở vị trí còn nguy hiểm hơn cả vị trí nhà của gia đình bà Doát và rất khó tiếp cận. Nếu ca nô tiến vào sẽ mắc giữa bụi tre, hoặc vướng vào tường rào lật úp và người đi cứu nạn có thể bị đe dọa về tính mạng. “May mắn là lúc đó có BĐBP tới cứu” - Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy nhớ lại.

Chiếc ca nô công suất 85CV đi vòng phía trước ngôi nhà. Ngồi trên ca nô, những cán bộ tham gia cứu nạn không thể tin vào mắt mình, vì sao lại có một người phụ nữ đang đu trên cây sanh có ngọn nhô lên cao hơn mái nhà chưa tới 0,5 mét. Khi ca nô tiến vào gần thì mọi người phát hiện đó là một cặp vợ chồng trẻ. Ngọn cây oằn xuống sắp gãy và trên khuôn mặt người phụ nữ hiện ra nỗi kinh hoàng. Nước sông dâng cao trên 3 mét và đã ngập tới mái nhà, có lúc gió tạo sóng khiến nước ùa lên cao tới 4 mét.

Ca nô phải đi vòng mới áp sát được vào ngọn cây, Đại úy Võ Văn Trọng ra mũi ca nô, nhoài người ôm chị và kéo thật mạnh lên ca nô, tiếp đó là người chồng. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, nhưng ai cũng nín thở vì tình huống quá nguy hiểm. “Em cảm ơn BĐBP, nếu không có các anh thì cả 2 vợ chồng đều bỏ mạng” – chị Thắng rơi nước mắt nói lời cảm tạ khi gặp lại những ân nhân đã cứu mạng.

Cứu người bị tai nạn

5 giờ 30 phút ngày 19-10, ca nô tiếp tục tiến theo sông Kiến Giang và tất cả anh em đều sụt sùi, tay chân cóng lạnh, da tay bạc phếch vì suốt ngày ngâm nước sông. Ngày thứ 2 vào rốn lũ, ca nô tiến về hướng thôn Bình Minh, xã Dương Thủy, nằm ở phía Đông Nam của huyện Lệ Thủy. Ca nô vừa đi, vừa thăm dò, vì ngày hôm nay anh em mở một hướng mới, không thể biết trước cột điện, dây rớ kéo cá nằm ở hướng nào. Mới sáng sớm, anh em cũng tiếp tục thốt lên “ra biển hay đi trong sông!”. Bởi trước mũi ca nô là biển nước, sóng gió đùng đùng, những ngôi nhà thấp thoáng như chiếc lá trong mưa dày đặc.

Nhiều cụ già được cán bộ Đồn Biên phòng Ngư Thủy cứu nạn kịp thời và đưa đến trạm y tế địa phương. Ảnh: Tư liệu

Ca nô tiến vào một khu nhà có tiếng kêu cứu thảm thiết, tiếng rên rỉ nói về chuyện “không biết sống hay chết”. Một người thanh niên đu cửa, thò khuôn mặt ra khỏi khe hở trên mái nhà. Sau đó, nhiều cánh tay giơ lên vẫy. Ca nô cập vào gần và những người sống trong ngôi nhà đầu thôn Bình Minh cho biết, trong nhà có người già bị tai biến, cần đưa khẩn cấp lên trạm y tế. Đây là chuyến cứu người bị bệnh hết sức hy hữu. Chiếc ca nô nhanh chóng rời xóm lụt để lao về phía trụ sở UBND xã Dương Thủy, sau đó phải quay trở lại lập tức vì vẫn còn bệnh nhân.

2 chuyến vận chuyển liên tiếp của ca nô là một cụ già bị gãy chân, một cụ già bị gãy tay trong lúc trèo lên mái nhà để tránh lụt. Khi đưa các bệnh nhân lên ca nô, ai cũng run cầm cập, da tái mét, người lả đi vì kiệt sức. Anh em đi cứu nạn tới giờ này vẫn chưa biết rõ họ tên những bệnh nhân mà họ đã chở đi cấp cứu. Vì vào giờ phút đó, điện thoại trên tay Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy liên tục reo lên, thông báo về những điểm ngập sâu nhất, những người đang kêu cứu vì nước đã tới nóc nhà và hết chỗ để leo.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Trong đợt đỉnh lũ vừa qua, địa phương đã huy động hết các lực lượng chủ lực, từ Quân sự, Công an và BĐBP tham gia cứu hộ, cứu nạn vừa kịp thời, vừa hiệu quả và góp phần giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng. Có thể nói, những địa bàn nguy hiểm nhất mà bà con không thể tiếp cận để cứu giúp nhau thì những người lính quân hàm xanh có mặt và giải cứu thành công. Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn ghi nhớ sự đóng góp và hết lòng vì nhân dân của BĐBP”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO