Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 04:22 GMT+7

Cuộc gặp gỡ với nghệ nhân ưu tú Kêêr Tiic

Biên phòng - Là nghệ nhân, ông Kêêr Tiic (thôn Knooh, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Càng tìm hiểu, chúng tôi lại càng thán phục, trầm trồ trước di sản tạo hình của nghệ nhân Cơ Tu tài hoa này.

Nhà gươl của làng Knooh trong ngày lễ hội mừng lúa mới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Làng gốm trên non cao

Với nhiều người, có một làng gốm đất nung trên đại ngàn Trường Sơn là điều kì lạ và càng gây tò mò hơn khi nó lại là của đồng bào Cơ Tu. Tuy những lò gốm không còn đỏ lửa, nhưng mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bên mái nhà gươl, ông Kêêr Tiic đã kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết về sự ra đời của nghề gốm của thôn mình.

Từ nhỏ, những đứa trẻ ở Knooh đã được ông bà, bố mẹ kể lại rằng, nhiều năm trước, có cô gái Chăm bị lưu lạc lên vùng này được dân làng cưu mang, nuôi nấng. Sau lớn lên, cô truyền dạy nghề làm đồ gốm cho người dân trong làng, trở thành bà tổ nghề gốm của làng nghề giữa đại ngàn. Lại có chuyện kể, hơn 200 năm trước, một người phụ nữ gốc huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vì lý do gì đó lưu lạc lên Knooh.

Trong một lần tình cờ, bà phát hiện ra gần làng có mỏ đất sét đỏ nên bắt đầu mày mò tự làm các vật dụng bằng gốm. Từ nồi chảo, đĩa chén, bà đều làm được. Gốm của bà vuốt tay, dùng vỏ hoa chuối và một thanh tre tạo hình, sau đó nung bằng gỗ thông. Dần dần, bà dạy lại cho dân làng Knooh. Thứ gốm ở Knooh dày cứng và bền nên rất đắt. Cứ 5 cái ché to sẽ đổi được 1 con heo lớn. Biết tin, người dân từ khắp vùng tới đổi hàng hóa, nhờ đó mà người dân giàu lên trông thấy. Một ngày nọ, già làng từ Chăm Pa Sắc (Lào) sang xin “đổi” người phụ nữ lấy 30 con bò. Người phụ nữ đồng ý qua Lào sinh sống.

Ông Kêêr Tiic và người chị ruột là Tờ Bêl năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi kể với chúng tôi, nghề gốm của Knooh mai một rồi. Trước đây, nhờ có mẹ dạy nên 2 chị em biết làm gốm, nhưng những đứa con của 2 người đều không theo nghề vì làm vất vả lắm và mỏ đất sét thì không được tự do khai thác nữa. Ban đầu, do không hiểu tiếng nhau, ông Kêêr Tiic cứ nghĩ chúng tôi tới mua ché nên liên tục xua tay nói “hết rồi”“.

Khi biết khách chỉ đến hỏi thăm, ông vào bếp hì hụi lục tìm ra một cái ché lớn, nói là của mẹ để lại. Thực tế, gốm Knooh không đẹp, nhưng lại gây hứng thú với nhiều người, bởi không ai có thể nghĩ, người Cơ Tu ở giữa đại ngàn biết làm gốm. Bởi vậy, người ta đã hỏi mua để làm kỉ niệm, sưu tầm, cũng từ đó, gốm Knooh gần như không còn.

Và bàn tay tài hoa

2 chị em ông Kêêr Tiic là số ít thợ gốm cuối cùng còn sống và người Knooh không còn làm gốm, nhưng câu chuyện không vì thế mà bớt phần hấp dẫn. Ông Kêêr Tiic vốn nổi tiếng là người vẽ nhà gươl đẹp nhất ở vùng A Xan. Và càng tìm hiểu, chúng tôi lại càng thán phục, trầm trồ trước di sản tạo hình của nghệ nhân tài hoa này.

chị em nghệ nhân Kêêr Tiic và chiếc ché của người mẹ để lại (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Trúc Hà

Thời điểm rừng pơ mu tại đỉnh núi Zi’liêng (thuộc địa bàn các xã A Xan và Tr’hy, huyện Tây Giang) được công nhận là Cây di sản Việt Nam, UBND huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng những căn nhà truyền thống ở vùng lõi rừng pơ mu làm nơi lưu trú cho những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và cho du khách đến tham quan du lịch. Nhiều người vô cùng thích thú trước ngôi nhà gươl ở điểm dừng chân bởi sự độc đáo và đầy sự tinh hoa của văn hóa Cơ Tu. Điều đặc biệt, đây chính là món quà do bà con thôn Knooh hiến tặng, trong đó, nghệ nhân Kêêr Tiic là người chủ công vẽ, điêu khắc, tạo hình.

Những năm trước, ông Kêêr Tiic nhiều lần được mời đi nhiều nơi tham gia tạc tượng, vẽ tranh, thiết kế, xây dựng nhà làng, nhà mồ. Ông đã thiết kế và vẽ, tạc tượng trang trí cho ngôi nhà gươl và nhà mồ thuộc khu du lịch nổi tiếng làng Nguyệt Biều (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, huyện Tây Giang. Điều mà nghệ nhân Kêêr Tiic cảm thấy tâm đắc nhất là đã góp sức cất nên được nhà gươl cho chính bản làng mình. Ngôi nhà làng truyền thống ở thôn Knooh tuy không to lớn, đồ sộ, nhưng nó thực sự là công trình kiến trúc điêu khắc, hội họa có giá trị. Mỗi chi tiết kiến trúc của ngôi nhà như chân cột, xà ngang, tấm ván thưng, cửa ra vào... đều được nghệ nhân gửi gắm vào đây nhiều bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, rất sống động.

Nhìn căn nhà, ai cũng có thể cảm nhận được mọi chi tiết của ngôi nhà gươl đều được chăm chút và hầu như mọi mặt đời sống của người Cơ Tu đều được tái hiện một cách sống động bằng những hình vẽ đơn sơ, khối điêu khắc thô mộc nhưng giàu tính biểu cảm. Đó là những hoa văn hình tròn, hình thoi, hình tam giác, hình bán nguyệt xen kẽ nhau.

Ông Kêêr Tiic bảo, hình tam giác tạo thành biểu tượng lá atút; hình tròn tượng trưng cho chuỗi hạt crôl; hình thoi biểu trưng cho chuỗi hạt mã não - những loại trang sức quý giá nhất, thể hiện sự giàu có, sang trọng theo quan niệm truyền thống của người Cơ Tu. Hình ảnh chim tring - loài chim thiêng xuất hiện nhiều trong mô típ nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu.

Nhà gươl làng Knooh cũng bố trí dày đặc các bức tranh điêu khắc như đôi trăn, kỳ đà đối đầu vào nhau hay phù điêu tái hiện cảnh đi săn, vui chơi, sinh hoạt hàng ngày... Những bức phù điêu trông tựa bức tranh sơn dầu với gam màu trầm lắng cùng nét chạm khắc đơn sơ, mộc mạc, nhưng không kém phần bay bổng, nhẹ nhàng mang tính cách điệu - một thủ pháp nghệ thuật thường thấy ở các tộc người miền núi.

Những câu chuyện của nghệ nhân Kêêr Tiic càng làm Knooh đẹp và bí ẩn như nàng sơn nữ giữa đại ngàn.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO