Biên phòng - Ngay khi đợt bùng phát dịch Covid-19 của năm 2021 có dấu hiệu giảm căng thẳng, các địa phương bước vào cuộc đua phục hồi kinh tế. Trong nhóm các tỉnh, thành phố du lịch phát triển và cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào du lịch thì cuộc đua này trở nên cấp thiết và gắt gao hơn bao giờ hết.

Ngày 19-9, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh quyết định mở lại các cơ sở hoạt động thể thao, bãi tắm công cộng và đặc biệt là cho phép tổ chức các hoạt động vui tết Tết Trung thu trong điều kiện thực hiện 5K để phòng, chống dịch. Đáng nói là thời gian qua, hệ thống du lịch – dịch vụ dành cho khách du lịch nội tỉnh vẫn hoạt động bình thường.
Sau nhiều năm nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giờ đây, Quảng Ninh nghiêng hẳn cán cân kinh tế sang lĩnh vực nhiều tiềm năng lợi thế cạnh tranh là du lịch – dịch vụ. Du lịch cũng dần chiếm ưu thế và tiêu điểm trong tổ hợp công nghiệp khai khoáng, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu đường bộ. Với các đợt dịch đầu của năm 2020, Quảng Ninh thiệt hại nặng nề do cơn bão tâm dịch tràn qua. Thấm thía mất mát đó, việc chống dịch chỉ căng chứ không giảm, các quyết sách tính toán theo từng ngày và mục tiêu là để ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch – dịch vụ giảm thiểu thiệt hại, đối với ngay trước mắt và cả lâu dài.
Dự đoán, trong tương lai gần, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là địa phương bùng nổ về du lịch biển. Do đây là thị trường du lịch chủ yếu phục vụ du khách nội địa từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thời gian qua, đời sống người dân trầm lặng vì tình hình dịch bệnh nên việc giải tỏa và tìm đến các địa điểm du lịch quen thuộc, gần gũi như biển Vũng Tàu là nhu cầu thiết yếu.
Đáp lại xu hướng này, Bà Rịa – Vũng Tàu chuẩn bị phương án đón lượng khách du lịch lớn. Phải là vùng xanh an toàn với dịch bệnh, phổ cập tiêm chủng vaccine hiệu quả và mở biển trở lại – đó là tiêu chí của biển Vũng Tàu. Cần kíp hơn đối với Vũng Tàu là hoạt động nghề cá, các cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng sẵn sàng lên phương án hoạt động trở lại.
Không chỉ Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nha Trang (Khánh Hòa)... lên phương án tái phục hồi đời sống du lịch, các địa phương khác cũng rục rịch khảo sát tình hình thực tế, dự tính các phương án để hoạt động du lịch tái hồi. Tuy nhiên, đối với những địa phương thiệt hại nặng nề, làm phá sản nhiều doanh nghiệp yếu sức, thất thoát đội ngũ lao động chuyên ngành và cơ sở vật chất hư hại thì việc phục hồi là vô phương. Các doanh nghiệp còn lại chút ít nguồn lực thì phập phồng trong nhiều dự tính. Chưa kể điều kiện bình thường mới sẽ rất khắt khe, phức tạp, thói quen tiêu dùng của xã hội đã thay đổi làm phá sản các bài toán kinh doanh đã cũ. Thích ứng với điều kiện bình thường mới cần các mô hình kinh doanh mới.
Ngày 19-9, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh cũng mở cửa đón khách du lịch sau nhiều ngày vật lộn chống dịch. Đây là huyện ven biển ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 50km về phía cuối hệ thống sông Đồng Nai. Cần Giờ sở hữu Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, bãi biển, căn cứ cách mạng Rừng Sác... Doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhiều kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh là Saigontourist đảm nhiệm tổ chức gói du lịch đầu tiên vào ngày 19-9 theo phương thức “bong bóng khép kín”. Đây cũng là sự kiện thử nghiệm mang tính khảo sát để có thể nhân bản mô hình, tạo điều kiện cho Cần Giờ mở cửa, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Sở dĩ gọi là “bong bóng khép kín” vì khách du lịch tham gia vào hành trình chỉ có thể hoạt động gọn ghẽ trong vòng điểm đi và điểm đến trong kế hoạch, hoạt động tách biệt trong vùng xanh, chỉ giao tiếp với các nhân sự được chuẩn bị trước, có kiến thức chống dịch. Thật ý nghĩa là doanh nghiệp du lịch Saigontourist đã tổ chức thành công chuyến đi thử nghiệm này khi đưa 100 khách là những y, bác sĩ đã tham gia chống dịch trong thời gian qua đến Cần Giờ.
Đoàn khách đặc biệt này được đưa đón từ thành phố Hồ Chí Minh tới tham quan các điểm đến ngoài trời ở Cần Giờ, chiêm ngưỡng “lá phổi xanh” của thành phố, cảnh quan khu dự trữ sinh quyển ngập mặn, thăm di tích cách mạng Rừng Sác, khu sinh thái Vàm Sát, thưởng thức đặc sản miền sông nước và trở về thành phố an toàn. Gói du lịch “phá băng” này mang lại một sự khích lệ lớn lao cho những địa phương đang phải vừa chống dịch, vừa lên phương án tái phục hồi kinh tế. Bởi vì rõ ràng trong tâm dịch, vẫn có thể di chuyển an toàn, miễn là có kiểm soát và tuân thủ phòng dịch.
Tuy nhiên, việc đóng băng thời gian lâu dài đã làm đời sống du lịch giảm sức hút đáng kể. Theo thống kê về chi tiêu kỳ nghỉ của người dân các quốc gia đã trải qua khủng hoảng dịch tễ gần đây, các hãng truyền thông trên thế giới đều đưa ra các con số khá ảm đạm. Không chỉ thói quen về dịch chuyển đã khác mà tư duy về du lịch, giải trí và cuộc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống cũng đã thay đổi đối với những con người đã trải qua những tác động tiêu cực một thời gian dài.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành, khu du lịch, cơ sở lưu trú của Việt Nam, khả năng dự báo phục hồi du lịch vẫn còn mờ mịt, chưa nói đến có thể đạt đỉnh cao như trước đây. Mặt khác, việc chuẩn bị nhân sự và tư duy đáp ứng với tình hình mới cần có ngay từ bây giờ. Kế hoạch tái lập “vùng xanh” an toàn vì sức khỏe cộng đồng phải từ trong trí não ra thực tế. Mấu chốt nằm ở việc chớp thời cơ, cơ hội và chuẩn bị kỹ càng cho thời điểm để không rơi vào nguy cơ đuối sức, kiệt quệ hoàn toàn khi đời sống bình thường trở lại sau đại dịch. Một sự bình thường mới, vẫn còn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe con người và vẫn phải hoạt động sinh lợi, nhân lên nhiều lần giá trị bù lại những thất thoát suốt gần 2 năm qua.
Thúy Hằng