Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 01:06 GMT+7

Cuộc đua đổi chóng (bài 2)

Biên phòng - Làng chài Cửa Đại Cổ Lũy ở tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.000 tàu cá làm nghề giã cào. Làng chài “lên đỉnh” từ năm 2015 thì đến năm 2017 bắt đầu liêu xiêu trong bão nợ vì các nguyên nhân: Đánh bắt tận diệt, tàu giã cào lấn át ngư trường... Câu chuyện về làng chài ở Cửa Đại Cổ Lũy sẽ giúp các địa phương rút kinh nghiệm, chú trọng vào việc phát triển nghề biển bền vững.

Bài 1: Liêu xiêu vì tàu to

Bài 2: Máy ve chai

Từ giữa năm 2017, ngư dân làng chài Cửa Đại Cổ Lũy, Quảng Ngãi liêu xiêu trong nợ nần, vì ngư trường cạn kiệt. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân tặc lưỡi đánh liều lắp máy thủy của Trung Quốc, với phương châm chạy cấp tốc khoảng 3 năm, đủ tiền hoàn vốn rồi cho nằm bờ, bán ve chai cũng được. Nào ngờ, “sai một li đi một dặm”, đến giờ này, nhiều ngư dân hụt hơi và điên đầu vì… trót dại.

piw2_11a
Cỗ máy Weichai, seri X6170ZC550-4, mỗi ngày tiêu tốn 12 lít nhớt. Ảnh: V.C

Ham rẻ

Ngư trường chính của làng chài cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy là khu vực vịnh Bắc Bộ. Từ năm 2014, ngư dân địa phương bắt đầu vào “cuộc đua” nâng cấp tàu thuyền. Ngư dân Võ Quốc Vương là người tiên phong lắp máy thủy Trung Quốc, sau đó, nhiều ngư dân vì ham rẻ đã mua máy này về chạy.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, có khoảng 300 chiếc máy Trung Quốc đã được ngư dân lắp vào tàu. Máy Trung Quốc khá rẻ, chỉ khoảng 600 - 700 triệu đồng. Ngư dân tính toán sử dụng máy theo kiểu “mì ăn liền” - máy Trung Quốc xài chóng vánh 3 năm, đưa lên bờ bán ve chai và mua tiếp máy mới. Còn máy Mitsubishi, Yanmar của Nhật Bản có thể chạy bền bỉ 20 năm, nhưng máy nguyên thùng có giá 1,9 tỷ đồng, máy Mitsubishi 820 mã lực đã qua sử dụng nhập về Việt Nam có giá 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng. 

Những ngư dân đầu tiên chạy thử máy Trung Quốc đã truyền miệng hiệu quả của máy chạy như trâu mộng. Máy Weichai 6170 của Trung Quốc có số vòng quay 1.000 - 1.500 vòng/phút. Đối với nghề giã cào, tàu phải kéo giàn lưới cào sát đáy biển nên máy phải vận hành hết công suất. Theo ngư dân, tàu kéo lưới chạy càng nhanh thì bắt được càng nhiều cá.

Máy què

Anh Sâm (tên nhân vật đã thay đổi), một thợ máy kỳ cựu tại Cửa Đại Cổ Lũy cho biết, máy thủy Trung Quốc mà ngư dân đang sử dụng, chủ yếu là loại mang nhãn hiệu Duchai, Weichai. Từ ngày ngư dân lắp máy Trung Quốc thì công việc của thợ máy lại nhiều hơn vì máy Trung Quốc nhanh hư hỏng, xuống hầm tàu thấy máy Trung Quốc thì nhận ra ngay vì cỗ máy như trâu lăn dưới bùn, nhớt xịt trên lốc, đế máy hoen rỉ, trong khi máy Nhật Bản thì nước sơn bóng loáng, máy khô ráo.

Người thợ máy này thống kê những hư hỏng tai hại nhất của máy tàu Trung Quốc, trước tiên là hư kim bơm. Mỗi máy thủy có 6-8 chiếc kim bơm. Khi hư bộ phận này thì ngư dân không thể tự sửa chữa được, tàu phải thả trôi, nhờ tàu đi cùng kéo vào bờ sửa chữa. Nghề giã cào có đặc điểm là đi thành cặp, vì vậy, nếu hư hỏng máy thì có tàu đi bên cạnh ứng cứu ngay, nhưng thiệt hại của chuyến đi là không ít.

Anh Sâm cho biết, có thể so sánh chất lượng máy Trung Quốc với máy thủy Mitsubishi, Yanmar của Nhật Bản bằng mắt thường. Đó là quan sát  lòng xi lanh của máy Nhật Bản có ánh bạch kim nhiều màu. Riêng lòng xi lanh của các loại máy Trung Quốc thì không có ánh kim tinh xảo như vậy. Lốc máy của Nhật Bản thì sau 4 năm hoạt động trong môi trường nước mặn mới bắt đầu có dấu hiệu rỉ nhẹ, còn máy của Trung Quốc thì chỉ 6 tháng. Nhìn chung là tiền nào của nấy, nhưng đối với nghề biển, máy tàu là trái tim, nếu tim ngừng đập thì bỏ mạng theo tàu.

Ngư dân Trần Chuyền và Trần Tèo ở xã Nghĩa An cho biết, không phải chỉ tàu giã cào mà nhiều tàu đánh lưới được đóng theo Nghị định 67 như tàu của 2 anh cũng lắp máy Trung Quốc, dù không hề mong muốn. Lý do là theo quy định, máy tàu đều phải mới 100%. Ngư dân phải lắp máy Trung Quốc, vì gói vay chỉ 2,5 tỷ đồng. Cả 2 thuyền trưởng này cay đắng nhận xét: “Nếu Nhà nước có cơ chế mở thì lấy 700 triệu này sắm máy cũ của Nhật Bản đã qua sử dụng chất lượng vẫn tốt hơn”.

Hiện nay, có nhiều đường dây tín dụng đen cho người xuống đòi nợ ở làng chài. Một số ngư dân đã đóng cửa, đưa cả gia đình lánh đi nơi khác, cắt số điện thoại. Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú cho biết, do làm ăn khó khăn, không có bạn chài, nên có tàu phải đưa cả ngư dân 70-80 tuổi xuống đi biển.

Điêu đứng

Câu chuyện về lắp máy tàu Trung Quốc, “trâu mộng” thành “bò què” được phóng viên Báo Biên phòng theo dõi suốt 4 năm qua, nhằm tìm ra những câu chuyện, minh chứng cụ thể về việc được – mất khi ngư dân lắp máy thủy Trung Quốc. Tàu cá QNg 90594 TS của ngư dân Bùi Đức Thanh ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong nhiều con tàu đã gặp khó khăn, chủ tàu trở thành người ốm o như khung xương vì lắp máy thủy Trung Quốc.

Con tàu QNg 90594 TS được đóng theo Nghị định 67 và làm nghề câu mực khơi. Trái tim con tàu là cỗ máy Weichai. Tàu thường chở ngư dân đi đánh bắt ở tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi phiên biển kéo dài gần 3 tháng. Do đặc điểm đánh bắt như vậy, máy tàu trở thành yếu tố sống còn. Nhưng sau một thời gian sử dụng, ông chủ tàu 67 này than thở “ron xì nhớt, mỗi phiên biển tiêu tốn 30 thùng nhớt (gần 40 triệu), sắp tới bung hết ra thay tiếp pít tông, xi lanh. Nó hại mình quá!”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO