Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai:

Cuộc đối thoại tốt đẹp và mang tính xây dựng

Biên phòng - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 27-28/2/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. Mặc dù cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không ra được tuyên bố chung, tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp vào chiều 28-2, Tổng thống Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đã không thể đi đến một thỏa thuận nào do những bất đồng về vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, nhưng họ đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp và mang tính xây dựng.

trump-kim
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại buổi gặp gỡ báo chí trước khi bước vào hội đàm chính thức. Ảnh: AFP

Tổng thống Trump: “Muốn dỡ bỏ các cấm vận với Triều Tiên trong tương lai”

Cuộc đối thoại giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra tại khách sạn Sofitel Legend Metropole với hy vọng đạt được tiến triển trong cải thiện mối quan hệ và trong vấn đề chính là phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp ở Hà Nội. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã kết thúc hội đàm sớm hơn kế hoạch và không ra được tuyên bố chung.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, mặc dù hai nhà lãnh đạo đã có những phát biểu rất tích cực trước đó, nhưng chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Ông Trump thừa nhận, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để ký thỏa thuận giữa hai bên. Theo ông Trump, Triều Tiên muốn được gỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi tháo dỡ cơ sở hạt nhân, song Mỹ không đồng ý. Ông Trump cho biết thêm, ông rất muốn dỡ bỏ các cấm vận với Triều Tiên trong tương lai vì ông tin rằng đất nước này có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều cách thức khác nhau để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa và phát triển kinh tế. "Không có thỏa thuận nào đạt được lần này nhưng hai bên tiếp tục mong đợi các cuộc gặp trong tương lai", bà Sanders nói trong một thông cáo.

Về phía Triều Tiên, trong cuộc họp báo diễn ra sáng sớm ngày 1-3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, nước này đã đề nghị dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông khẳng định, Bình Nhưỡng muốn 5 nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc được dỡ bỏ, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt liên quan đến đời sống của người dân Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Triều Tiên, Bình Nhưỡng mong muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ; đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường ngay cả khi Mỹ mong muốn thúc đẩy đối thoại. Ông cũng tiết lộ, Mỹ mong muốn Triều Tiên có “thêm một bước đi” ngoài việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Dấu ấn Việt Nam

Đối với Việt Nam, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu trong năm 2019, thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ nhà, qua đó thể hiện một đất nước Việt Nam tươi đẹp, yêu hòa bình, mến khách, thân thiện và là điểm đến an toàn.

Trên chuyên cơ trở về Mỹ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này. 

Trả lời các phóng viên trong nước và quốc tế, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong các cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ cung cấp địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai. Đây là một đánh giá rất khách quan, thể hiện sự tôn trọng với nước chủ nhà. Phía Mỹ đánh giá cao nhất là việc trong một thời gian rất ngắn (chưa tới 10 ngày), Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo tất cả các mặt bao gồm cả việc di chuyển đón các lãnh đạo cấp cao, bảo đảm an ninh, an toàn ở nhiều phương án khác nhau, cho đến bảo đảm việc tác nghiệp cho số lượng phóng viên đông nhất từ trước đến nay (gần 3.000 phóng viên quốc tế từ 218 hãng thông tấn, báo chí, truyền thông từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Về an ninh, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị ở Trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng và an ninh Mỹ, Triều Tiên để đảm bảo an toàn trên các tuyến đường đi qua và các điểm lưu trú. Các đoàn tiền trạm an ninh của Mỹ, Triều Tiên đều đánh giá tốt và cảm ơn Việt Nam đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất.

Bộ Y tế có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chỉ định một số bệnh viện trực cấp cứu 24/24 giờ, ngoài ra còn có các cơ sở y tế tại các địa điểm thuộc trung tâm hội nghị quốc tế.

Trung tâm báo chí có khu làm việc riêng để các cơ quan báo chí, hãng truyền thông sử dụng. Các phòng chức năng được thiết lập để đảm bảo tuyệt đối công tác hậu cần, an ninh, y tế…

img-2579
Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế. Ảnh: Bảo Hà

Chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày, Việt Nam đã triển khai chu đáo tất các công tác chuẩn bị cho hội nghị, chứng tỏ sự chuyên nghiệp trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019 được tổ chức chiều 1-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội là cơ hội tuyệt vời đối với Việt Nam trên nhiều phương diện, thể hiện sự tin cậy chính trị rất lớn của lãnh đạo các nước, trong đó có Mỹ và Triều Tiên.

“Có thể khẳng định, với vai trò chủ nhà, chúng ta đã đạt nhiều kết quả lớn sau hội nghị này. Đó là sự chuẩn bị chu đáo, trọng thị, trách niệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, người dân thể hiện lòng mến khách, đã làm tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, ngày càng phát huy vai trò hòa giải, dẫn dắt các mối quan hệ quốc tế và đang đóng góp tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới. Công tác tổ chức được cả Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”- Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bảo Hà (tổng hợp)

Bình luận

ZALO