Biên phòng - Nếu như trước đây, phần lớn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam là do các băng nhóm mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bộ, thì hiện nay, tội phạm buôn bán ma túy bằng nhiều con đường khác nhau từ biên giới đất liền, đường biển và cả đường hàng không. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy đang gia tăng một cách chóng mặt cả về số lượng, vụ việc, với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn...
Bài 1: Đánh mạnh vào các đường dây ma túy xuyên quốc gia
Bài 2: Điểm “nóng” về trung chuyển ma túy ở phía Nam
Bài 3: Máu đổ trong “cuộc chiến” cam go
Những khoản lợi nhuận kếch xù, sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến không ít đối tượng chấp nhận đánh cược với mạng sống khi đâm đầu vào con đường buôn bán, vận chuyển “cái chết trắng”… Chúng không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả việc xả súng vào lực lượng thực thi pháp luật để “mở đường máu”. Trên trận tuyến cực kỳ cam go đó, máu của các chiến sĩ Biên phòng quả cảm đã đổ để giữ lấy sự bình yên cho biên giới.

Máu đổ giữa thời bình
Ngày 3-6-2019, Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Thanh Hóa hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào. Trước đó, Thiếu tá Vi Văn Nhất được tăng cường lên Đồn Biên phòng Bát Mọt để phối hợp thực hiện các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ triệt phá các đường dây tội phạm vận chuyển ma túy. Ngày 3-6, Đồn Biên phòng Bát Mọt nhận được tin có đối tượng đang vận chuyển ma túy qua khu vực biên giới. Khi đội công tác đến gần khu vực mốc 358 thì phát hiện một đối tượng mang theo một túi vải đi từ mốc 358 vào biên giới có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Lực lượng đánh án phát lệnh đề nghị dừng lại để kiểm tra thì bất ngờ đồng bọn của chúng ẩn nấp từ xa đã dùng súng quân dụng bắn xối xả vào đội hình ta. Luồng đạn đó đã khiến 3 cán bộ Biên phòng bị thương. Do vết thương quá nặng, Thiếu tá Vi Văn Nhất đã không thể qua khỏi.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, nhưng máu và nước mắt của người lính Biên phòng trên các tuyến biên giới và các lực lượng chức năng khác vẫn đổ xuống trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy. Theo báo cáo, trong 15 năm trở lại đây, riêng lực lượng BĐBP đã có 5 cán bộ hy sinh, 7 cán bộ bị thương trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy.
Năm 2001, Thượng úy Phạm Xuân Phong, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Ta Đo, Đồn Biên phòng Mường Típ, BĐBP Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu với bọn tội phạm ma túy. Người cán bộ Biên phòng trẻ tuổi, mẫu mực đó đã được Đảng, Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 6-2018, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với BĐBP Nghệ An mật phục, bắt đối tượng Vừ Bá Xênh cùng đồng bọn vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Trong quá trình vây bắt, bọn tội phạm đã dùng súng bắn vào lực lượng làm nhiệm vụ để mở đường thoát cho đồng bọn. Vụ việc khiến Trung úy Nguyễn Đình Tài, trinh sát Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Nghệ An, bị trúng đạn xuyên lưng. Ngoài ra, Thiếu tá Trần Mạnh Hùng, trinh sát Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cũng bị trúng một phát đạn vào vai.
Ngày 29-3-2019, phát biểu tại buổi lễ khen thưởng chiến công đặc biệt xuất sắc của Ban Chuyên án 218LP trong đấu tranh triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá: “Đối với tội phạm ma túy xuyên quốc gia, nếu một quốc gia riêng rẽ không thể đấu tranh nổi, sự hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với nhiều nước trong khu vực đồng loạt tấn công loại tội phạm này và tiếp tục phối hợp, từng vụ việc cụ thể để giải quyết. Việc đấu tranh các chuyên án cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống ma túy. Các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan đã bóc gỡ nhiều đường dây, bắt đúng đối tượng, bắt tận gốc, mở rộng phạm vi và đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các lực lượng”.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đánh giá: Các đối tượng sử dụng công nghệ thông tin rất hiện đại, mọi hoạt động đều khép kín từ khâu giao dịch đến vận chuyển. Tinh vi hơn, chúng lợi dụng chính sách hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh để cất giấu ma túy trong các phương tiện hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Chúng coi Việt Nam là địa bàn trung chuyển để vận chuyển ma túy đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Xây dựng thế trận lòng dân
Cuộc đấu tranh đẩy lùi hoạt động của tội phạm ma túy cần có một thế trận vững chắc, đặc biệt là trên các tuyến biên giới. Bên cạnh đội ngũ chủ công, nòng cốt là BĐBP, Công an, còn phải có sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của nhiều lực lượng, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp.
Là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, BĐBP đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Cùng với đó, BĐBP luôn chú trọng đến công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ma túy và triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh với các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy trên các tuyến biên giới.
Cùng với đó, BĐBP đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật và tác hại của ma túy đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa để tạo sự đồng thuận tham gia của người dân trong công tác phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy. Song song với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là vai trò của Đoàn thanh niên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, các hoạt động vì cộng đồng.
Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, không chỉ nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng BĐBP, Công an, mà còn phải tạo được thế trận toàn dân rộng khắp. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư kinh phí thỏa đáng, trang bị, phương tiện hiện đại cho lực lượng chuyên trách nhằm nâng cao trình độ, kỹ thuật, chiến thuật, bố trí, sắp xếp đúng, đủ biên chế đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, nhất là nơi tuyến đầu biên giới, địa bàn trọng điểm.
Lê Đồng - Đăng Bảy