Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

“Cuộc chiến kép” trên đường biên Tổ quốc (bài 4)

Biên phòng -  “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, với tinh thần ấy, lực lượng BĐBP luôn có mặt kịp thời để cứu giúp trong thiên tai, dù hiểm nguy luôn cận kề. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn càng khó khăn gấp bội, nhưng không vì thế mà những chiến sĩ mang quân hàm xanh lùi bước. Ngược lại, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai các công tác ứng phó nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước thiên tai khắc nghiệt.

Bài 4: Phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Cứu dân không ngại hiểm nguy

Một cán bộ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế từng nói với tôi rằng, lúc dân cầu cứu, cần sự giúp đỡ của BĐBP, thường là những lúc sóng to, gió lớn, hiểm nguy cận kề, nhưng là người lính, dù nguy hiểm, gian khổ đến đâu, các anh cũng chỉ có một ý chí là tiến về phía trước. Anh bảo rằng, chưa khi nào cảm thấy phải cân nhắc hay đắn đo khi đi cứu dân.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, tháng 10-2020. Ảnh: Viết Lam

Quả thực, những người lính Biên phòng trên rừng, dưới biển chưa khi nào ngần ngại khi dân cần. Mới đây, ngày 12-9, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế là những người đầu tiên có mặt, cứu 5 người dân thoát khỏi cơn lũ dữ. “Như thường lệ, khi trời có mưa gió lớn, chúng tôi đều cử cán bộ, chiến sĩ đi kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm trên địa bàn để giải quyết kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Hôm đó, tổ tuần tra phát hiện có 5 người dân đi làm rẫy bị mắc kẹt trên một bãi cạn giữa sông A Sáp. Nước lũ về quá nhanh, dâng cao khiến họ không thể quay lại bờ bên kia, cũng không vượt sông về bờ bên này được. Khi anh em điện báo về đơn vị, tôi lập tức chỉ huy 10 cán bộ, chiến sĩ mang theo phao tròn, dây buộc và các trang bị cần thiết khác đi ứng cứu dân” - Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt kể lại. Sau hơn một giờ dầm mưa, vật lộn với dòng nước lũ đang cuồn cuộn đổ về, với tinh thần khẩn trương, không quản ngại hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã đưa người dân vào bờ an toàn.

Những ngày này, mưa lũ dồn dập đổ xuống miền Trung và Tây Nguyên, BĐBP luôn là những người có mặt đầu tiên cứu giúp dân. Ngày 17-10-2021, sau nhiều ngày mưa to, nước ở đầu nguồn sông Đakrông, thuộc địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đổ về dữ dội, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thiếu tá Mai Quốc Trung, chốt trưởng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 đóng tại khu vực biên giới thôn Kê 1, xã Hồng Thủy thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cùng 5 đồng chí khác lập tức xuống địa bàn giúp dân dân ứng phó mưa lũ. Điểm đến đầu tiên là bản Trù Pỉ, nơi sinh sống của đồng bào Pa Cô. Bản Trù Pỉ vốn nằm bên dòng sông Đakrông, dưới chân núi dốc, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao mỗi khi mưa to kéo dài. Vì vậy, tổ công tác đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ 50 hộ dân/144 nhân khẩu di chuyển đến các trường học để tránh trú.

Dưới cơn mưa tầm tã, các cán bộ, chiến sĩ không quản đường núi trơn trượt bế từng trẻ nhỏ, cõng người già khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thiếu tá Mai Quốc Trung cho biết: “Cùng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ tại chốt còn có nhiệm vụ giúp dân ứng phó với thiên tai, lũ lụt. Ngay từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát những khu vực có nguy cơ, lên phương án rất cụ thể nên triển khai vào thực tế rất thuận lợi”.

“Khi thiên tai xảy ra, BĐBP luôn chủ động và là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường, triển khai hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả một cách hiệu quả trong những điều kiện vô cùng gian khổ, nguy hiểm” – ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Không chỉ ở Thừa Thiên Huế, mà trên khắp khu vực biên giới tuyến đất liền, tuyến biển, đảo, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn là lực lượng chủ lực và có mặt sớm nhất để cứu giúp dân trong bão gió, sóng dữ, giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất. Còn nhớ, trong đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung cuối năm 2020, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ đã thức trắng nhiều đêm liền, ngược dòng lũ cứu vớt, tiếp tế lương thực, di chuyển người dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn. Những người lính cũng không quản ngại hiểm nguy vượt sóng dữ tìm kiếm, cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển.

Cũng chính những người lính Biên phòng nhường doanh trại, đón người dân về đơn vị, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho bà con khi bốn bề núi lở. Khi cơn hoạn nạn qua đi, người ta lại thấy những người lính quân hàm xanh tỏa xuống các khu dân cư giúp đỡ người dân thu dọn nhà cửa, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Có thể thấy rõ, với những người lính Biên phòng, việc giúp đỡ người dân không chỉ là trách nhiệm, mà còn xuất phát từ trái tim, từ tình quân dân gắn kết bền chặt. Xuất phát từ tình cảm đó, những người lính Biên phòng đã dấn thân vào hiểm nguy, bão tố để cứu dân mà không so đo, tính toán thiệt hơn.

Xây dựng phương án sát thực với tình hình địa bàn

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố trên các tuyến biên giới đã triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân biên giới.

Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ điều này, từ đầu năm 2021, các đơn vị BĐBP đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó trong tình huống xảy ra khủng hoảng “kép” thiên tai và dịch bệnh, với phương châm “4 tại chỗ”.

Theo đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã yêu cầu các đơn vị rà soát lại hệ thống doanh trại, vị trí đóng quân, nghiên cứu, đánh giá cụ thể từng vị trí về địa hình, địa chất, những yếu tố tác động có thể dẫn đến sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét để nhanh chóng di dời đến nơi an toàn; sẵn sàng di chuyển các tổ, chốt trên biên giới khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, điều chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo an toàn phòng dịch.

Huấn luyện viên và chó nghiệp vụ BĐBP tham gia tìm kiếm người mất tích ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 11-2020. Ảnh: Viết Lam

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, từ cơ quan Bộ chỉ huy các tỉnh, thành đến các đồn Biên phòng đều xây dựng kế hoạch, phương án triển khai nhiệm vụ trong các điều kiện dịch bệnh diễn biến khác nhau. Đặc biệt, các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ kỹ năng bơi cứu người, phương pháp cấp cứu người bị nạn, sử dụng các phương tiện cứu nạn như ca nô, tàu thuyền; phao cứu sinh, phương pháp di chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ...

Đồng thời, chú trọng kiểm tra khả năng hoạt động, vận hành trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh quân số các đồn Biên phòng, cơ quan Bộ Chỉ huy các tỉnh, thành phố đã lập các đội cơ động cùng phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống cấp bách.

Những ngày đầu tháng 10, ngay khi có dự báo cơn bão số 7 và số 8 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, cơ quan Bộ Chỉ huy và các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Hà Tĩnh đã duy trì 100% quân số thường trực thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Gần như năm nào địa bàn biên giới, bờ biển của tỉnh Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ nghiêm trọng. Từ đó, chúng tôi đã làm tốt công tác chuẩn bị, xây dựng các kế hoạch, tình huống cụ thể chuyển trạng thái vào thực tế, hỗ trợ giúp giảm nhẹ thiệt hại cho nhân dân. Năm nay, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác chuẩn bị đòi hỏi phải kỹ lưỡng, chi tiết hơn. Để từ đó, vừa triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Bài 5: Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân

Nhóm Phóng viên

Bình luận

ZALO