Biên phòng - Bám sát diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhiều lần điều động cán bộ ở tuyến sau chi viện cho các “điểm nóng” nhằm đảm bảo giữ vững “thành trì” chống dịch ở cửa ngõ biên giới. Những người lính tăng cường đã xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhanh chóng hòa nhập đơn vị mới, vượt qua gian khổ, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bài 2: “Chia lửa” cùng tuyến đầu chống dịch
Tiếp viện cho “điểm nóng”
Khi dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc, nhiều người Việt Nam đã nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới về nước để tránh dịch. Nguy cơ mầm bệnh theo người xuất nhập cảnh (XNC) trái phép lây lan vào nước ta rất cao. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc đó là khóa chặt biên giới, ngăn chặn người XNC trái phép.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lập tức chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố biên giới đưa quân ra sát đường biên, lập các tổ, chốt kiểm soát 24/24 giờ. Những người lính Biên phòng nhanh chóng “chiếm lĩnh trận địa”, trở thành lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. “Chia lửa” cùng BĐBP là lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, Công an xã, 4 sắc áo cùng nhau “nằm gai nếm mật”, lập nên phòng tuyến vững chắc bảo vệ biên giới, ngăn chặn người XNC trái phép, phòng, chống dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 và thực tế biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP linh hoạt điều chỉnh kế hoạch, phương án bảo vệ biên giới, kiểm soát XNC, điều động nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tăng cường binh lực cho các địa bàn trọng điểm. Đối phó với đợt dịch đầu tiên, tháng 3-2020, Bộ Tư lệnh BĐBP điều động các học viên năm cuối của Học viện Biên phòng tăng cường cho BĐBP các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai - những “điểm nóng” về XNC trái phép lúc đó. Những chàng lính trẻ tràn đầy “nhựa sống” và nhiệt huyết, háo hức “xếp bút nghiên” tạm rời giảng đường lên biên giới chống dịch.
Đợt dịch thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4 bùng phát, “cuộc chiến” với dịch Covid-19 ngày càng khốc liệt, căng thẳng. Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào “căng như dây đàn” bởi áp lực người XNC trái phép, hoạt động của tội phạm gia tăng... Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP các tỉnh tuyến biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia tăng dày chốt kiểm soát, đồng thời, tiếp tục điều động học viên Học viện Biên phòng và CBCS các đơn vị BĐBP tuyến biển cùng tàu thuyền, chó nghiệp vụ chi viện cho địa bàn trọng điểm phía Tây Nam và phía Bắc. Hàng ngàn người lính hừng hực khí thế với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Họ nỗ lực khắc phục gian khổ, nhanh chóng tiếp cận địa bàn, công việc ở đơn vị mới, tham gia trực Tết Nguyên đán ngay trên biên giới để giữ vững “tuyến đầu”.
Tiến thẳng vào tâm dịch
“Khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường” là tâm sự của Đại úy Diệp Sơn Đông, cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Đài, BĐBP Phú Yên khi được tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang. Đại úy Đông đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 11 trên Cồn Bắc Nam nằm giữa nhánh sông Hậu. Địa hình, khí hậu An Giang rất khác biệt so với vùng biển, cao điểm mùa mưa, đi tuần tra phải lội sình, khi nước lớn phải đi bằng vỏ lãi, điều kiện ăn ở bất tiện, muỗi nhiều như trấu rất khó chịu. Vì nhiệm vụ, không ai được ngủ tròn giấc... Nỗi vất vả đó không làm khó Đại úy Đông, ngược lại, anh thích ứng với môi trường, địa bàn mới và bắt nhịp với công việc rất nhanh.

Ngày 22-7-2021, cha của Đại úy Đông qua đời. “Nhận được tin, tôi bàng hoàng và rất đau đớn” - Đại úy Đông chia sẻ. Là con trưởng, em trai lại đang mắc kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh, họ hàng thân thiết đều ở xa, anh rất muốn được về nhà để lo hậu sự cho cha. Thế nhưng, giữa việc nhà và việc nước, anh đã nén đau thương, ở lại cùng đồng đội ngày đêm vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch. “Nhiệm vụ phòng, chống dịch đang rất khẩn trương nên tôi quyết định ở lại chốt, bái vọng cha từ biên cương. Đám tang cha, tôi nhờ bà con xóm giềng chung tay giúp đỡ” - Đại úy Đông chia sẻ.
Ngoài Đại úy Đông, Thiếu tá Trần Hải Dương (BĐBP Khánh Hòa), Trung úy Lê Văn Nguyên (BĐBP Thanh Hóa) và nhiều người lính khác không thể về chịu tang cha, mẹ. Đó là những hy sinh, mất mát khó bù đắp được, nhưng họ đã cố gắng vượt qua, bằng tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, của người lính Bộ đội Cụ Hồ để toàn tâm chống dịch, vì bình yên của đất nước và cuộc sống an toàn của người dân.
Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng nhất, Đại úy Nhữ Công Trường, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang viết đơn xung phong vào phía Nam. Tới thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch nóng bỏng nhất, Đại úy Trường được điều động thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 của quận 7. Nhiệm vụ hằng ngày của anh là tới buồng bệnh, khám, cấp thuốc, đo độ bão hòa oxy trong máu cho bệnh nhân F0. Điều trị cho bệnh nhân F0 đồng nghĩa với việc phải đối diện trực tiếp với nguy hiểm, nguy cơ lây bệnh rất cao. Đại úy Trường tâm sự: “Thực sự, tôi có bỡ ngỡ và lo lắng nhưng sự chia sẻ, giúp đỡ của các đồng nghiệp ở đây giúp tôi vượt qua cảm giác đó rất nhanh. Tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ đồng nghiệp, nhất là cách giữ vững tâm lý trước mọi tình huống. Trải qua đợt dịch này, tôi cảm thấy mình vững vàng hơn rất nhiều”.
Trên các tuyến biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai 1.978 tổ, chốt trực 24/24 giờ, với sự tham gia của 13.561 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng khác, kiểm soát chặt chẽ địa bàn biên giới, biển, đảo để phòng, chống dịch Covid-19 và XNC trái phép.
Những ngày thực hiện nhiệm vụ ở tâm dịch, người lính vùng biên cương cực Bắc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. “Hạnh phúc nhất là khi bệnh nhân khỏi bệnh. Nhìn vẻ mặt phấn khởi của họ, tôi thấy vui lây” - Đại úy Trường chia sẻ. Khi được hỏi: “Anh có chút đắn đo nào không khi quyết định vào tâm dịch”, anh không ngần ngại đáp: “Ai cũng biết dịch bệnh ở phía Nam hết sức căng thẳng, rất nhiều người dân cần được chăm sóc y tế. Tôi nghĩ mình là người lính, có sức khỏe, có chuyên môn thì nên đi. Tôi coi đây là cơ hội để cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc”.
Lời nói ruột gan của Đại úy Trường cũng là tâm tình chung của 109 quân y thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường cho các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người lính quân y khi lên đường đều mang theo mình ý chí quyết tâm khắc phục gian khổ để chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và nhân dân. Những cái bắt tay ấm nóng, ánh mắt gửi gắm niềm tin của 2 vị chỉ huy cao nhất lực lượng BĐBP - Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP và Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP trong buổi lễ xuất quân như tiếp thêm nghị lực cho họ trong “cuộc chiến không tiếng súng” nhưng rất gian lao này.
Bài 3: Giữ vững “trận địa” trên tuyến đầu phòng, chống tội phạm
Nhóm Phóng viên