Biên phòng - Đêm. Trên đường mòn biên giới trập trùng thuộc mốc 1225, thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tôi cùng đội công tác của BĐBP Lạng Sơn thực hiện chuyến tuần tra. Trên đường hành quân, các anh kể cho tôi nghe về những vụ án mua bán người và giải cứu nạn nhân trên đường biên giới. Từ năm 2015 đến nay, BĐBP Lạng Sơn liên tục tiếp nhận, điều tra, phá nhiều chuyên án, vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em, giải cứu nhiều nạn nhân trở về với gia đình. Trong đó, có cả những nạn nhân bị mua bán mới vài ngày tuổi…
Bài 1: Nhức nhối nạn buôn người
Theo nhận định của cơ quan chức năng, những năm qua, tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Và biên giới Lạng Sơn với nhiều đường mòn, lối mở là nguy cơ tiềm ẩn của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, cũng là địa bàn ghi dấu chiến công của BĐBP sau hành trình điều tra, phá án, đưa nạn nhân trở về bình yên bên gia đình.

Mua bán cả trẻ sơ sinh
Theo lời kể của Trung tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, vụ án bị cáo Nguyễn Thị Bích Liễu, sinh năm 1983 bị bắt ngày 8/8/2019 vì tội đưa trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán là một trong nhiều vụ án gây phẫn nộ đối với nhiều người vì hành vi táng tận lương tâm. Sau khi bị bắt, Liễu khai nhận đã mua bé trai mới được vài ngày tuổi của một phụ nữ ở Bà Rịa-Vũng Tàu với giá 30 triệu đồng rồi tiếp tục đưa bé ra Thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn để đưa sang biên giới bán. Nếu đưa bé trót lọt sang Trung Quốc, thị Liễu sẽ được trả tiền công 50 triệu đồng.
Điều đáng nói, khi bị BĐBP Lạng Sơn bắt giữ, cháu bé sơ sinh đang có biểu hiện sức khỏe yếu, khát sữa do không được chăm sóc cẩn thận. May mắn thay, cháu bé đã được cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lạng Sơn giải cứu và nhanh chóng đưa đến chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Dù bị bắt giữ, nhưng “mẹ mìn” Bích Liễu vẫn quanh co chối tội, không khai báo cụ thể đã mua cháu bé ở đâu, của đối tượng nào, khiến cho việc lập hồ sơ của lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn.
Cũng theo lời kể của các trinh sát, chỉ với số tiền công là 15 triệu đồng mà đối tượng Lò Thị Nguyệt, sinh năm 1998, trú tại tỉnh Sơn La đã nhẫn tâm xuất cảnh trái phép đưa một trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán và đã bị bắt ngày 4/8/2019. Khi các trinh sát của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lạng Sơn và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị phát hiện, bắt giữ Lò Thị Nguyệt thì thị đang ẵm trên tay bé trai mới sinh được 7 ngày tuổi. Sau khi bị bắt, Lò Thị Nguyệt đã khai nhận, thị nhận cháu bé từ tay mẹ đẻ cháu ở Hưng Yên mang lên Lạng Sơn để đưa qua biên giới cho gia đình người Trung Quốc nhận nuôi và sẽ được trả công số tiền 15 triệu đồng nếu trót lọt.
Với các trinh sát, vụ án ngày 24/9/2019 do tổ công tác của Đồn Biên phòng Bảo Lâm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (BĐBP Lạng Sơn) và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp điều tra là một vụ án không bao giờ quên. Khi đó, 2 đối tượng là Nguyễn Thị Xàng (sinh năm 1968, quê ở tỉnh Bạc Liêu) và Tăng Thị Ngọc Linh (sinh năm 1991, quê ở tỉnh Sóc Trăng) đang bế một bé trai gần 2 tháng tuổi tìm cách vượt biên trái phép sang Trung Quốc để giao cháu bé cho một đối tượng mà chúng đã liên lạc trước đó. Khi cơ quan chức năng lấy lời khai của 2 đối tượng, ai cũng bàng hoàng, phẫn nộ bởi một trong 2 “mẹ mìn” này (đối tượng Tăng Thị Ngọc Linh) lại chính là mẹ đẻ của bé sơ sinh gần 2 tháng tuổi.
Theo lời kể của cán bộ Biên phòng, khi bị tạm giữ, cháu bé có biểu hiện ốm yếu do phải di chuyển đường dài. BĐBP Lạng Sơn đã cử quân y chăm sóc hai mẹ con và hỗ trợ tiền mua sữa, bỉm cho cháu bé rồi mới bàn giao cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận nạn nhân. Điều đáng nói, mẹ của nạn nhân gần 2 tháng tuổi khi bị bắt vẫn không chút ăn năn, hối lỗi về hành vi của mình.
Tại cơ quan điều tra, Linh khai nhận, do hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi con nên sau khi sinh con được 1 tháng, Linh đã có ý định cho con làm con nuôi gia đình khác. Tuy nhiên, Linh được một đối tượng quen biết trên mạng xã hội môi giới mang con sang Trung Quốc bán sẽ nhận được 50 triệu đồng. Nghe vậy, Linh đã theo sự sắp xếp của đối tượng quen trên mạng liên hệ với Xàng để bế cháu bé vượt đường mòn để sang Trung Quốc bán. Khi đến khu vực biên giới thuộc thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn thì Linh và Xàng bị lực lượng chức năng của BĐBP phát hiện, bắt giữ.
Ngày 3/10/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Tăng Thị Ngọc Linh và Nguyễn Thị Xàng về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 18/3/2021, Chuyên án A321.2 do Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo Phòng Phòng chống mua bán người xác lập, phối hợp cùng BĐBP các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, bắt giữ hai đối tượng chính là Hoàng Văn Thành, sinh năm 1992, trú tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và Nguyễn Thị Thương, sinh năm 2002, trú tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, giải cứu cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi.
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng chính khai nhận mua cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi (tên là T.B.N) của Trần Thị T, sinh năm 1992, trú tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với giá 15 triệu đồng để đưa sang Trung Quốc bán. Nếu phi vụ này trót lọt, các đối tượng sẽ kiếm được từ 350 đến 400 triệu đồng. Chuyên án A321.2 được đánh giá là chuyên án phức tạp, rất khó khăn trong việc giám sát, bám nắm đối tượng bởi diễn tiến trong thời gian dài, đối tượng di chuyển liên tục, qua nhiều địa bàn các tỉnh biên giới, có sự câu kết trên địa bàn rộng, cả khu vực biên giới và ngoài biên giới...
Đi tìm nguyên nhân?
Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,74km, tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Khu vực biên giới gồm 20 xã, 1 thị trấn thuộc 5 huyện biên giới, các xã chủ yếu là vùng sâu, vùng xa. Trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân nơi đây còn hạn chế, nhận thức pháp luật chưa cao, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 1.284 phụ nữ cư trú ở khu vực biên giới; 5 phụ nữ là nạn nhân bị mua bán trở về đang sinh sống ở khu vực biên giới; có 70 cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage...
Thực tế trên là nguy cơ tiềm ẩn hoạt động mua bán người. Khu vực biên giới đối diện là 2 huyện Long Châu, Ninh Minh và thị trấn Bằng Tường thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Phía Trung Quốc đã xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối... Chính vì vậy, khu vực này là nơi tập trung nhiều dịch vụ nhạy cảm như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage, gội đầu thư giãn... Với đặc điểm tình hình trên, địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn được xác định là địa bàn hoạt động trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị của BĐBP Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ/9 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân bị mua bán; xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ 16 lần/28 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán trở về; chăm sóc và nuôi dưỡng 4 vụ/4 nạn nhân là trẻ sơ sinh từ 7 đến 30 ngày tuổi. BĐBP Lạng Sơn cũng phối hợp với lượng Công an tỉnh bắt giữ 2 vụ/2 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân; tiếp nhận và bàn giao 5 vụ/9 đối tượng; phối hợp tiếp nhận, giải cứu 22 lần/38 nạn nhân; phối hợp xử lý 2 vụ/4 phụ nữ đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc có dấu hiệu mua bán người.
Lợi dụng việc mất cân bằng giới tính của nước đối diện và những rào cản pháp lý giữa hai quốc gia, nên tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn trái pháp luật với người Trung Quốc vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thêm vào đó, vấn đề cho, nhận con nuôi, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép có thời điểm diễn biến phức tạp. Đây là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; lợi dụng số phụ nữ, trẻ em có trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm, thiếu hiểu biết, một số ham chơi, lười lao động... để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán vào cơ sở, tụ điểm mại dâm, ép lấy chồng Trung Quốc, bóc lột sức lao động, thậm chí lấy nội tạng.
Thiếu tá Phan Đức Thuận, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lạng Sơn, người đã trực tiếp xử lý vụ án mẹ ruột bán con đẻ chia sẻ: “Nguyên nhân chính của các vụ mua bán người tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn là đa số nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần. Một số trẻ em là học sinh, sinh viên là những người thích ăn chơi đua đòi, thích du lịch, mua sắm, hưởng thụ. Đây chính là nguyên nhân quan trọng mà tội phạm mua bán người nhắm đến nhằm lừa gạt, đưa nạn nhân vào “bẫy ngọt ngào” mà họ không hề hay biết”.
Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP khẳng định: “Tình hình tội phạm mua bán người qua biên giới tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung hiện vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt như lấy số điện thoại, zalo, facebook... liên lạc, rồi tìm cách dụ dỗ, lừa gạt hoặc lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình nạn nhân để lừa gạt bằng cách hứa sẽ kiếm việc làm có thu nhập cao hay lấy chồng giàu ở Trung Quốc...
Đặc biệt, còn có những nạn nhân nữ do “bần cùng” về điều kiện kinh tế đã bị dụ dỗ mang con sang biên giới bán, cho làm con nuôi để nhận một khoản tiền... Hiện, Phòng Phòng chống mua bán người đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên tuyến biên giới phía Bắc tập trung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm; đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người”...
Bài 2: Dấu chân thầm lặng của người lính Biên phòng trên đường biên
Hoàng Vân