Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 12:03 GMT+7

Cuộc chiến chống ma túy qua biên giới Quảng Trị

Biên phòng - Tình hình tội phạm ma túy ở trên địa bàn biên giới Quảng Trị đang có những diễn biến phức tạp mới. Công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Với vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền biên giới, an ninh trật tự tại địa bàn, BĐBP Quảng Trị đang triển khai nhiều biện pháp đấu tranh không khoan nhượng, quyết tâm ngăn chặn tội phạm ma túy ngay từ "cửa ngõ” đất nước.

Bài 1: “Sức nóng” từ hai bên biên giới

Tuyến biên giới chung giữa Quảng Trị và các tỉnh đối diện có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp đang tác động không nhỏ đến sự gia tăng tội phạm ma túy. Cùng với đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy ngày một tinh vi, liều lĩnh đang là thách thức không nhỏ cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

zfxum0yj61-6635_f_jo2owjv51_1
 Nhiều bản làng biên giới ở tỉnh Quảng Trị đang có tỉ lệ người nghiện ma túy tăng nhanh. Ảnh: Mạnh Hùng

Diễn biến mới từ bên kia biên giới

Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới đất liền dài trên 179,6 km tiết giáp với các tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Địa hình hai bên biên giới chú yếu rừng núi, sông suối hiểm trở, thuận lợi cho các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia hoạt động. Trên thực tế, từ trước đến nay tuyến biên giới Quảng Trị tiết giáp vói bạn luôn được xác định là địa bàn trọng điểm để các đường dây, tổ chức ma túy xuyên quốc gia vận chuyển “hàng” về nước ta tiêu thụ.

Đặc biệt, thời gian gần đây, qua công tác phối hợp, trao đổi tình hình giữa BĐBP Quảng Trị và lực lượng bảo vệ biên giới của hai tỉnh Savannakhet, Salavan cho thấy tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở khu vực biên giới của bạn đang có những diễn biến mới, phức tạp hơn, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự, cũng như công tác đấu tranh trên tuyến biên giới chung. Đó là tình trạng các đối tượng người Lào, người Việt Nam làm ăn, sinh sống và định cư tại Lào tìm mọi cách câu móc với các đối tượng ở nội biên nước ta để thiết lập nhiều đường dây đưa ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn.

Theo thông tin của lực lượng chức năng hai bên nắm được, loại ma túy chủ yếu vẫn là heroin, ma túy tổng hợp và cần sa được lấy từ khu Tam giác vàng, Viêng Chăn và các tỉnh Bắc Lào, sau đó đưa về các tỉnh miền Trung, Nam Lào và “tập kết” phía ngoại biên đối diện tỉnh Quảng Trị như Bản Phường, Huội San, Ka Túp, Ca Rôn, Đen Sa vẳn, Mã Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet và Salavan rồi tìm cách móc nối với các đối tượng người Việt Nam, chờ thời cơ thuận lợi thẩm lậu qua biên giới vào nội địa tiêu thụ.

Cũng qua khảo sát của lực lượng chức năng nước bạn trên địa bàn tỉnh Savannakhet và Salavan có nhiều bản nổi lên về đối tượng nghiện và các tụ điểm ma túy phức tạp như bản Đen Sa Vẳn có 6 tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, có 41 đối tượng nghiện, 58 đối tượng hình sự; bản Ka Túp có 3 tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, 26 đối tượng nghiện, 37 đối tượng hình sự; tại bản Mã Hạt có 3 tụ điểm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, có 20 đối tượng nghiện, 12 đối tượng hình sự... Điều đáng chú ý, một số đối tượng đang có dấu hiệu tham gia vào các đường dây, tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết, qua công tác phối hợp, trao đổi thông tin với với lực lượng chức năng nước bạn cho thấy, cùng với nguồn ma túy từ khu vực Tam giác vàng, Myanmar, Trung Quốc... gần đây, các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy đã bí mật vận chuyển trang thiết bị, máy móc về Lào để sản xuất ma túy. Điều đó làm tăng số lượng, hạ giá thành các loại ma túy tổng hợp, chính vì vậy mà nguồn cung ma túy vào địa bàn nước ta cũng tăng lên, gây không ít thách thức trong công tác đấu tranh.

Gia tăng tỉ lệ người nghiện ở nội biên

Trong khi tình hình tội phạm ma túy ở khu vực phía biên giới đối diện nước bạn có những diễn biến mới khiến cho công tác đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp phải không ít khó khăn. Ở địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy cũng có những điểm đáng lo ngại. Tỉ lệ người nghiện ma túy, tụ điểm ma túy có chiều hướng gia tăng, nổi lên ở địa bàn thị trấn Lao Bảo và các xã: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh (huyện Hướng Hóa) và một số địa bàn lân cận. Đáng báo động hơn, ma túy đã len lỏi xuất hiện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn. Đối tượng sử dụng ma túy ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi thanh, thiếu niên.

hniebk4t2w-6635_f_jo2owjvm2_2
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa bàn biên giới. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo điều tra của các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 9/10 huyện, thị xã, thành phố có tội phạm và tệ nạn ma túy, với trên 1.237 đối tượng nghiện và sử dụng ma túy. Riêng ở khu vực biên giới 21/30 xã, thị trấn có tội phạm và tệ nạn ma túy với trên 413 đối tượng nghiện và sử dụng ma túy. Đặc biệt tại một số địa phương như thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa tỉ lệ người nghiện ma túy gia tăng đáng báo động.

Nếu như trước năm 2000, địa bàn thị trấn Lao Bảo được coi là “điểm trắng” không có ma túy thì những năm gần đây số đối tượng nghiện hút tăng một cách nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Cụ thể năm năm 2005 đến 2010 địa bàn có 21 người nghiện, năm 2011 có 42 đối tượng nghiện... và đến tháng 2-2017 có tới 219 người nghiện, chiếm 2,59% dân số. Một địa phương khác của huyện Hướng Hóa là xã Tân Thành cũng có tỉ lệ người nghiện ma túy tăng nhanh, đến nay có khoảng 105 người, chiếm 2,67% dân số toàn xã.

Nói về vấn đề này, Trung tá Lê Phương Chiến, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Quảng Trị cho biết: “Tỉ lệ người nghiện ở địa bàn biên giới tỉnh tăng nhanh tạo áp lực lớn cho chúng tôi trong công tác đấu tranh ngăn chặn ma túy qua biên giới. Những người nghiện ma túy ở địa bàn biên giới thông thạo địa hình khi bị lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các tổ chức, đường dây tội phạm buôn bán vận chuyển ma túy thì sẽ trở nên khó lường hơn nhiều”.

Bài 2: Cuộc đấu tranh không khoan nhượng

Viết Lam

Bình luận

ZALO