Biên phòng - Ngay cả biện pháp hiệu quả nhất là phong tỏa và cách ly đang được các nước áp dụng cũng chỉ làm chậm hơn sự lây lan của dịch Covid-19. Với việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, mọi người dân và lãnh đạo trên thế giới đang mong chờ vào một loại vắc xin mới; bởi chỉ có vắc xin mới có thể ngăn chặn hoàn toàn chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Hiện, khoảng 35 công ty và tổ chức nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua để tìm ra vắc xin chống lại dịch Covid-19, ít nhất 4 trong số các công ty trên đã cho ra được vắc xin mới và đang thử nghiệm trên động vật. Bên cạnh đó, đầu tháng 4 tới, Công ty công nghệ sinh học Moderna (trụ sở tại Mỹ) sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin mới trên con người.
Một số công ty trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu được vắc xin mới là nhờ nỗ lực ban đầu của Trung Quốc trong việc giải trình thành công vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 vào tháng 1 năm nay. Nhờ đó, các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã có thể phát triển virus sống trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu cách virus xâm nhập vào tế bào con người.
Trước đây, virus Corona đã gây ra hai dịch bệnh lớn là Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) ở Trung Quốc vào năm 2002-2004 và Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) tại Saudi Arabia vào năm 2012. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vắc xin điều trị hai dịch bệnh trên đã được gác lại sau khi các ổ dịch hoàn toàn bị ngăn chặn. SARS-CoV-2 có tới 80 đến 90% vật liệu di truyền giống với virus trong dịch SARS. Cả hai chủng virus đều có một dải acid ribonucleic (RNA) bên trong nguyên tử protein dằm của virus. Khi các virus xâm nhập vào tế bào con người, chúng sẽ sinh sôi và gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Khác với các phương pháp nghiên cứu vắc xin truyền thống, các dự án nghiên cứu vắc xin chống Covid-19 đang sử dụng một số công nghệ mới. Theo đó, protein sẽ được trích xuất mã di truyền để tăng đột biến trên bề mặt của SARS-CoV-2 nhằm lấy được kháng thể chống lại virus. Một phương pháp mới khác là giải mã gen của virus SARS-CoV-2, từ đó điều chế vắc xin.
Bên cạnh việc gấp rút thử nghiệm vắc xin mới, một thách thức khác được lãnh đạo các nước nhìn nhận từ sớm, đó là vấn đề đảm bảo tiêm vắc xin cho tất cả người dân. Bởi đại dịch thường có xu hướng ảnh hưởng nhiều nhất tới những quốc gia nghèo có hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu thốn, vì vậy, sẽ xảy ra sự mất cân bằng nguồn cung và cầu của vắc xin giữa các nước. Ví dụ như trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, các quốc gia có khả năng chi trả sẽ nhận được những lô vắc xin đầu tiên. Nhưng có một số ngoại lệ, như tại Ấn Độ - nước sản xuất vắc xin chủ yếu cho các nước đang phát triển – đã quyết định sẽ sử dụng vắc xin để bảo vệ 1,3 tỷ dân nước này trước khi xuất khẩu sang các nước khác.
Trong khi dịch Covid-19 đang lan rộng ra toàn thế giới, WHO đã họp bàn với chính phủ các nước, các tổ chức từ thiện và các nhà sản xuất vắc xin cùng nhau thống nhất đưa ra chiến lược phân phối vắc xin toàn cầu một cách công bằng. Liên minh toàn cầu phi lợi nhuận về vắc xin Gavi đang thúc đẩy sáng kiến kêu gọi tài trợ để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo. Nhưng, theo nhiều chuyên gia y tế, không phải đại dịch nào cũng giống nhau và không phải quốc gia nào cũng ràng buộc bởi các đề xuất của WHO.
Một số nhà nghiên cứu nhận định, đại dịch Covid-19 có thể sẽ lên tới đỉnh dịch và giảm đi trước khi vắc xin mới ra đời. Tuy nhiên, vắc xin vẫn có thể cứu sống được nhiều người khỏi dịch bệnh, đặc biệt, nếu trong trường hợp virus Corona biến thành chủng cúm và bùng phát hàng năm. Đồng thời, các chuyên gia y tế cho biết, cách tốt nhất để các nước ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn là người dân cần có ý thức thực hiện vệ sinh cá nhân tốt và tự cách ly nếu có biểu hiện ho, sốt.
Thu Minh (tổng hợp)