Biên phòng - Cuối tuần qua, cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tập trung tìm các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng y tế với đại dịch Covid-19 và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cuộc họp không chính thức này là hoạt động quan trọng của Năm APEC 2021 với chủ đề “Ứng phó đại dịch Covid-19, đâu là cơ hội của châu Á - Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn”. Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng y tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững, bao trùm và an toàn.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp đều nhất trí 4 định hướng hành động của APEC trong thời gian tới. Trước hết là ủng hộ chia sẻ vắc xin giữa các nền kinh tế. Đồng thời, kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai. Tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó với biến đổi khí hậu,... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế.
Song hành với đó là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kỹ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vắc xin; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.
Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng nhất trí rằng, thế giới chỉ có thể vượt qua tình trạng y tế khẩn cấp hiện nay bằng cách tăng tốc tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 một cách công bằng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Đặc biệt là cam kết tăng năng lực sản xuất vắc xin và cung ứng, phân phối, khuyến khích chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vắc xin theo các điều khoản đã được các bên thống nhất.
Theo giới chuyên gia kinh tế quốc tế, cuộc họp này đã mang kết quả tích cực khi tái khẳng định sự chủ động, tích cực và năng lực thích ứng của các nền kinh tế APEC, thể hiện rất sâu sắc trong bối cảnh đối diện với “kẻ thù chung” là đại dịch toàn cầu Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua.
Hơn hết, APEC luôn được biết đến là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và kết quả từ cuộc họp vừa qua cho thấy, các thành viên APEC tiếp tục cam kết và nỗ lực duy trì thị trường mở, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời, cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, nhấn mạnh về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai. Chính vì vậy, năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sách lược của APEC. Dịch bệnh Covid-19 hoành hành ngày càng phức tạp đã tạo thêm nhiều thách thức cho APEC. Hơn lúc nào hết, APEC ngay lúc này tiếp tục cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức để cùng đối diện với những thách thức lớn.
Trong những cam kết hợp tác để vượt qua đại dịch Covid-19, việc quan trọng nhất trước mắt là phải bảo đảm tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 một cách công bằng, an toàn, hiệu quả. Các nền kinh tế thành viên APEC đã thể hiện rõ tinh thần “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng” - chủ đề chung của Năm APEC 2021. Đây cũng là nền tảng để khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của diễn đàn APEC trong bối cảnh toàn thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cùng những biến động khôn lường.
Thanh Trúc