Biên phòng - Mỗi chiếc tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi, chủ tàu phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng mua sắm phí tổn: Dầu, nước đá, lương thực... Khi tàu quay về cập cảng, có hàng chục tấn hải sản bán ra thì từ ông bán dầu đến bà bán rau ở chợ thường xuyên hỏi han, chăm sóc, có thái độ “cung phụng” tốt nhất đối với các ông chủ tàu. Họ là những người làm “dịch vụ hậu cần nghề cá”.
Bài 1: Chạy “theo đuôi con cá” để bán dầu
Bài 2: Chăm “mạch máu” biển khơi
Ra biển khơi rộng mênh mông, mạng người như “treo” đầu ngọn sóng. Cả đoàn người trên tàu và cuộc sống mưu sinh no, đói như thế nào đều trông chờ vào cái máy tàu. Máy được ví như “trái tim” của tàu đánh cá. Tàu cá giống như “mạch máu” biển khơi. Những ông chủ dày dạn kinh nghiệm luôn chăm máy như chăm con.
Ông Võ Văn Phúc, thuyền trưởng tàu đánh cá dài gần 30m, đang hướng dẫn các thuyền viên sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho tàu rời cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, hai ông thợ sửa chữa máy vẫn cứ chạy lên xuống hầm máy như con thoi. “Phải chăm sóc mấy cái máy cho thật kỹ, ra biển lỡ có mệnh hệ gì coi như họ bỏ chuyến biển, mất tổn (chi phí) mấy trăm triệu đồng, tội nghiệp họ. Rồi nguy cơ đến tính mạng con người nữa” - Tiến, thợ sửa máy nói to như át cả tiềng máy nổ.
Sợ nhất mấy “ông máy già”
Tôi theo Tiến xuống hầm máy xem mấy cái máy (1 máy chính 800 mã lực và 3 máy phát điện công suất lớn) đang nổ ầm ầm. Hoàng, thợ máy của tàu nói như hét: “Tiến, mày coi cái bơm dầu tốt chưa? Ra biển nó bị tắc, ông chủ “cạo đầu” tao đó. Hai cái máy phát điện mày cho tăng ga hết cỡ xem nó có lòi ra “bệnh” gì không, “xử” nó luôn. Đi ra ngoài biển, một mình tao ôm mấy cái máy không dễ đâu”. Cả Tiến và Hoàng cứ cầm đèn pin chiếu soi chỗ này, chỗ kia thăm khám tỉ mỉ từng chi tiết của mấy cái máy. Chưa yên tâm, thuyền trưởng Phúc chui đầu vào cửa hầm máy nói to: “Mấy cha kiểm tra giúp tui cái mô tơ phát điện đấu nối với máy nổ cho ngon lành. “Nồi cơm” đang nằm ở đó. Tháng trước chiếc tàu của ngư dân tỉnh Nghệ An đã ra đến Trường Sa rồi mà phải bỏ cả chuyến biển quay vào bờ, vì bị hỏng bộ phận điện”.
Những loại tàu đời mới đóng theo dự án Nghị định 67 buộc phải đặt máy mới 100%, hoặc những gia đình có tiềm lực tài chính tốt họ cũng sắm máy mới. Đối với các loại tàu này, ông thuyền trưởng biết nghề, thường xuyên chăm sóc dầu nhớt, bơm nước làm mát máy tốt, ra biển chạy yên tâm, gần như ít bị hư hỏng lặt vặt. Thành phố Nha Trang được mệnh danh là “bá đạo” dùng máy mới, nhưng chỉ chiếm 20%. Số còn lại đa số dùng loại máy cũ, với công suất máy 400 - 500 mã lực. Dân đi biển có mật hiệu “máy cũ quốc tế” là máy có nguồn gốc từ Nhật Bản “thải” ra từ tàu đánh cá, mấy tay lái buôn của Việt Nam sang mua về để thành từng bãi ở thành phố Hồ Chí Minh (gọi là “máy bãi”), dạng này coi như “hàng xịn” của dân biển. Từ “máy bãi” về độ chế bỏ xuống tàu chạy khoảng 5 - 15 năm thải ra, mấy ông thợ máy mua về tân trang lại thành “máy già”. “Tội nghiệp cho mấy anh vớ phải mấy cái “máy già” nó rệu rạo giống như ông cụ 70 tuổi, hỏng máy ngoài biển như cơm bữa. Mùa mưa bão tới thì tai nạn trên biển tăng cao. Vì sóng to, gió lớn, buộc thuyền trưởng phải tăng ga hết cỡ. “Máy già” nó rụng ra đủ thứ. Bộ phận thay thế cũng “ba cha bảy mẹ”, lắp chạy được chuyến này, không chừng chuyến sau lại bị bung ra. Máy là “trái tim” của tàu đánh cá, mà tàu là “mạch máu” biển khơi. Tim có vấn đề coi chừng bị “tai biến” ở đầu ngọn sóng. Bó tay cứu chữa” - Ông Khổng Văn Lượng, thợ sửa máy tàu đánh cá lâu năm ở thành phố Nha Trang so sánh, ví von.
Những năm qua, có biết bao nhiêu ngư dân đã bỏ mạng ngoài biển khơi chỉ vì máy cũ và “máy già”.
Sửa máy tàu qua điện thoại
Ông Lượng hiện có cả cửa hàng bán máy mới 100%, ngoài ra, ông có dịch vụ bán “máy bãi” và “máy già” với số lượng khách hàng lên tới hàng trăm. Ông Lượng nuôi 10 tay thợ chuyên đi bảo dưỡng, chăm sóc máy tàu đánh cá.
- Tối trăng người ta đi biển, trăng sáng họ về bờ. Gặp những chiếc tàu có trục trặc máy, ông thuyền trưởng đã gọi mình khi tàu đang ở ngoài biển “đặt lịch” xuống bảo dưỡng. Tàu cách bờ mấy hải lý, mấy ông gọi liên tục, nhắc chừng mình. Đắt “sô” lắm - Ông Lượng giãi bày tâm sự.
- Chắc máy tàu bị hỏng nặng, họ mới gọi điện nhiều như vậy? - Tôi hỏi.
- Nặng hay không nặng, họ cũng gọi nhiều, vì cùng một lúc có rất nhiều tàu vào cập cảng, họ sợ mình đi làm cho tàu khác. Có nhiều chiếc tàu vào bán cá xong, bơm dầu, lấy đá, quay ra biển đánh bắt ngay. Họ muốn tàu vừa cập cảng, thợ máy phải xuống hầm “thăm khám” máy liền. Nếu có thay thế linh kiện nào thì nhanh chóng làm tức thì, nên nhiều thuyền trưởng thường điện thoại nhắc mình, hoặc các chủ tàu đến thẳng cửa tiệm chờ mình kéo thợ xuống tàu luôn.
Nhiều khi các chủ tàu đưa tàu đi đánh bắt tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau..., mỗi khi bị hỏng máy gọi ông Lượng vào bằng được để sửa máy. Theo như các chủ tàu cá, “thợ ruột” sẽ biết bệnh, họ cảm thấy tin tưởng và an tâm hơn. Ông Lượng tâm sự:
- Nhiều lần tàu của họ bị banh máy ngoài biển, điện về bờ, chủ tàu thuê chiếc tàu nhỏ chở tôi đi 2 ngày 2 đêm mới tới chỗ tàu hỏng. Sửa chữa, thay thế phụ tùng mất hết 1 ngày. Tàu chạy đi đánh bắt bình thường, tôi mới quay trở về bờ.
- Máy hỏng ở ngoài biển khơi, thợ máy ở trong bờ, làm cách nào biết hỏng bộ phận nào để mua thiết bị thay thế?
- Mình phải “khám” từ xa qua bộ đàm, họ mô tả, mình có kinh nghiệm biết nó hỏng ở chỗ nào. Khi mua thiết bị thay thế lúc nào cũng phải dư 2 - 3 cái. Nếu chỉ mua 1 cái, lỡ bị sao, lắp vào không được, thế là thiệt hại kép luôn.
Thông thường, nếu tàu cá bị hỏng máy ngoài biển, các tay thợ trên tàu khắc phục không được, thuyền trưởng điện về hỏi ông Lượng và được hướng dẫn cách sửa chữa. Gần như tuần nào cũng có tàu hư máy. Có đêm 4 tàu bị hỏng máy, ông Lượng phải thức trắng đêm để hướng dẫn sửa chữa máy tàu qua điện thoại. Ông kể: “Máy tàu thủy cũng hư nhiều bộ phận. Nhưng tàu cá thường hay bị hư bộ phận bơm dầu, bơm nhớt, đây là hai bộ phận khó sửa nhất. Nhiều ông mở hoài không ra con ốc, điện về nói đã làm đủ mọi cách rồi mà mở không được bộ phận bơm nhớt. Tui hỏi lại: “Anh mở mấy con ốc đó bằng cờ-lê số mấy?”. Họ nói, tôi mới biết, mấy ông còn dùng cờ-lê sai số thì làm sao mà sửa lớn được. Qua điện thoại, mình đâu có nhìn thấy họ làm như thế nào, nên phải vừa hỏi, vừa hướng dẫn từng động tác một; từ cách tháo đến cách để thiết bị ra bên ngoài như thế nào cho đúng thứ tự, để khi lắp vào cho trùng khớp với nhau. Lần khác, có ông gọi về nói, máy vẫn nổ bình thường, vô số rất nhẹ, nhưng tàu không chạy. Tui nói, mấy ông lặn xuống kiểm tra chân vịt. Lát sau, họ gọi nói, chân vịt bị mất rồi. Tui nói gọi ông chủ thuê tàu khác ra kéo về bờ”.
Đa số thợ máy ở trên các tàu đánh cá đều là “thợ ngang”, trưởng thành từ thuyền viên kéo lưới; có nhiều tàu ông thuyền trưởng kiêm luôn thợ máy. Theo ông Lượng, muốn “quả tim” của tàu hoạt động tốt, người thuyền trưởng phải có tâm, có trách nhiệm, kiểm tra máy thường xuyên. Cái máy nổ cũng giống như con người vậy, phải biết chữa trị khi nó vừa mới chớm phát bệnh. Hằng ngày phải lo bảo dưỡng dầu nhớt, bộ phận bơm nước làm mát máy... Ông kể: “Năm ngoái có tàu đánh cá ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa mới hạ thủy chiếc tàu mới keng, chủ quan máy mới không bị hỏng hóc gì, làm biếng không đi kiểm tra. Ai ngờ dây cô-roa máy bơm nước làm mát máy bị dãn rộng, không bơm được nước vào máy. Thuyền trưởng ở ca-bin vô tư tăng ga đuổi theo đàn cá, máy bị rúp-bê (cháy máy) liền. Sau đó, đành phải gọi cứu hộ ra kéo về sửa tốn một đống tiền”.
Bài 3: “Chợ” giữa Biển Đông
Hải Luận