Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Cùng nhau giữ gìn hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no

Biên phòng - Xuất phát từ quan hệ truyền thống hữu nghị, đến nay, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có 59 cặp thôn bản, cụm dân cư hai bên biên giới kết nghĩa với mục đích hướng đến là giữ vững ổn định biên giới, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác để cùng nhau phát triển. Thực tế, thông qua hoạt động kết nghĩa, tình đoàn kết giữa người dân hai bên biên giới thắm thiết hơn, mọi người sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, bản Pô Tô và bản Cửa Cải thường xuyên giao lưu, gặp mặt trực tiếp. Trong ảnh: Hoạt động giao lưu giữa bản Pô Tô và bản Cửa Cải năm 2019. Ảnh: Lê Văn

Suốt dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc có các cụm dân cư với thành phần dân tộc khác nhau sinh sống, cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi nước. Nhiều thôn, bản hai bên biên giới có cùng ngôn ngữ, cùng sử dụng nước của một dòng sông, con suối, cùng canh tác trên một quả đồi... trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của nhau. Đồng bào dù sinh sống hai bên biên giới, nhưng sự tương đồng văn hóa, phong tục tập quán, thời tiết khí hậu, đặc điểm địa lý đã gắn kết họ lại với nhau.

Đặc biệt, triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đồng bào thường qua lại thăm thân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, đồng lòng bảo vệ biên giới, mối thân tình giữa hai dân tộc, hai đất nước vì thế gắn bó hơn.

Bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và bản Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1,9km với 3 cột mốc. Nhân dân hai bên có mối quan hệ dân tộc, thân tộc và truyền thống đoàn kết, gắn bó từ lâu đời. Thể theo nguyện vọng của nhân dân hai bản, được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên, ngày 3-9-2014, hai bản đã tổ chức kết nghĩa nhằm tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị.

Lãnh đạo bản Cửa Cải từng chia sẻ, từ khi kết nghĩa, nhân dân hai bản luôn gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, không để xảy ra mâu thuẫn, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thiếu tá Lê Văn Dung, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho hay, nhân dân hai bản thường xuyên trao đổi thông tin về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, hai bản thường xuyên cùng dọn dẹp suối biên giới, phối hợp đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm...

Không chỉ cùng nhau phát quang đường biên, cột mốc biên giới, nhân dân hai bản còn giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương biên giới hiệu quả. Bản Cửa Cải giúp người dân bản Pô Tô về kỹ thuật, giống cây trồng. Thiếu tá Dung cho biết: “Các nông sản địa phương như sắn, chuối, gừng, nghệ đen được phía bạn thu mua với giá có lợi cho người dân bản Pô Tô. Nhờ đó, đời sống kinh tế của nhân dân hai bên ngày càng phát triển”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Giàng A Dụ, Trưởng bản Pô Tô cho hay: “Sau khi kết nghĩa, bà con bản Cửa Cải đã hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật trồng nghệ, sắn, chuối. Họ hướng dẫn cặn kẽ khoảng cách trồng giữa các cây, cách vun xới, chăm sóc, bón phân. Làm theo hướng dẫn của phía bạn, năng suất cây trồng của chúng tôi tăng lên. Phía bạn cũng giúp đỡ chúng tôi tiêu thụ sản phẩm với giá cao. Hai bản gần nhau nên việc vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi, không tốn nhiều chi phí. Đời sống của bà con được cải thiện hơn so với trước khi kết nghĩa. Điều tôi cảm thấy vui nhất là người dân hai bản giờ đây gần gũi như anh em một nhà”.

Cũng theo anh Dụ, từ cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hai bản không thể gặp gỡ, giao lưu thường xuyên, việc trao đổi hàng hóa cũng bị hạn chế rất nhiều, tuy nhiên, không vì thế mà tình đoàn kết giữa hai bản suy giảm. “Chúng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên nhau và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Người dân cả hai bên đều mong rằng dịch bệnh sớm kết thúc để có thể tiếp tục giao lưu, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất hiệu quả” - anh Dụ chia sẻ.

Nhờ phía bạn hướng dẫn, giúp đỡ, đến nay, người dân thôn Cốc Phương đã làm chủ được kỹ thuật trồng dứa - loại cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Trong ảnh: Cán bộ BĐBP giúp nhân dân thôn Cốc Phương thu hoạch dứa (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Nguyễn Tuệ

Một điển hình khác trong việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế là đồng bào Mông ở xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tháng 8-2013, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dân cư của thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đều là người Mông, có quan hệ thân tộc lâu đời. Bà con vẫn qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa với nhau. Ở thời điểm năm 2013, người dân ở tổ Tam Bình Bá có cuộc sống rất khá giả nhờ thu nhập từ cây chuối và dứa. Trong khi đó, cuộc sống của người dân thôn Cốc Phương vẫn còn vất vả do chưa nắm được kỹ thuật trồng chuối, dứa.

Ông Thào Hà, Bí thư chi bộ thôn Cốc Phương cho hay: “Thuở ban đầu, chúng tôi cùng trồng dứa và chuối chung với người dân tổ Tam Bình Bá, trong đó, phần giống và phân bón do phía bạn lo. Từ sau khi kết nghĩa với nhau, mối quan hệ của người dân hai bên thân thiết hơn. Phía bạn giúp chúng tôi cây giống, chia sẻ kỹ thuật nhân giống, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc dứa, chuối... Chúng tôi vướng ở khâu nào, khi hỏi bạn đều được hướng dẫn rất cụ thể, không giấu giếm điều gì, cần phân bón, hay thuốc bảo vệ thực vật, bạn đều mua giúp. Tổ Tam Bình Bá có 3 hộ là thương nhân, họ sẵn sàng thu mua nông sản của chúng tôi và không bao giờ ép giá”.

Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế, thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá còn tăng cường giao lưu văn hóa, thăm hỏi, động viên nhau. Ông Hà cho biết: “Mỗi khi thôn chúng tôi có đám hiếu hay đám hỷ, nhân dân tổ Tam Bình Bá đều nhiệt tình sang giúp đỡ và ngược lại. Chúng tôi hình thành các đội giúp việc chung như đội bếp, đội văn nghệ... Bên nào có việc, chỉ cần gọi điện là người dân của phía bên kia sẽ sang giúp, không nề hà bất cứ việc gì”.

Ông Hà cho biết thêm, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19, người dân hai bên không thể thăm thân, tổ chức gặp mặt, giao lưu, nhưng vẫn duy trì liên lạc qua điện thoại. “Tôi mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để hai bên có thể gặp mặt, tiếp tục giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng cuộc sống ấm no” - ông Hà bày tỏ.

An Nhiên

Bình luận

ZALO