Biên phòng - Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, giúp đỡ bà con tại các điểm tiếp giáp biên giới xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa truyền thống dân tộc.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình ký kết phối hợp giữa Hội Nông dân và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (giai đoạn 2011 - 2015) về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là công tác vận động, tuyên truyền nhân dân các dân tộc khu vực biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di dịch cư tự do và theo đạo trái pháp luật...
Trên cơ sở các Nghị quyết, chỉ thị, chủ trương và hướng dẫn của cấp trên, hai ngành đã phối hợp biên soạn các tài liệu ngắn gọn phù hợp với từng địa bàn dưới dạng hỏi - đáp đưa xuống các bản tuyên truyền cho bà con các dân tộc. Qua băng cát-xét tiếng: Mông, Hà Nhì, Dao, hai ngành phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học-kỹ thuật cho các cán bộ xã, bản; duy trì thường xuyên có hiệu quả 10 đài truyền thanh xã biên giới với mỗi tuần 1 buổi/60 phút để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người tốt, việc tốt nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân. Từ đó, nhiều hộ gia đình vận dụng, áp dụng thành công vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống cho người dân.
Vấn đề cốt lõi trong quy chế phối hợp giữa hai bên là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại các xã biên giới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Việc BĐBP tỉnh đưa cán bộ tăng cường về 23 xã biên giới trong toàn tỉnh được coi là chủ trương đúng đắn, giúp ích cho công tác tham mưu với cấp trên trong thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn.
Thượng tá Lê Công Thành, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: "Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi tiếp tục đưa 20 cán bộ tăng cường cho 20/23 xã biên giới tham gia vào cấp ủy. Giới thiệu 66 đảng viên về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản, đề xuất thay thế, bổ sung 150 cán bộ xã làm việc kém hiệu quả, cử đi học các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ... Sau một nhiệm kỳ cho thấy, các chế độ sinh hoạt, công tác tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể dần đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả, đồng thời, mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, chính quyền nhân dân ở các xã biên giới được củng cố vững chắc, nhân dân đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền".
Thực hiện quy chế phối hợp, hai bên đã vận động các tầng lớp nhân dân ở khu vực biên giới tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo và bài trừ các tập tục lạc hậu. Trong đó, ưu tiên quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020; phát động phong trào thi đua "BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới", "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" hay "Nông dân tham gia đảm bảo an ninh, quốc phòng"...
Những ngày đầu năm, chúng tôi được cán bộ Biên phòng tỉnh dẫn đi thăm một số mô hình kinh tế giúp dân đang phát huy hiệu quả cao ở nhiều xã biên giới của các huyện: Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và mô hình đỡ đầu nuôi dưỡng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Nơi đầu tiên chúng tôi được ghé thăm là bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ). Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những rừng chuối, nương ngô, nương lúa xanh bạt ngàn, nơi ấy đã có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Ma Lù Thàng.
Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho, Tẩn Chỉn Hùng phấn khởi nói: "Từ khi được những người lính Biên phòng hướng dẫn làm kinh tế, bản Hùng Pèng đã đẩy đói nghèo vào quá khứ. Tại đây, các mô hình chăn nuôi gia súc do đồn Biên phòng "đỡ đầu" đang mang đến luồng gió mới trong phát triển kinh tế".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những con giống đầu tiên được gây dựng từ chính nguồn vốn ít ỏi của bộ đội và nhân dân. Dê và bò là hai loại được lựa chọn trong dự án sinh kế lâu dài của bản Hùng Pèng. Từ đó đến nay, số bò, dê ở bản này đã lên tới hàng trăm con. Mỗi đợt xuất bán hàng chục dê, bò đã tạo nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống nhân dân, lập quỹ xóa đói, giảm nghèo và xây dựng chuồng trại kiên cố. Hợp tác xã Đại đoàn kết trở thành mô hình chăn nuôi điển hình được nhiều nơi trong tỉnh hưởng ứng, học hỏi, làm theo.
Ngoài "công trình kinh tế" này, những mô hình tương tự khác như: Hướng dẫn nhân dân nuôi lợn nái sinh sản, trồng chuối thương phẩm ở xã Huổi Luông; nuôi dê sinh sản ở các xã vùng cao: Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San; nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ); giúp đồng bào La Hủ và Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ (huyện Mường Tè) cũng đang phát huy hiệu quả đó. Cùng với đó, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh còn thông qua việc ủy thác tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm ăn với số tiền dành riêng cho các xã biên giới lên đến hơn 73 tỷ đồng.
Đức Duẩn - Thanh Hiền