Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 01:16 GMT+7

Ngày đất ngập nước thế giới (2/2):

Cùng hành động bảo vệ các vùng đất ngập nước

Biên phòng - Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước, trong đó chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Vùng đất này có hệ đa dạng sinh học hết sức phong phú và là khu vực dễ bị tổn thương bởi sự phát triển kinh tế - xã hội quá mức, ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt. Để bảo vệ vùng đất ngập nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau phối hợp với cán bộ Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các lực lượng tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn. Ảnh: Lâm Huy Vũ

Thực trạng đáng lo ngại

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên, bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay, vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tây Nguyên là vùng có diện tích đất ngập nước nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%, lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long, chiếm gần 49%. Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo, tự nhiên (nội địa và ven biển). Đất ngập nước nhân tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất là 72% tổng diện tích đất ngập nước, trong đó, riêng đất trồng lúa chiếm 67%, đất ngập nước ven biển 18%, còn lại 10% là đất ngập nước nội địa.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, diện tích đất ngập nước tự nhiên có xu hướng biến mất, suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp 3 lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc biến mất tính từ năm 1970.

Để bảo vệ các vùng đất ngập nước, từ năm 1971, Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar) đã được ra đời. Đây là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về quản lý đất ngập nước nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước Ramsar, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trên toàn quốc.

Sự chung tay tích cực của BĐBP

Do đặc thù nhiệm vụ, một số đơn vị BĐBP được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý các vùng đất ngập nước. Đây là những vùng đất có giá trị liên quan trực tiếp đến hoạt động quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước, thời gian qua, các đơn vị BĐBP quản lý các vùng đất ngập nước đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời phối hợp có hiệu quả với các địa phương trong công tác bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thái Bình phối hợp với các lực lượng trồng rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Thượng tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau chia sẻ: Đồn Biên phòng Đất Mũi có nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã Đất Mũi và Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển với chiều dài bờ biển 45,9km. Trên địa bàn có 2 Khu du lịch Đất Mũi, Khai Long và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, đây là vùng trọng điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với diện tích 41,862ha, trong đó 15,262ha là đất liền, 26,600ha vùng nước biển và bãi bồi. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo Thượng tá Lê Hoàng Phúc, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Đất Mũi thường xuyên phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn trên địa bàn. Đơn vị thường xuyên phối hợp với Vườn quốc gia, Ban Quản lý Khu du lịch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mũi Cà Mau và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức Chương trình “Trồng một ngàn cây xanh”, “Hãy làm sạch biển”. Kết quả, đơn vị đã phối hợp trồng trên 4.000 cây xanh, thu gom trên 3,5 tấn rác thải nhựa; góp phần mở rộng diện tích rừng, ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên cử lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát hệ thống rừng ngập mặn không để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ, phòng, chống cháy rừng, khai thác lâm sản, hải sản không đúng quy định.

Là một tỉnh ven biển, Thái Bình có 54km bờ biển, trải dài suốt 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Nơi đây có hàng ngàn ha rừng ngập mặn bao bọc, tạo thành một bức tường xanh vững chắc mang lại hiệu quả cao và phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về công tác bảo vệ hệ thống đất ngập nước trên địa bàn, Thiếu tá Dương Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền, BĐBP Thái Bình cho biết: “Để làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng ven biển, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tích cực trồng và bảo vệ rừng. Cùng với đó, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ bảo vệ rừng ven biển và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát định kỳ, cũng như đột xuất để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng ra, vào chặt phá rừng và các trường hợp cải tạo đầm vi phạm quy định về quản lý rừng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới biển nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ rừng phòng hộ ven biển”.

Ước tính, có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO