Biên phòng - Cung đường ấy thoắt ẩn, thoắt hiện giữa đại ngàn biên giới, ngày cuối năm được phủ trắng một màu sương. Với những người lính Biên phòng, cung đường ấy- đường tuần tra biên giới như huyết mạch chảy trong cơ thể, dẻo dai mà mạnh mẽ, “đỏng đảnh”, “khó tính” nhưng vô cùng gần gũi thân thương. Nếu ví cung đường tuần tra là khung dệt, thì lính Biên phòng chính là những con thoi: Con thoi lướt trên khung dệt để làm nên những kiệt tác làm đẹp cho đời…

1. “Đến hẹn lại lên”. Những ngày cuối năm, tôi lại ngược xuôi dọc đường tuần tra biên giới từ dòng Sê San (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum) đến đỉnh Đăk Blô-một trong những điểm cuối nơi cực Bắc Tây Nguyên, để trải nghiệm không gian thật tĩnh lặng, cảm nhận bước chân của người lính Biên phòng trên cung đường mùa Xuân. Phải nói, cảm giác đầu tiên khi gặp họ rất buồn, buồn đến muốn khóc. Bởi, ai cũng vậy thôi, nhớ dáng mẹ già ngồi nhắc tên con bên mâm cỗ Tết, nhớ ánh mắt vợ hiền nhìn về phía xa xăm ngóng đợi tin chồng, trong tiếng trẻ thơ đòi quà mừng tuổi, hay lời ước hẹn với “cô hàng xóm” về một mùa Xuân đong đầy tình yêu đang đợi chờ ở phía trước.
Nỗi ưu tư ấy quyện vào bước chân tuần tra của người lính Biên phòng khiến cho “cung đường mùa Xuân” càng thêm rộng, dài hơn. Cũng giờ này năm ngoái, tình cờ gặp một người lính trẻ đang nhóm lửa lo bữa cơm chiều bên đường tuần tra biên giới, đoạn qua Vườn quốc gia Chư Mo Ray.
“Sao giờ này cháu vẫn còn ở đây?”- Tôi hỏi. “Anh em đang đi tuần tra biên giới, cháu ở lán lo cơm chiều. Năm nay, chúng cháu sẽ ăn Tết ở đồn chú ạ. Đây là mùa Xuân đầu tiên phải xa nhà, chắc là nhớ lắm. Những ngày giáp Tết, đường tuần tra biên giới vắng người, trời thì khá lạnh và nhiều sương nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Năm nay vất vả, năm sau chắc sẽ đỡ hơn…” - Người lính trẻ trả lời nhưng vẫn tập trung vào việc của mình. Chiều muộn, từ các ngả đường, lính Biên phòng vội vã trở về khu “mái ấm” sau một ngày miệt mài “lướt trên khung dệt”.
2. Dừng chân nơi lưng chừng con dốc cạnh cột mốc 3 biên (Việt Nam- Lào-Campuchia), chúng tôi vào thăm tổ chốt số 2 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum. Chiều cuối năm, đứng ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển mới thấy hết được độ dẻo dai của lính Biên phòng. Trời chưa tắt nắng nhưng Thượng úy Lê Trọng Ánh (phụ trách tổ chốt) và Trung úy A Lanh đã “vải quấn chặt người” để giữ ấm cho cơ thể.
“Năm nay chắc các anh sẽ đón Tết trên đường tuần tra biên giới?”- Tôi hỏi chuyện. Trung úy A Lanh cười rất hiền: “Chắc chắn là vậy rồi. Đã gần 1 năm ròng rã, chúng tôi vẫn thường trực ở đây để thực hiện nhiệm vụ “kép”. Nắng, gió, mưa dầm, sương lạnh - tất cả đều đã nếm trải trọn vẹn. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, các loại tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ hoạt động phức tạp hơn nên càng phải căng mình tuần tra chốt chặn…”.
Nghe chàng Trung úy người dân tộc thiểu số Dẻ Triêng chia sẻ, tôi chợt nhớ đến câu nói năm trước của người lính trẻ bên Vườn quốc gia Chư Mo Ray: “Năm nay vất vả, năm sau chắc sẽ đỡ hơn”. Thật ra, lính Biên phòng thời điểm nào cũng vậy, luôn thức cùng đường biên, cột mốc, dù mùa nắng hay mùa mưa, ngày Hè nóng bỏng, hay đêm Đông buốt giá. Năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nên cần phải gia cố “hàng rào sống” dày đặc hơn trên đường tuần tra biên giới, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Thượng úy Lê Trọng Ánh cho biết thêm: Năm ngoái, cận kề ngày Tết, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y nhận được thông tin có một tù nhân trốn trại ở tỉnh Gia Lai, rất có khả năng sẽ vượt biên sang Lào. Cả cung đường tuần tra biên giới xiết chặt hơn, tất cả những điểm “yết hầu” qua lại đều được lính Biên phòng bịt kín cho đến khi đối tượng bị lực lượng chức năng khống chế bắt giữ thì lệnh tăng cường mới được nới lỏng. Tiếp sau đó là chuỗi ngày dài căng mình trên đường tuần tra biên giới để ngăn ngừa đại dịch Covid-19. Các tổ chốt tuần tra kiểm soát trên khu vực cột mốc 3 biên đã phát hiện, bắt giữ 13 người xuất cảnh trái phép sang Lào làm thuê, ngăn chặn xử lý nhiều vụ vi phạm quy chế biên giới.
3. Theo “dáng núi”, càng xuôi về hướng Bắc, đường biên giới của tỉnh Kon Tum càng cheo leo nơi lưng trời. Cung đường tuần tra theo đó cũng trở nên khúc khuỷu, hiểm trở hơn, với hàng trăm điểm bị sạt lở nghiêm trọng xảy ra trong mùa bão vừa qua. Những ngày cuối năm, nếu như ở độ cao trên 1.000 mét nơi cột mốc 3 biên, cái lạnh chỉ đến trong gió thì vùng biên dưới chân núi Nồi Cơm thuộc xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, gió và mưa khiến nhiệt độ ở đây như muốn đông cứng.
Mọi công tác chuẩn bị cho đợt cao điểm tuần tra bảo vệ biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán của Đồn Biên phòng Đăk Blô, BĐBP Kon Tum coi như đã xong. Giờ là lúc Trung tá, Đồn trưởng Xiêng Lăng Sự và người được xem là “quả đấm thép” của đơn vị-Đại úy Xiêng Nghĩa Tình, Đội trưởng Đội Vũ trang bàn bạc những tình huống cụ thể cho cung đường tuần tra dài hơn 30km, với hơn 80 điểm sạt lở nằm cheo leo nơi lưng trời.
Chứng kiến hai “người con của núi rừng” (cả hai anh đều là người dân tộc thiểu số Dẻ Triêng ở vùng cực Bắc Tây Nguyên) tính toán cách lính Biên phòng chế ngự những thách thức đến từ tự nhiên, tôi hiểu “cung đường mùa Xuân” mà các anh phải trải nghiệm khắc nghiệt đến nhường nào. Trên cung đường ấy, mới đây thôi đã có người cán bộ Biên phòng ngã xuống trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 do cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên (lũ quét).
“Để đi hết cung đường tuần tra biên giới dài 30km, chúng tôi phải mất hơn 7 ngày ròng rã. Tất nhiên, chúng tôi bố trí nhiều tổ tuần tra lưu động, kết hợp với các điểm chốt để làm sao quản lý chặt chẽ đường biên cột mốc nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Sau mỗi chuyến tuần tra biên giới trở về, anh em sẽ lại tỏa đi các thôn, làng để vui Tết cùng bà con”- Trung tá, Đồn trưởng Xiêng Lăng Sự cố giấu nỗi lo trong lời chia sẻ của mình.
“Thời tiết có khắc nghiệt đến bao nhiêu, đối tượng vi phạm có tinh vi cỡ nào, chúng tôi vẫn đứng đây, sẵn sàng cho một cái Tết trên đường tuần tra biên giới” - Thượng úy Lê Trọng Ánh tự tin khẳng định.
Tôi hiểu nỗi lòng của người Đồn trưởng. Sau những trận mưa bão vừa qua, sự “đỏng đảnh, khó tính” của đường tuần tra biên giới thực sự là thử thách vô cùng lớn đối với những người lính Đồn Biên phòng Đăk Blô. Dẫu không muốn, nhưng họ vẫn phải nếm trải vị chát cay của vùng biên khắc nghiệt khi ngày Tết đang cận kề. Nguồn thực phẩm tươi sống là đàn gia súc (bò, heo) phục vụ 3 ngày Tết trong đơn vị giờ đây chỉ còn phân nửa do không chịu nổi những trận mưa, gió buốt lạnh nơi lưng trời. Đành vậy thôi, khó khăn rồi cũng sẽ qua để người lính Biên phòng vững bước chân trên cung đường mùa Xuân- đường tuần tra biên giới.
Thái Kim Nga