Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 09:53 GMT+7

Cùng đồng hành để phụ nữ vùng biên cương phát huy nội lực

Biên phòng - Qua gần 5 năm thực hiện, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đã chứng minh tính hiệu quả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tính đến nay, đã có 110 xã biên giới khó khăn thuộc 26 tỉnh, thành biên giới, hải đảo được các đơn vị nhận hỗ trợ, với tổng mức kinh phí huy động trên 280 tỷ đồng. Sự lan tỏa của chương trình đã góp phần giúp phụ nữ vùng biên cương vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng trao con giống cho hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Huy Dương

Từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh biên giới và các cấp Hội Phụ nữ cơ sở trong BĐBP đã tổ chức đa dạng các hoạt động theo hướng phát huy nội lực, sát với nhu cầu của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương, trong đó, quan tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mang tính bền vững, lâu dài như: Xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, con giống, phân bón cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức; hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm cho người dân địa phương; trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân địa phương tự thực hành...

Tiêu biểu, có thể kể đến như: Mô hình nuôi lợn và gà thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh; Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch của tỉnh Quảng Bình; mô hình Tổ liên kết “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng mì cao sản” và “Phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi bò sinh sản” của tỉnh Kon Tum; 2 mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế của tỉnh Cao Bằng; kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ các xã biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 (Mô hình 1+6)” của tỉnh Đắk Lắk...

Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Thượng úy Nguyễn Như Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Kon Tum khẳng định: “Chương trình đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cán bộ hội viên phụ nữ các xã biên giới; hỗ trợ phụ nữ yếu thế vươn lên khẳng định bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chăm lo sức khỏe, giáo dục con cháu, vận động người thân, gia đình tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, chương trình còn mang ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng địa bàn an ninh biên giới ổn định, vững mạnh. Với những cách làm, mô hình sáng tạo trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ gần 6 triệu con giống gia súc, gia cầm; 4,4 tỷ đồng vốn vay; 321 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế”...

Đặc biệt, xác định phương châm “cùng đồng hành và từng bước phát huy nội lực hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội cơ sở và của cấp ủy, chính quyền địa phương”, chương trình còn hỗ trợ gần 1.000 công trình dân sinh; gần 700 Mái ấm tình thương; trao tặng trên 4.000 suất quà, 4.000 suất học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó. Các đồn Biên phòng nhận nuôi 355 cháu, đỡ đầu 2.529 cháu học sinh là con của các gia đình phụ nữ nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”; lực lượng quân y các đồn Biên phòng và các tổ, hội phụ nữ cơ sở phối hợp với y tế địa phương tiến hành khảo sát phân loại sức khỏe cho hơn 30.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trên 1 triệu người; trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi...

Ngoài ra, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần thiết thực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp, như: Xây dựng tuyến đường hoa; làm cầu giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản; hỗ trợ công trình nước sạch; xây dựng công trình vệ sinh; hỗ trợ xây, sửa mái ấm tình thương; vận động hội viên hiến đất làm đường, thực hiện nếp sống văn hóa mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…

Qua đó, đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống, cơ sở vật chất ở khu vực biên giới; hàng trăm mô hình sinh kế, hàng trăm căn nhà, hàng nghìn suất quà, học bổng cho hội viên phụ nữ nghèo và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị cũng đã đồng hành tổ chức các hoạt động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho các Hội cơ sở. Trong đó, ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ chi, tổ Hội, hội viên nòng cốt các kiến thức, kỹ năng công tác; thành lập các mô hình thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động Hội, hướng dẫn cách thức, phương pháp giám sát chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các Hội phụ nữ cơ sở…

Sau gần 5 năm thực hiện chương trình, 110/110 xã đạt tỷ lệ thu hút hội viên từ 50% trở lên; 100% các xã xây dựng mô hình, điển hình tập hợp hội viên phụ nữ. Các hỗ trợ trong tổ chức hoạt động Hội từ các đơn vị đồng hành giúp đội ngũ cán bộ Hội cơ sở thay đổi cách thức tổ chức hoạt động Hội từ lối truyền thống sang phát huy tính chủ động, tích cực của hội viên, phụ nữ khi tham gia hoạt động Hội, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ Hội cơ sở trong triển khai công tác Hội, chất lượng hoạt động Hội cơ sở của nhiều địa phương thay đổi rõ nét, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh.

Từ hiệu quả rõ nét của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, có thể khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Các hoạt động của Chương trình được coi là giải pháp cụ thể mang tính đặc thù thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”. Thông qua Chương trình, đã tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Thu Minh

Bình luận

ZALO