Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Củng cố vị thế nông sản Việt

Biên phòng - Chịu tác động to lớn, chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 của nước ta vẫn là điểm sáng tự hào, xác lập kỷ lục mới với tổng giá trị hơn 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu trên 4 tỷ USD nhờ xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tiếp tục có những đóng góp quan trọng, đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, trong đó, 6 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế. Ảnh: minh họa

Theo nhiều chuyên gia, đây là thành quả của bước chuyển quan trọng từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ chỉ tiêu sản lượng tính trên đầu sản phẩm sang tăng chất lượng, giá trị, lợi nhuận; từ thị trường dễ tính đến các thị trường khó tính, đòi hỏi hàng chất lượng cao.

Song, bước chuyển đó còn chập chững, thiếu kết nối cung - cầu bền vững, thiếu độ kết dính giữa các ngành hàng, chuỗi cung ứng, thị trường nông sản, hệ thống logistics; giữa các phân ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và các lĩnh vực chế biến sâu.

Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc hay “được mùa mất giá” phản ánh những bất cập trong sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, cần được ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan giải quyết căn cơ hơn là chạy theo “xử lý tình huống”.

Không thể khuyến cáo doanh nghiệp “điều tiết” nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùn ứ, trong khi họ thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản...

Một thực tế không thể phủ nhận, nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc thị trường truyền thống Trung Quốc. Dù thông quan khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2021 vẫn đạt gần 10 tỷ USD.

Khẳng định Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng, nhưng nhiều chuyên gia khuyến cáo, từ năm 2022, Trung Quốc tăng cường quản chặt kinh tế biên mậu, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh đa dạng thị trường để tránh trường hợp năm nào cũng xảy ra ách tắc rồi kêu gọi giải cứu.

Mặt khác, để ít phụ thuộc hơn vào một thị trường nhiều rủi ro, không có nghĩa là các doanh nghiệp nên từ bỏ một thị trường lớn, lâu năm, nhiều tiềm năng... mà cần nâng chất và nâng cao vị thế của một đối tác. Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý nâng cao quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo có thể tham gia các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.

Một tín hiệu vui ngay từ đầu năm 2022 là trong khi nhiều doanh nghiệp phụ thuộc thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang đứng ngồi không yên, thì cũng có đông đảo doanh nghiệp đang trên đà tăng tốc mở rộng thị phần xuất khẩu toàn cầu. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang vươn lên trở thành bạn hàng nhập khẩu nông, thủy sản lớn của nước ta nhờ tận dụng triệt để cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đặc biệt, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP (giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam trên các phương diện: không gian thương mại và thị trường rộng lớn hơn với việc hài hòa các biện pháp phi thuế quan, thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Để khai thác tối đa dư địa gia tăng giá trị nông sản Việt, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh hơn tốc độ số hóa; ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO