Biên phòng - Không nước sạch, không điện lưới, nắng thì nóng, mưa thì dột, không đêm nào ngủ được ngon giấc, phần vì đi tuần tra, chốt chặn, phần thì bị muỗi mòng tấn công - đó là thực trạng của những người lính Biên phòng tại các tổ, chốt phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Kiên Giang hiện nay.
Bài 1: Siết chặt phòng tuyến biên giới Kiên Giang
Ròng rã gần 1 năm qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trên các tổ, chốt Biên phòng tuyến biên giới Tây Nam bộ không quản nắng mưa, gian khó, ngày đêm miệt mài tuần tra, mật phục. Gác việc riêng, vì việc chung, tất cả đều đồng lòng bởi một niềm tin chiến thắng dịch bệnh, cho một ngày mai yên vui, thanh bình.
Trên “tuyến lửa” Hà Tiên
Bến Xuồng, Đường Chùa, Sa Kỳ, Thạch Động, Vàm Hàng... là những điểm “nóng” về buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Hà Tiên. Chính vì vậy, các nơi xung yếu này luôn được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên đặc biệt quan tâm. Những ngày cuối cùng của năm 2020, có mặt tại các tổ, chốt phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Hà Tiên, chứng kiến nơi ăn ở, sinh hoạt và công tác của cán bộ, chiến sĩ tại đây, mới biết, mới hiểu và chia sẻ với sự vất vả của anh em.
Chốt số 10 (thuộc Trạm kiểm soát Sa Kỳ, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên) là một túp lều bằng tôn, diện tích khoảng 10m2, nằm ngay trên đường tuần tra biên giới. Chốt có 3 người nhưng chỉ có một cái giường tầng bằng sắt. Trung úy, Chốt trưởng Nguyễn Ngọc Anh nói: “Tuy là giường tầng nhưng chỉ nằm được tầng dưới, tầng trên giáp mái tôn, nóng lắm, không thể nằm được. Anh em ở đây chủ yếu là nằm võng, giường chỉ dành để ưu tiên cho những người đi tuần về, mệt, dùng để ngả lưng”.
Trung úy Nguyễn Ngọc Anh, quê ở Quảng Bình, là trinh sát viên Đồn Biên phòng Xà Lực (đóng quân ở đảo Phú Quốc) được tăng cường cho Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên hồi tháng 11-2020. Chỉ rặng cây tốt um tùm phía trước, cách chốt khoảng 300m, anh nói, đó là đường biên giới. Dân buôn lậu thường lợi dụng đêm tối, dùng ghe chở hàng về cặp bờ kênh rồi cho người vác bộ vào nội địa. Khoảng 3-5 phút là xong một chuyến hàng, do vậy, chúng tôi phải trực 24/24 giờ. Càng đêm tối hay buổi trưa anh em càng phải cảnh giác.
Đang nói chuyện, bỗng Ngọc Anh dừng lại, nghiêng tai nge ngóng một lát rồi chạy nhanh vào chốt kêu anh em chạy ra đường biên giới bắt buôn lậu. Dù được sự hỗ trợ của các tổ, chốt lân cận, nhưng cũng phải mất gần 1 giờ “vật lộn”, các anh mới thu giữ được 7 thùng thuốc lá ngoại nhập lậu, còn các đối tượng vận chuyển hàng lậu đã nhanh chân tẩu thoát, lúc đó là vào 13 giờ ngày 30-12-2020.
Trung tá Lưu Đắc Nhanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên cho biết, khuya ngày 23-12, tại khu vực mốc 307/5 (thuộc khu phố 3, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên), chốt số 5, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên cũng phát hiện một vụ buôn lậu, thu giữ 12.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.
Trước đó, vào lúc 18 giờ 20 phút ngày 29-12, tại khu vực cột mốc 314, thuộc địa bàn phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, đơn vị cũng đã phát hiện một vụ nhập cảnh trái phép từ Campuchia về. Đối tượng N.T.T (nữ, sinh năm 2002, quê quán Tân Châu, An Giang) bị tạm giữ và đưa vào khu vực cách ly theo quy định.
Không ở đâu, phòng tuyến biên giới được siết chặt như ở đoạn biên giới do Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên phụ trách. Dọc theo đường tuần tra biên giới, đứng ở tổ, chốt này, vẫn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc những tổ, chốt bên cạnh.
“Cứ khoảng 300m, chúng tôi lại bố trí một tổ, chốt. Chỉ với 14km đường biên giới trên bộ, đã có 41 tổ, chốt với sự tham gia của gần 300 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ về phương tiện với 5 xe ô tô, 4 ca nô và 9 chó nghiệp vụ”- Trung tá Nhanh cho biết.
Ròng rã 10 tháng qua, gần 300 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và lực lượng phối hợp thay nhau bám chốt, bám đường biên, vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.
Chung một chiến hào
Chia tay “tuyến lửa” Hà Tiên, ngược theo sông Giang Thành, chúng tôi tiếp tục hành trình bằng chiếc thuyền nhỏ để đến với các tổ, chốt thuộc các đồn Biên phòng: Phú Mỹ, Giang Thành, Vĩnh Điều, trên tuyến biên giới thuộc địa phận huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ tươi tung bay trên những mái nhà nằm khiêm nhường dọc theo chiều dài biên giới, chúng tôi lại thấy lòng lâng lâng khó tả. Bởi chúng tôi biết rằng, nơi đó những người lính Biên phòng vẫn đang bám trụ thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Tổ, chốt Bọng Chim, Đồn Biên phòng Phú Mỹ là một căn nhà tranh, nằm lẻ loi bên cạnh con rạch nhỏ, sát ngay đường tuần tra biên giới. Nơi đây không có điện, không có nước sạch, không có dân cư, sóng điện thoại thì chập chờn, lúc có, lúc không...
Thượng úy, Chốt trưởng Danh Hải cho biết, mỗi 1m3 nước sạch phải mua giá 80.000 đồng, nên anh em dùng rất tiết kiệm, mỗi ngày, mỗi người chỉ được dùng 20 lít nước cho việc tắm rửa và sinh hoạt. Cuối tuần phải mang quần áo về Đồn Biên phòng Phú Mỹ cách đó 10km để giặt. Thức khuya dậy sớm, đêm mưa gió hay ngày nắng bỏng cháy, anh em không nề hà, nhưng sợ nhất là muỗi. “Ở đây là rừng ngập mặn nên muỗi nhiều vô kể. Buổi chiều, cứ tầm 4-5 giờ đã phải ăn cơm, chứ muộn một tý nữa thì không ai chịu nổi sự tấn công của lũ muỗi đói”- Thượng úy Danh Hải chia sẻ.
Ngày cuối cùng của năm 2020, tại tổ, chốt Bọng Chim, câu chuyện về tấm gương vượt khó của hai anh em ruột Danh Hải và Danh Thành Tài đã làm chúng tôi xúc động và cảm phục về nghị lực, tinh thần vượt khó của 2 chàng thanh niên người Khmer...
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP Kiên Giang cho biết: Sau vụ việc của bệnh nhân 1440, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tuyến biên giới tỉnh Kiên Giang luôn trong tâm thế thực thi nhiệm vụ cao nhất. Ngoài 79 tổ, chốt cố định và 5 tổ cơ động trên địa bàn, đơn vị đã triển khai thêm 1 biên đội tàu (4 chiếc, 30 đồng chí) để tăng cường tuần tra vùng biển, đảo từ Hà Tiên đến Phú Quốc.
Đã từng bỏ học giữa chừng vì gia đình nghèo đói, nhưng được sự giúp đỡ, động viên của thầy, cô và bạn bè, Danh Hải đã vươn lên rồi thi đậu vào Học viện Biên phòng (HVBP) năm 2013. Chắt chiu từng đồng phụ cấp ít ỏi, Hải gửi về phụ nuôi em trai ăn học.
Năm 2016, em trai của Hải là Danh Thành Tài cũng đậu vào HVBP. Danh Hải chia sẻ, giữa tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, lúc này Danh Hải đang học thêm nghiệp vụ tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), được tăng cường đi chống dịch Covid-19 tại chốt Bàu Đá, Đồn Biên phòng Tân Hà, BĐBP Tây Ninh. Cũng thời điểm này, Danh Thành Tài đang là học viên năm thứ 4 của HVBP, được tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 ở bản Cẩm Hắc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).
Cuối tháng 7-2020, Hải và Tài cùng tốt nghiệp và cùng được điều về BĐBP Kiên Giang rồi nhận nhiệm vụ lên biên giới phòng, chống dịch Covid-19. “Cách nhà tầm 20km, nhưng cả tháng em mới tranh thủ tạt qua nhà 1 buổi. Tuy vất vả, gian khó, nhưng cả em và Tài đều rất vui và tự hào vì cùng được đứng chung trên một chiến hào phòng, chống dịch” - Tài tâm sự.
Phần lớn những tổ, chốt Biên phòng trên biên giới Hà Tiên hay Giang Thành nơi chúng tôi đến, đều là những túp lều tạm bợ, điều kiện sinh hoạt vô vùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng vượt lên tất cả là tinh thần, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ giữ “phên dậu” của Tổ quốc. Họ đã biết hy sinh cái riêng để vì cái chung, vì sự bình yên của tuyến sau...
Bài 2: Bịt kín các đường mòn trên biên giới An Giang
Đăng Bảy